Còn nhiều tồn tại trong công tác dân số
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong giai đoạn 2011 - 2015, công tác dân số đã đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra theo chiến lược dân số và sức khoẻ sinh sản giai đoạn 2011 - 2020 như quy mô dân số dưới 93 triệu người; duy trì mức sinh thay thế; tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh bước đầu được khống chế; tỷ lệ bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh được sàng lọc ngày càng cao; tỷ lệ trẻ em mới sinh bị dị tật bẩm sinh ngày càng giảm; công tác chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên được cải thiện; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được nâng cao. Điển hình như: nâng tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh năm 2015 đạt 30% (tăng 20 lần so với năm 2010); trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt 30% (tăng 6 lần so với năm 2010). Qua đó làm giảm tỷ lệ trẻ em mới sinh bị dị tật bẩm sinh xuống còn 1,57% so với mục tiêu 2,5%.
Bên cạnh đó, ngành dân số cũng triển khai nhiều mô hình tư vấn và khám sức khỏe cho đối tượng vị thành niên/thanh niên, một trong những nhóm đối tượng đặc thù dễ bị tổn thương.
Chính sách dân số cần được đẩy mạnh hơn nữa ở vùng sâu, vùng xa.
Hệ thống hậu cần cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản (SKSS) tại tất cả các tuyến đều được đầu tư nâng cao cơ sở vật chất, đào tạo cập nhật các kỹ thuật mới về chăm sóc SKSS - KHHGĐ, sàng lọc trước sinh, sơ sinh... Nhiều chương trình tiếp thị xã hội và xã hội hoá dịch vụ dân số ngày càng mở rộng, đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Văn Tân thừa nhận: Còn nhiều tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chiến lược DS - KHHGĐ giai đoạn 2011 - 2015. Hiện nay nước ta đang phải đối mặt ba vấn đề rất lớn, đó là mất cân bằng giới tính khi sinh, cơ cấu “dân số vàng” và già hóa dân số. Cụ thể như, vấn đề mất cân bằng giới tính mới xuất hiện ở Việt Nam, nhưng đã tăng với tốc độ rất nhanh, liên tục và đã ở mức cao nghiêm trọng (năm 2015 là 112,8 bé trai/100 bé gái)... Ngoài ra, tốc độ mở rộng nội dung sàng lọc trước sinh và sơ sinh chưa đáp ứng nhu cầu người dân, tình trạng có thai ngoài ý muốn và phá thai của vị thành niên/thanh niên chưa cải thiện nhiều, nội dung, hình thức truyền thông chậm đổi mới... Trong khi đó nguồn lực dành cho công tác dân số giảm mạnh dù nội dung công việc mở rộng hơn nhiều nên chất lượng dịch vụ SKSS - KHHGĐ còn hạn chế…
Già hóa - thách thức lớn của ngành dân số
Nhấn mạnh dân số là một vấn đề tổng hợp, mang tính chiến lược của đất nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, ngành dân số phải khẩn trương tổng kết từ thực tiễn, phân tích xu thế trên thế giới cũng như các cơ sở lý luận trên tinh thần phát huy thành tích, nhìn vào các điểm còn bất cập để có những điều chỉnh chiến lược. Thời gian tới, công tác DS - KHHGĐ cần phát huy hơn nữa những thành tích đã đạt được; đồng thời khắc phục những khó khăn, thách thức như: quy mô dân số đã đạt kế hoạch, nhưng vẫn có xu hướng gia tăng; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn cao, nhất là ở khu vực đồng bằng Bắc bộ. 5 năm qua, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai đang có xu hướng giảm xuống; già hóa dân số tăng nhanh, nếu không có các giải pháp mang tính cân bằng và chiến lược, Việt Nam sẽ là quốc gia có dân số già điển hình trên thế giới…
Nhắc đến câu chuyện già hóa dân số là một trong những thách thức rất lớn đối với công tác dân số hiện tại và tương lai, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý: Việt Nam sẽ trở thành nước dân số già có tốc độ điển hình trên thế giới nếu không có các biện pháp căn bản, có tính chiến lược. Vấn đề dân số già sẽ kéo theo áp lực rất lớn đối với hệ thống an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe... mà ngay cả những nước như Nhật Bản vốn có hệ thống BHXH, BHYT 100% vẫn còn rất lo ngại.
“Mặc dù tỷ lệ người dân tham gia BHYT hiện nay ở Việt Nam mới được 78% và phấn đấu đạt 90% vào năm 2020, BHXH mới đạt 25%, nhưng câu chuyện chăm sóc người già, người cao tuổi không thể đợi đến năm 2030 hay năm 2035 mới bắt đầu. Điều đó sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy xã hội”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.