Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký chứng thực Luật Đất đai (sửa đổi)

Thanh Nhung
Thanh Nhung

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký chứng thực Luật Đất đai (sửa đổi). Luật này được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5.

1a.jpg
Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua các dự án Luật (Ảnh minh họa)

Sau kỳ họp, thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan đã thực hiện rà soát kỹ thuật văn bản sau thông qua. 

Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký chứng thực văn bản Luật đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 18 ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Luật Đất đai (sửa đổi) hiệu lực từ ngày 1/1/2025, trong đó có nội dung đáng lưu ý là 32 trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội. 

Luật Đất đai năm 2024 gồm 16 Chương, 260 điều, trong đó, tập trung hoàn thiện các quy định, chính sách về:

Xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất đai đồng bộ ở 03 cấp; đổi mới quy trình, nội dung, phương pháp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; quy định cụ thể các trường hợp thuê đất trả tiền một lần phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu ổn định.

Thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung ương và Hội đồng nhân dân trong việc xây dựng bảng giá đất...

Đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; đất do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng.

Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất.

Chế độ sử dụng đất đa mục đích; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; đất tôn giáo kết hợp với mục đích khác; đất có mặt nước sử dụng đa mục đích; hoạt động lấn biển...

Luật Đất đai (sửa đổi) cũng quy định rõ, việc thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phải thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Dự án có trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; dự án đã có quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công, quyết định phê duyệt dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư;

Dự án đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, quyết định chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.

- Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 84 của luật này trong trường hợp thu hồi đất liên quan đến quốc phòng, an ninh.

- Trường hợp dự án có phân kỳ tiến độ sử dụng đất thì thu hồi đất theo tiến độ của dự án đầu tư được xác định trong văn bản chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư dự án.

“Điều kiện thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là phải hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư theo quy định của luật này”, theo Khoản 3 điều 80 Luật Đất đai (sửa đổi).

Ngoài ra, đáng chú ý, Luật quy định phân cấp thẩm quyền cho các địa phương trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn, đồng thời thiết lập các cơ chế giám sát, kiểm tra, thanh tra trong quản lý của Trung ương thông qua quy định về hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu về đất đai tập trung, thống nhất;

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

.