TS. Đào Minh Quang (người đứng giữa) trong lễ kí kết thoả thuận khung về hợp tác và hỗ trợ tài chính với Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Mối lương duyên với “nàng Nhạc viện”
Xuất thân từ một gia đình nghèo ở Phú Thọ, năm 19 tuổi, Minh Quang được sang Đức du học. Trước đó, Minh Quang từng học trống tại Nhạc viện, và tự học đánh đàn guitar, piano. Là một người yêu âm nhạc và trân trọng những người làm nghệ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực âm nhạc, với Nhạc viện (cũ) - hiện là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, TS. Đào Minh Quang có nhiều kỷ niệm gắn bó sâu sắc. Nhạc viện là nơi chàng trai Minh Quang gặp gỡ “nàng Nhạc viện” - người vợ mà ông luôn trìu mến gọi bằng cái tên yêu như thế!
Nhớ lại kỷ niệm không thể quên từ hơn 20 năm trước, thời ấy, Nhạc viện rất đẹp, nhiều cây cối bao quanh, trông thật lãng mạn và nên thơ, mặc dù cuộc sống của sinh viên cũng như giảng viên ở Nhạc viện còn nghèo. Trong một lần về phép ở Việt Nam, chàng du học sinh Minh Quang muốn thưởng thức nhạc cổ điển, được người bạn đưa đến Nhạc viện, tình cờ gặp và làm quen với nữ sinh Lê Thị Thanh - học đàn nhị ở Khoa Âm nhạc truyền thống. Cô gái xinh đẹp ấy đã “hút hồn” Minh Quang bằng bản độc tấu đàn nhị “Tình quê hương” của NS Thao Giang. Chàng trai Minh Quang cũng trổ tài hát dân ca Đức làm lay động, xốn xang trái tim cô gái trẻ. Kết quả của mối tình ấy là cuộc hôn nhân với trái ngọt là hai cậu con trai tài năng, ngoan ngoãn và giàu lòng nhân ái như người bố đáng kính.
TS. Đào Minh Quang chia sẻ: Trong suốt các chặng đường thời gian, tôi luôn được đồng hành cùng âm nhạc và văn hóa với những cảm xúc ngọt ngào, trìu mến. Đây cũng là nguồn động lực để tôi thành lập Quỹ Đào Minh Quang, với những dự án đầu tư lâu dài cho phát triển văn hóa, nghệ thuật Việt. Mới đây, Quỹ Đào Minh Quang đã ký kết thỏa thuận tài trợ hơn một tỷ đồng cho các tài năng của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Trong 3 năm từ 2017-2020, Quỹ sẽ hỗ trợ giải thưởng thủ khoa cho 8 sinh viên trong kỳ thi đầu ra và 20 suất học bổng trị giá 10 triệu đồng/suất cho các sinh viên thực sự có tài năng nhưng gặp khó khăn.
Giáo sư, TS. Karin Weiss – nguyên Chủ tịch Ủy ban về Hội nhập của người nước ngoài tại bang Brandenburg và bang Rheinland-Pfalz (Đức) đã ca ngợi tình yêu âm nhạc dân tộc của TS. Đào Minh Quang cũng như nghị lực mạnh mẽ của ông để trở thành một doanh nhân thành đạt. Giờ đây, TS. Đào Minh Quang đang thực hiện hoài bão thành lập Quỹ từ thiện và công ích Đào Minh Quang để có thể giúp đỡ học sinh Việt Nam nghèo vượt khó và bảo tồn, duy trì cũng như trao đổi âm nhạc dân tộc giữa Việt Nam và Đức.
“Âm nhạc như người đồng hành với cuộc đời tôi”
Chào TS. Đào Minh Quang, vì sao ông tâm huyết gây dựng Quỹ Từ thiện và Công ích để hỗ trợ cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật?
Trước đây, tôi đã giúp rất nhiều người trong lĩnh vực đào tạo, dưới nhiều dạng hỗ trợ, như tư vấn về giáo dục, tặng cho các bạn thẻ học nghề, học đại học tại Đức, giúp đỡ học nghề tại Việt Nam để các em có con đường đi bền vững. Nửa thời gian của tôi là dành để giúp các bạn trẻ, cho họ có nguồn sống tương lai.
Quỹ Từ thiện và Công ích do tôi thành lập này là biểu tượng của tình yêu và sự tri ân mà tôi muốn dành cho đại gia đình mình, đồng thời cho các thầy cô giáo hai nước Việt Nam và Đức đã dạy tôi kiến thức và kinh nghiệm quý giá, để tôi hiểu và biết đánh giá rằng, kiến thức đúng là quyền lực!
Bản thân tôi là người rất yêu dân ca Việt Nam, dân ca Đức, nên tôi muốn được khuyến khích hỗ trợ các tài năng trẻ để bảo tồn, gìn giữ và phát triển dân ca Đức - Việt. Một trong những mảng tôi muốn khuyến khích chính là âm nhạc, vì âm nhạc như người bạn đồng hành với cuộc đời tôi, nó cho tôi những cảm nhận, nguồn vui và nghị lực để có thể vượt qua được những lúc khó khăn nhất. Có lẽ, tôi hạnh phúc hơn những người kinh doanh khác chính là ở chỗ đó.
Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những hỗ trợ cho các tài năng trẻ gặp khó khăn?
Với Quỹ Từ thiện này, tôi muốn được đóng góp vào lĩnh vực đào tạo phổ thông, đào tạo nghề, đào tạo đại học và khoa học cũng như ủng hộ các ý tưởng và các quyết định sao cho đạt được sự tồn tại bền vững của cả con người và doanh nghiệp, và khuyến khích các hoạt động trao đổi văn hóa và âm nhạc giữa hai nước Đức - Việt. Tôi muốn được giúp đỡ nhiều người, đặc biệt là trẻ em nghèo, phụ nữ khó khăn để họ có thể thực hiện được hoài bão và giấc mơ trong cuộc đời mình, bởi đào tạo là nguồn gốc của xóa đói giảm nghèo.
TS. Đào Minh Quang và “nàng Nhạc viện”.
Ông là người rất yêu dân ca, hẳn là ông có ý tưởng đặc biệt để thúc đẩy, gìn giữ cho nền dân ca phát triển?
Riêng với mảng văn hóa, tôi muốn tổ chức các buổi giao lưu âm nhạc, dân ca Đức tại Việt Nam và dân ca Việt Nam tại Đức. Tài trợ cho các dự án nghiên cứu, tìm hiểu về âm nhạc Đức tại Việt Nam, bởi Đức là một trong những cái nôi văn hóa, âm nhạc lớn của thế giới. Từ đó, học sinh, sinh viên có thể hiểu được các vấn đề lý luận trong âm nhạc, trình diễn tác phẩm có hồn và có tình hơn. Tôi muốn khuyến khích những sinh viên Khoa Nhạc cụ dân tộc và các khoa khác, hy vọng sau này sẽ càng có nhiều học sinh, sinh viên có thể nhận được những tài trợ học bổng của Quỹ, và các bạn có thể sang Đức học đại học về âm nhạc chẳng hạn.
Xin cảm ơn Tiến sĩ, và chúc ông giúp được nhiều tài năng trẻ.
Hồng Nga (thực hiện)/TC GĐ&TE