Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo làm rõ vụ nữ giáo viên vay tiền, cả trường bị ‘khủng bố’ đòi nợ

Liên quan đến sự việc nữ giáo viên vay tiền trên mạng khiến đồng nghiệp bị chủ nợ "khủng bố", Chủ tịch tỉnh Cà Mau đã yêu cầu Công an TP và các đơn vị trực thuộc có liên quan rà soát, xem xét xử lý.

Thời gian gần đây, sự việc một nữ giáo viên ở Cà Mau vay tiền trên mạng nhưng không có đủ khả năng trả nợ khiến các đồng nghiệp cùng trường bị chủ nợ "khủng bố" điện thoại cũng như đăng tải thông tin tiếp tay cho người này trốn nợ khiến dư luận vô cùng quan tâm.

VietnamNet đưa tin, ngày 26/10, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã giao Chủ tịch UBND TP. Cà Mau chỉ đạo Công an TP và các đơn vị trực thuộc có liên quan rà soát, xem xét xử lý nội dung "nữ giáo viên của Trường THCS - THPT Lý Văn Lâm vay tiền trên mạng, cả trường bị 'khủng bố' đòi nợ".

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo làm rõ vụ nữ giáo viên vay tiền, cả trường bị ‘khủng bố’ đòi nợ - Ảnh 1.

Hình ảnh nhiều cô giáo bị tung lên mạng xã hội và dán vào trụ điện.

Theo thông tin trên Tri thức trực tuyến, cô L.T.T.L. (34 tuổi) cho biết đầu năm 2019, nữ giáo viên này giao dịch qua mạng xã hội với 6 người để vay khoảng 20 triệu đồng. Vài tháng gần đây cô L. gặp khó khăn, trả lãi không đúng hạn nên hình ảnh vả thông tin cá nhân bị chủ nợ bêu rếu trên Facebook.

Không chỉ cô L., hình ảnh và thông tin cá nhân của 4 cô giáo khác cũng bị ghép chung tờ rơi in màu dán vào các trụ điện, lan truyền trên Facebook. Người đòi nợ tự xưng là Công ty TNHH Đại Hải nhưng không rõ địa chỉ, gọi cô L. là "con nợ" và những đồng nghiệp khác là "đồng lõa".

"Kẹt tiền nên tôi chụp hình giấy chứng minh nhân dân và gửi số điện thoại cho bên kia thông qua mạng xã hội thì tài khoản nhận được tiền vay. Hàng tháng ra bưu điện hoặc trạm giao dịch của các nhà mạng để đóng tiền. Vài tháng nay tôi trả lãi chậm nên bị nhục mạ trên Facebook và nhận hàng trăm cuộc điện thoại chửi mắng để đòi nợ", cô L. kể lại.

Một trong những đồng nghiệp của cô L. là cô P.N.N.N. cho biết vài ngày trước thấy hình ảnh xuất hiện trên mạng xã hội và các trụ điện. Nữ giáo viên này chưa kịp báo công an thì nhận được trên 100 cuộc điện thoại vào ngày 22/10 với nội dung đòi tiền vay của cô L. Hai ngày sau đó tiếp tục có khoảng 300 cuộc gọi vào điện thoại cô N. với thông tin đòi nợ tương tự.

"Lúc đầu họ nhắn tin kêu tôi nhắc cô L. trả nợ. Sau đó là hàng trăm cuộc gọi đe dọa, xúc phạm cá nhân tôi và gia đình để gây áp lực buộc tôi với các đồng nghiệp khác kêu cô L. trả nợ. Điện thoại bàn của trường cũng bị những người lạ khủng bố nên ban giám hiệu buộc phải cắt đường truyền. Tôi với nhiều thầy cô bị khủng hoảng tinh thần rất lớn", cô N. chia sẻ.

Sau nhiều ngày tắt điện thoại để khỏi bị "khủng bố", sáng 26/10, cô L. và những đồng nghiệp khác mở máy trở lại. Hay tin công an vào cuộc, những số điện thoại làm phiền các giáo viên đã ngưng gọi quấy phá và thông tin đòi nợ trên Facebook đã được gỡ bỏ.