Theo ông Nguyễn Hải Đức- Chủ tịch Hiệp hội thang máy Việt Nam (VNEA), hiện trạng của ngành thang máy Việt Nam hiện nay đang tồn tại nhiều vấn đề. Đó là tốc độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của ngành, đội ngũ nhân lực còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm, chưa được chú trọng đào tạo, tình trạng hàng giả, hàng nhái còn tràn lan trên thị trường,… Từ bất cập này, cần phải định hướng lại sự phát triển của ngành thang máy trong thời gian tới: Nâng cao chất lượng chuyên môn và đạo đức lực lượng lao động; nghiên cứu và tiếp nhận chuyển giao khoa học, công nghệ phụ trợ của ngành để tăng năng suất lao động, tăng tính cạnh tranh; xây dựng dịch vụ tốt và hướng tới mục tiêu xuất khẩu thang máy Việt Nam ra thị trường quốc tế; giải quyết triệt để tình trạng hàng giả, hàng nhái trên thị trường để các doanh nghiệp yên tâm tập trung sản xuất cũng như đảm bảo sự an toàn cho người sử dụng,…
Bàn về một số giải pháp phát triển ngành thang máy trong thời gian tới, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, cần một số giải pháp trọng tâm. Đó là đưa vào vận hành và hoàn thiện cơ sở dữ liệu kiểm định kỹ thuật an toàn cho thang máy; hợp tác quốc tế, đặc biệt là hợp tác với Hàn Quốc, xây dựng cơ chế thúc đẩy thành lập cơ sở thử nghiệm an toàn thang máy tại Việt Nam; hướng dẫn chuẩn hóa quy trình chứng nhận hợp quy cho sản phẩm thang máy; đào tạo nhân lực thử nghiệm, kiểm định thang máy; nghiên cứu sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy trình kiểm định để phù hợp với thực tiễn.
Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đề xuất một số khuyến nghị đối với VNEA. Đó là việc VNEA tích cực phối hợp với Bộ Công thương trong xây dựng, ban hành tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia của nghề liên quan đến lĩnh vực thang máy, thang cuốn.
Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh, Chủ tịch Hội đồng trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cũng mong muốn đưa nghề kỹ thuật thang máy vào danh mục đào tạo. Ông cũng đề nghị các doanh nghiệp thang máy chỉ sử dụng lao động đã qua đào tạo nhằm giúp ngành phát triển ổn định, cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho xã hội.
Đại diện của KoELSA cũng chia sẻ là trong 30 năm qua, Hàn Quốc đã giảm thiểu rất nhiều tai nạn liên quan đến thang máy, thang cuốn. Lý do là Hàn Quốc đã xây dựng được hệ thống và quy trình kiểm tra, giám sát mức độ an toàn đạt hiệu quả. Các chương trình đào tạo kỹ thuật ngành thang máy được xây dựng rất bài bản để nâng cao kỹ năng và tay nghề trong việc đào tạo kỹ thuật viên. KoELSA cũng cho biết là tại Hàn Quốc thì những thông tin về tai nạn, quản lý, giám sát thiết bị thang máy được công bố công khai tới toàn dân.
Cũng trong chương trình, thỏa thuận trao đổi và hợp tác giữa KoELSA và VNEA về an toàn thang máy và phát triển công nghiệp cũng đã được hai bên ký kết với các nội dung:
Hợp tác phát triển hệ thống an toàn thang máy: Các bên sẽ làm việc cùng nhau để phát triển thể chế và tích cực hỗ trợ trao đổi thông tin giữa hai bên và hai chính phủ nhằm cải thiện chất lượng và an toàn thang máy.
Hợp tác trao đổi thông tin về an toàn thang máy, nhằm ngăn ngừa sự cố an toàn liên quan đến thang máy. Các bên sẽ chia sẻ với nhau thông tin về dữ liệu tai nạn nghiêm trọng và dữ liệu thống kê liên quan, kinh nghiệm liên quan như sản xuất và lắp đặt thang máy và cùng nhau hợp tác vì sự phát triển của ngành thang máy.
Hợp tác phát triển ngành thang máy để cải thiện ngành công nghiệp thang máy, các bên sẽ trao đổi và hợp tác trong việc hỗ trợ công nghệ, chuyển giao công nghệ, giáo dục đào tạo chuyên gia thang máy…