Phát biểu tại buổi tiếp, Chủ tịch nước nhấn mạnh vai trò của Liên đoàn FAEA và đánh giá cao các nhà khoa học, các nhà kinh tế học Việt Nam và ASEAN đã đi tiên phong trong việc chia sẻ, thúc đẩy, hỗ trợ nhau trong giao lưu học thuật, chia sẻ kiến thức và tầm nhìn phát triển của mỗi quốc gia cũng như của toàn khối, có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả vào kết quả chung đối với sự phát triển của cộng đồng ASEAN.
Các nước ASEAN đã cùng nhau đoàn kết, cùng nỗ lực vượt qua đại dịch Covid-19, chung tay xây dựng cộng đồng ASEAN độc lập, tự cường và thịnh vượng. Chủ đề Hội nghị FAEA-45 “Phục hồi và Chủ tịch nước cũng bày tỏ cảm ơn các nước ASEAN, các nhà khoa học kinh tế ASEAN đã tích cực hợp tác và hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội, đạt được nhiều thành tựu trong thời gian qua.
Chủ tịch nước cũng đề cập những thách thức trong nền kinh tế toàn cầu, trong đó có các quốc gia ASEAN như tăng trưởng thương mại toàn cầu thấp nhiều so với dự báo ban đầu; giá năng lượng và lương thực tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát cao, chính sách tiền tệ, tài khóa đã tác động bất lợi tới thương mại và đầu tư toàn cầu,... tuy nhiên cũng tạo ra những cơ hội mới cho chuyển đổi số, công nghệ số lan tỏa, một số ngành nghề mới xuất hiện, đặt ra những bài toán cho các nhà kinh tế ASEAN tham vấn cho các chính phủ trong hoạch định chính sách và điều hành kinh tế-xã hội.
Chủ tịch nước khẳng định, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của giới chuyên gia và các nhà kinh tế học trong tiến trình phát triển đất nước, đặc biệt trong công tác nghiên cứu khoa học, tư vấn, phản biện chính sách, đề xuất chính sách.
Chủ tịch nước cho biết, Thủ tướng của Việt Nam qua các thời kỳ đã luôn lắng nghe, tham khảo các đề xuất, kiến nghị để xây dựng, ban hành chính sách bảo đảm sát thực tiễn, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế đất nước, và đề xuất của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam trong buổi Chủ tịch nước làm việc với Hội trước đây đã được chuyển tới Chính phủ để đóng góp tham mưu, hoạch định chính sách.
Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam vươn mình từ một quốc gia nghèo trở thành một quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình, đã vượt qua đại dịch và đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 8%, ở nhóm cao của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ngân hàng Thế giới cũng dự báo khả quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Chủ tịch nước chia sẻ với các nhà khoa học kinh tế về kinh nghiệm của Việt Nam trong xử lý vấn đề kinh tế trên 6 cân đối lớn: cân đối giữa mở cửa, đổi mới, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội với củng cố, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng; giữa phát triển kinh tế nhanh với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, gìn giữ môi trường, bảo tồn bản sắc văn hóa, giữa nhà nước với thị trường và xã hội; giữa nội lực với ngoại lực, giữa kinh tế trong nước với kinh tế nước ngoài, giữa nội thương với ngoại thương, giữa xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ với mở cửa và hội nhập kinh tế trong khu vực cũng như toàn cầu; giữa những ưu tiên ngắn hạn với những mục tiêu dài hạn.
Quốc tế có những biến động lớn” có tính thời sự, rất thiết thực đối với các quốc gia ASEAN cũng như các quốc gia khác trên thế giới, nhất là trong bối cảnh mà chính trị và kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường hiện nay.
Cùng với đó là cân đối nguồn lực tài chính quốc gia, cán cân ngân sách, nợ công, cán cân thanh toán quốc tế và nhiều cân đối vĩ mô khác; cân đối giữa nhu cầu phát triển đất nước với tiềm lực, khả năng đáp ứng, làm chủ khoa học công nghệ thời đại mới.
Đề cập trong giai đoạn tới, các nước cần chia sẻ trách nhiệm, kinh nghiệm và đẩy mạnh hợp tác, nhận diện những cơ hội và thách thức đan xen; tiềm năng, cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia ASEAN là rất lớn, Chủ tịch nước cho rằng để biến cơ hội thành hiện thực, cần nỗ lực chung tay của các quốc gia, trong đó có sự góp sức của các nhà khoa học kinh tế ASEAN.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị các nhà khoa học kinh tế ASEAN vun đắp và thúc đẩy một số mục tiêu, giải pháp lớn. Bảo đảm hệ thống thương mại quốc tế công bằng, minh bạch và hiệu quả là điều cốt yếu trong một “sân chơi” toàn cầu, trước hết là trong nội khối ASEAN, ủng hộ các khuôn khổ hợp tác khu vực và đa phương dựa trên nguyên tắc và luật lệ.
Đồng thời, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra sâu rộng trong các quốc gia ASEAN, bởi đây là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng ở phạm vi toàn cầu; thúc đẩy khôi phục chuỗi cung ứng sản phẩm và dịch vụ bị đứt gãy, khôi phục và thiết lập những chuỗi cung ứng mới với tầm nhìn dài hạn về xây dựng các chuỗi cung ứng tự cường và bền vững, nơi có nguồn cung ứng đa dạng, có cơ chế giám sát hiệu quả và có thể dễ dàng truy vết.
Chủ tịch nước cũng lưu ý cần thúc đẩy phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn. Các nhà khoa học tư vấn và hối thúc các chính phủ không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường hợp tác nội khối, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, thu hút các tập đoàn đa quốc gia tập trung dòng vốn FDI vào các dự án chất lượng cao, phát triển bền vững, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, các dự án phát triển con người...
Đề cập Việt Nam đã ký kết và thực thi gần 60 hiệp định khuyến khích, bảo hộ đầu tư và thực thi 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới với các tiêu chuẩn cao và các thành quả tăng trưởng kinh tế gần đây của Việt Nam minh chứng việc tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư trong bình diện khu vực và toàn cầu có thể đem lại lợi ích cho tất cả các nước tham gia, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam mong muốn các nước trong khối ASEAN hợp tác kinh tế sâu rộng hơn trên tất cả các lĩnh vực, vì mục tiêu một ASEAN độc lập, tự cường, thịnh vượng và sáng tạo.