Trẻ em không chỉ được cập nhật kiến thức cơ bản về nguyên nhân và các biện pháp phòng, chống TNTT thường gặp như: Tai nạn đuối nước, thương tích do vật nhọn, động vật cắn, té ngã, điện giật, bỏng, ngộ độc thực phẩm, tai nạn giao thông… mà còn được thực hành kỹ năng sơ cứu nạn nhân bị dị vật đường thở, ngừng thở, ngừng tim, phương pháp cứu hộ; cấp cứu thông thường… qua đó giúp các em ứng phó các tình huống trong cuộc sống hàng ngày.
Theo báo cáo của Sở LĐTBXH Khánh Hòa, triển khai Chương trình phòng, chống TNTT trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, Sở LĐTBXH đã phối hợp với các đơn vị phát hành hơn 3.000 cuốn tài liệu tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; 4.300 cuốn tài liệu về công tác phòng, chống TNTT cho trẻ em; 3.200 tờ rơi về phòng, chống bạo lực trẻ em để tuyên truyền trong cộng đồng dân cư, trường học; tổ chức hơn 500 buổi nói chuyện với chủ đề phòng, chống tai nạn giao thông cho hơn 154.500 lượt học sinh các cấp tham gia. Hàng năm, Sở đều tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ huyện đến cơ sở nhằm trang bị, cung cấp kiến thức và kỹ năng phòng, chống TNTT trẻ em tại cộng đồng, gia đình.
Một buổi tập huấn phòng chống TNTT cho học sinh trường THCS Thái Nguyên TP. Nha Trang.
Tuy vậy, tình trạng trẻ em bị TNTT vẫn diễn biến phức tạp, trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 295 trẻ em bị TNTT, trong đó 15 em tử vong. Nguyên nhân dẫn đến các vụ trẻ bị TNTT hầu hết do cha mẹ, người chăm sóc trẻ còn lơ là, tâm lý chủ quan, thiếu kiến thức, kỹ năng để trẻ tự do đến các sông, suối, ao hồ đùa nghịch, tắm mà không có sự giám sát của người lớn…
Trước tình hình đó, trong thời gian tới, Sở LĐTBXH sẽ phối hợp với các ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống TNTT và đặc biệt phòng, chống đuối nước trẻ em đến trường học, lớp học, thôn, bản, xóm, ấp, tổ dân phố, khu dân cư nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình như: “Cộng đồng an toàn”, “Trường học an toàn”, “Ngôi nhà an toàn” nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất các nguy cơ TNTT ở trẻ em… Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền đến bố, mẹ, người chăm sóc trẻ quan tâm, giám sát con em mình về nguy cơ tai nạn, thương tích, đuối nước. Rà soát, phát hiện kịp thời các đồ dùng, công trình chứa nước, các khu vực hố nước, hồ ao, sông ngòi, vùng nước sâu, nguy hiểm thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em; quan tâm hỗ trợ, trang bị cơ sở vật chất để dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước tại địa phương.
UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động triển khai tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống TNTT, phòng, chống đuối nước cho trẻ em; chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương đối với các vụ việc gây tử vong trẻ em do TNTT, đuối nước; xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm quyền trẻ em…
PV/GĐTE