Cộng đồng cùng chung tay
Những ngày cuối năm 2016, đường về huyện Phù Mỹ (Bình Định) mưa tuôn xối xả. Thế nhưng Cơ sở dạy nghề và thực hành cơ khí Quốc Trung vẫn náo nhiệt hoạt động suốt ngày. Từ lâu, cơ sở này luôn rộng mở chào đón những người được đặc xá về học nghề, sau đó đưa đến các cửa hàng khác để làm việc. Anh Nguyễn Văn Hào, người từng một thời sa chân vào con đường ma túy cho biết: "Chính quyền địa phương rất quan tâm đến công tác ổn định cuộc sống và tìm kế sinh nhai cho chúng tôi. Bởi vậy, hàng trăm phạm nhân được đặc xá đã có việc làm. Mỗi người lựa chọn một nghề nghiệp phù hợp. Nếu ai thích nghề mộc, nghề hàn, nghề tin học… thì sẽ được địa phương giới thiệu đi học nghề miễn phí".
Ngược về trại giam Xuân Phước (Tổng cục VIII, Bộ Công an, đóng chân trên địa bàn tỉnh Phú Yên), không khí khẩn trương làm việc, học tập không khác gì ở các Công ty, Xí nghiệp. Theo Ban giám thị trại giam Xuân Phước, tất cả các phạm nhân vào đây đều được học nghề, hướng nghiệp. Nhất là những phạm nhân chuẩn bị được đặc xá trọng dịp Tết sắp tới sẽ được sát hạch kỹ tay nghề, sau đó trại giam sẽ phối hợp với chính quyền địa phương và nhiều cơ sở, công ty để giới thiệu những đối tượng này đến làm việc. Có việc làm, được quan tâm hỗ trợ, họ sẽ làm lại cuộc đời của mình.
Người từng lầm lỡ cần được giúp đỡ vươn lên
Để cả cộng đồng cùng chung tay giúp đỡ người hoàn lương, người được đặc xá trước thời hạn sớm có cuộc sống ổn định, ngày 8/12/2016, UBND tỉnh Phú Yên cũng đã ban hành văn bản số 184/KH-UBND chỉ đạo lực lượng Công an cơ sở, nhất là lực lượng Công an xã, phường, thị trấn lập hồ sơ quản lý, giáo dục người được tha tù trước thời hạn, giúp đỡ, hướng dẫn đăng ký tạm trú, thường trú theo quy định của Luật Cư trú. Chủ động nắm tình hình, điều kiện hoàn cảnh và tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện để tư vấn, tham mưu, đề xuất với UBND cùng cấp tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ người được tha tù trước thời hạn có cộng việc sinh kế.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH Phú Yên tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách về hỗ trợ dạy nghề, cho vay vốn, tạo việc làm để hỗ trợ, giúp đỡ người được tha tù trước thời hạn, người hoàn lương có điều kiện ổn định cuộc sống. Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố phải nhanh chóng phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương tổ chức đào tạo dạy nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; quan tâm giúp đỡ về vật chất, tinh thần cho họ ổn ổn định cuộc sống. Theo đó, ngay trong năm 2017 tới sẽ có hàng ngàn lao động là người hoàn lương được đào tạo nghề, bố trí việc làm phù hợp.
Là tỉnh nằm ở khu vực Nam Tây Nguyên, nhiều năm nay Đắc Lắc cũng luôn xem việc dạy nghề cho người hoàn lương, người được đặc xá là một nhiệm vụ ổn định cuộc sống dân sinh. Ông Nguyễn Quang Trường, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đắc Lắc cho biết: "Đã được đặc xá nghĩa là thành công dân bình thường rồi, chúng ta tuyệt đối không được kỳ thị mà phải động viên họ. Chúng tôi luôn có chiến lược và các kênh thông tin đến tận các đối tượng này để trao nghề cho họ. Bất kể ai đã được đặc xá, hoàn lương đăng kí học nghề đều được đáp ứng ngay".
Thắp lên khát vọng mới
“Đằng đẵng bao nhiêu năm, tôi chỉ biết hút thuốc phiện với uống rượu trắng. Có những đêm tụ tập cả một nhóm người hút thuốc phiện thâu đêm rồi quậy phá, tù tội. Cứ ngỡ thế là cuộc đời chấm hết”- Sơn Lâm ở khu phố 6 (phường Tân Tiến, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) thổ lộ. Nhiều năm trước, Sơn Lâm cùng hàng chục đối tượng khác khét tiếng ở Buôn Ma Thuột về sự ngỗ ngáo và có thể hút thuốc phiện thay cơm. Nhưng rồi, được sự giúp đỡ của cộng đồng, trại giam và ngành LĐ-TB&XH, Sơn Lâm đã vận động thêm rất nhiều người được đặc xá, được hoàn lương như mình tham gia học nghề tại các trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh, sau đó lập xưởng sản xuất đồ mỹ nghệ từ phế phẩm. Ý tưởng tốt cộng thêm sự động viên sâu sắc từ cộng đồng, Sơn Lâm tìm ra con đường tương lai tươi sáng, có điểm sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, tuy chưa lớn lắm nhưng có thể tạo công ăn việc làm cho hàng chục người.
Cùng học nghề để làm lại cuộc đời
Khi đã có điểm sản xuất, không nghĩ đến lợi nhuận cho bản thân, anh tiếp tục đi tiếp cận hàng chục người từng lầm lỗi như mình để tập hợp lại cùng sản xuất. Học được cái gì, Lâm truyền hết cho người đồng cảnh cái đó. Điểm sản xuất mỹ nghệ nơi Lâm và những người đồng cảnh như mình ở Buôn Ma Thuột luôn nhộn nhịp khách hàng đến thăm, khảo sát hàng. Những người từng lầm lỡ làm cùng Lâm, ai cũng có thu nhập trên 3 triệu/tháng. Lâm tâm sự: "Vậy là điều hạnh phúc nhất với tôi đã đến. Hạnh phúc là được sáng tạo, được giúp đỡ mọi người".
Chỉ cho tôi xem xưởng sản xuất đồ thủ công mây tre đan của mình ở trung tâm huyện Sông Hinh (Phú Yên), anh Nguyễn Minh Triều cũng hồ hởi khoe: "Xuân Đinh Dậu này mình sẽ đưa thêm một số người được đặc xá đã học nghề xong về đây làm việc. Anh em giúp nhau vươn đến khát vọng mới". Đã có một thời Triều lầm lỗi, đâm thuê chém mướn nhưng sau khi được đặc xá cách đây 3 năm, anh đã được địa phương cho học nghề miễn phí và về tự mở xưởng sản xuất. Triều quả quyết rằng: "Cứ tự tin, chăm chỉ học nghề thì sẽ không còn thấy mình vô ích nữa. Rất nhiều người cùng cảnh ngộ như tôi đã nhìn thấy điều này. Cuộc sống không có con đường cùng, quan trọng là biết thắp lên khát vọng mới để không phụ lại sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng, gia đình".