Ngày 28/12, PV Tiền Phong trao cho vợ chồng ông Huỳnh Văn Nén 40 triệu đồng do Cty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức tặng để ông Nén sửa nhà.
Chưa có cơ sở ứng tiền cho ông Nén
Liên quan đến việc bồi thường của ông Huỳnh Văn Nén, tại buổi họp báo, lãnh đạo Cục Bồi thường nhà nước, (Bộ Tư pháp) cho biết, đến nay chưa có hồ sơ bồi thường nên chưa có cơ sở xem xét ứng 1 tỷ đồng theo yêu cầu của ông Nén.
Ông Trần Việt Hưng, Phó Cục trưởng Bồi thường Nhà nước cho biết, đã nắm bắt được thông tin, song hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định nội dung này. Theo ông Hưng, do chưa có hồ sơ bồi thường nên chưa có cơ sở xem xét chuyện ứng tiền. Cũng theo ông Hưng, trong vụ oán oan của ông Nén, sẽ đề xuất hướng cơ quan có trách nhiệm chủ động bồi thường, số tiền có thể được xem xét theo hướng quy đổi 1 ngày tù bằng 3 ngày lương.
Ở nội dung cấp chứng chỉ hành nghề luật sư cho cựu điều tra viên Cao Văn Hùng (điều tra viên chính trong vụ án Huỳnh Văn Nén), bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, (Bộ Tư pháp) cho rằng, ông Hùng được cấp chứng chỉ hành nghề đúng quy định.
Liên quan đến nội dung nộp tiền để thoát án tử hình đến vụ án tham nhũng, PV đặt câu hỏi trường hợp của bị án Dương Chí Dũng (cựu Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam). Bà Vũ Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, (Bộ Tư pháp) cho biết, theo hướng dẫn, bị án sẽ phải bồi hoàn 3/4 tổng số tiền gây thiệt hại và có thái độ hợp tác tích cực trong quá trình giải quyết vụ án.
Cựu Cục trưởng Hàng hải mới bồi hoàn hơn 5 tỷ đồng
Cũng tại buổi họp báo, Bộ Tư pháp công bố số tiền đã nộp thi hành án của 2 bị án Phạm Thanh Bình (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinashin) và Dương Chí Dũng (cựu Cục trưởng Hàng hải Việt Nam). Theo đó, số tiền này còn quá ít so với thiệt hại trong vụ án.
Trường hợp bị án Phạm Thanh Bình (cựu Chủ tịch HĐQT Vinashin), ông Nguyễn Văn Sơn cho hay, hiện án phí đã xử lý xong và bước đầu ông này bồi thường 1,73 tỷ đồng. Đối với Dương Chí Dũng (cựu Cục trưởng Hàng hải Việt Nam), theo bản án, ông Dũng phải liên đới bồi thường 110 tỷ đồng. Tuy nhiên, thống kê của cơ quan thi hành án, đến nay ông Dũng mới nộp 5,2 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi phóng viên về lý do thu hồi tài sản quá khó khăn trong lĩnh vực ngân hàng (chỉ từ 18 đến 23%), ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng cục trưởng Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp cho biết, xử lý các khoản nợ cho các tổ chức tín dụng, về cơ bản là thuận lợi cho có tài sản đảm bảo. Tuy vậy, do tình hình kinh tế, sản xuất kinh doanh chậm, thị trường bất động sản ít chuyển biến, do vậy thanh khoản thấp.
Ngoài ra, việc tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân liên quan còn nhiều bất cập. Nhiều nơi tìm mọi cách để lẩn trốn, che đậy tài sản. Việc lực lượng của cơ quan thi hành án mỏng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn dẫn đến việc thu hồi tài sản thấp.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, trong quý IV/2015, Bộ đã kiểm tra 421 văn bản, phát hiện 12 văn bản sai về nội dung, thẩm quyền. Tính ca năm 2015, Bộ Tư pháp đã kiểm tra 2.248 văn bản quy phạm pháp luật, phát hiện 51 văn bản sai phạm.
Cũng tại buổi họp báo, Bộ Tư pháp công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2015 của ngành Tư pháp. Trong đó, nổi bật có các sự kiện như việc Quốc hội thông qua hai đạo luật quan trọng (Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự sửa đổi). Theo đánh giá của giới chuyên môn, đây là 2 đạo luật thể hiện bước đột phá trong tư duy pháp lý về đổi mới, bảo vệ tối đa quyền cá nhân, pháp nhân cũng như quyền con người.