Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, tại Việt Nam, mỗi năm thu hoạch được khoảng 1.300.000 tấn, trong khi đó, tiêu thụ tại Trung Quốc chưa tới 300.000 tấn.
Một trong những vấn đề trọng tâm được nhắc tới nhiều nhất trong thời gian qua là tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản, trong đó đáng chú ý nhất là mặt hàng dưa hấu với những hình ảnh ghi nhận về tình trạng hàng ngàn xe dưa hấu ùn tắc ở cửa khẩu, hay người nông dân khóc ròng trên ruộng vì dưa thối, không thể tiêu thụ được...
Báo cáo về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lê - đại diện Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cho biết, tại Quảng Nam, có 18 huyện, thị thành nhưng chỉ có 4 huyện có dưa với diện tích 790 ha. Đợt lũ vừa qua Quảng Nam thiệt hại chủ yếu về dưa, 570 ha ngập lụt với thiệt hại 2.600 tấn.
Đại diện Sở Công Thương Quảng Nam kiến nghị, trong thời gian tới cần xây dựng thương hiệu cho dưa Quảng Nam để mặt hàng này có chỗ đứng và không bị rớt giá, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Theo ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, qua tổng hợp cho thấy, dưa hấu là một sản phẩm mùa vụ. Tại Việt Nam, mỗi năm thu hoạch được khoảng 1.300.000 tấn, trong khi đó, tiêu thụ tại Trung Quốc chưa tới 300.000 tấn.
"Điều đó có nghĩa tiêu thụ trong nước khoảng 1.000.000 tấn. Chúng ta đã làm tốt công tác tiêu thụ mặt hàng này tại thị trường nội địa. Bên cạnh đó, đối với mặt hàng hành tím, vừa qua Bộ Công Thương có Công văn số 3954/BCT-TTTN ngày 22/4/2015 về việc triển khai các giải pháp, đề nghị có thông tin giữa các vùng, các đầu mối, thúc đẩy tiêu thụ tại nội địa, bước đầu đã có tác động tích cực", ông Quyền cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Quyền, về lâu dài, để mặt hàng này được tiêu thụ một cách bền vững, cần có sự chủ động hơn nữa từ phía địa phương, các sở Công Thương trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu từ nhiều năm qua đối với những mặt hàng mang tính mùa vụ, có số lượng lớn. Từ đó có các biện pháp tổ chức sản xuất, khuyến cáo sản xuất, thị trường tiêu thụ, tránh tình trạng như thời gian qua.
Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, đơn vị được giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Công Thương Bắc Giang, Sở Công Thương Hải Dương, Sở Công Thương TPHCM có những hỗ trợ, kết nối, giảm tải biên giới, giữ giá cho người tiêu thụ nhưng các địa phương phải chủ động. Bộ sẽ chỉ đạo, điều hành. Bộ Công Thương sẽ sát cánh cùng các Sở làm hết trách nhiệm trong việc kết nối tiêu thụ các vụ mùa trong thời gian tới.
Trước đó, lý giải về việc vì sao tình trạng ùn tắc diễn ra nhiều năm song chưa thay đổi, một lãnh đạo khác của Bộ Công Thương - Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, nguyên nhân do dưa hấu là một mặt hàng dễ canh tác nên các địa phương, nhất là tại nam trung bộ rất muốn canh tác mặt hàng này.
Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, ngay từ tháng 12/2014 và tháng 1/2014, Bộ đã liên tục có những văn bản cung cấp và đưa ra những khuyến nghị đối với các địa phương và các doanh nghiệp tham gia trong hoạt động xuất khẩu trái cây nói chung và dưa hấu dưa hấu nói riêng về dung lượng thị trường cũng như về điều kiện thông quan cụ thể, kèm theo các yêu cầu đặt ra cho thương mại biên giới. Bộ cũng đã có đề nghị các Sở Công Thương có sự kết nối giữa các doanh nghiệp với người dân để hỗ trợ khâu tiêu thụ và đồng thời, yêu cầu phối hợp với tỉnh Lạng Sơn trong xây dựng kế hoạch điều tiết, vận chuyển mặt hàng dưa hấu và thông quan hàng hóa.
Tuy nhiên, sản lượng sản xuất vẫn rất lớn so với năng lực thực tế nên vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc và có những hoạt động chưa thể kiểm soát hết được.
“Có một thực tế là do sức hút của thị trường nên việc tổ chức sản xuất của chúng ta vẫn không đáp ứng được yêu cầu đó, vẫn mang tính tự phát nhiều hơn, dẫn đến nông sản của Việt Nam nói chung và dưa hấu nói riêng khi đưa đi tiêu thụ vẫn bị ách tắc ở biên giới do tình trạng quá tải” - Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.