Sẻ chia yêu thương
Tính đến tháng 9/2021, chương trình "Điều ước thứ 7" do cô Trần Thị Trang khởi xướng đã đi vào hoạt động được 2,5 năm. Hàng trăm hoàn cảnh kém may mắn đặc biệt là trẻ em trên mọi miền đất nước đã được sẻ chia.
Từ một lần xem chương trình "Điều ước thứ 7" của VTV3 trên Đài truyền hình Việt Nam, làm cô Trang xúc động. Cô thầm nghĩ: ai cũng có một ước mơ, tại sao họ không thực hiện được ước mơ của mình? Có những ước mơ không hề xa vời hay mơ mộng mà là những ước mơ rất đỗi bình thường.
Tình cờ một lần, cô Trang thấy chú Năm Chí người chăm lo nhang khói cho đình Bình Ninh bị khuyết tật phải từng bước chậm rãi đi bán từng tờ vé số kiếm thêm thu nhập. Cô định viết thư cho chương trình "Điều ước thứ 7" để xin chiếc xe lắc điện cho chú.
Cô Trang trao quà hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn.
Biết chuyện, thầy Cao Tấn Hiệu (Hiệu trưởng của Trường THCS Bình Ninh) nói: chiếc xe ấy giá trị không lớn, mình có thể tự lo được không cần nhờ đến chương trình. Thế là thầy vận động đồng nghiệp, người thân và cựu học sinh. Các thầy cô tìm đến và trao tặng chiếc xe lắc điện cho chú Năm Chí.
Đó như là một "cơ duyên" khiến cô Trang cùng các thầy cô ở trường tiếp tục hành trình trao yêu thương. Và cô lấy tên chương trình của mình cũng "Điều ước thứ 7" bởi chỉ có ngày thứ 7 rảnh rỗi cô mới cùng đồng nghiệp đi trao yêu thương.
Biết được chương trình, nhiều hoàn cảnh khó khăn được gởi đến. Tận dụng khoảng thời gian hiếm hoi sau giờ dạy, các thầy cô tất tả đi vận động, xác minh để chọn hoàn cảnh hỗ trợ…
Trong những lần rong ruổi trên những con đường hẹp, sình lầy, ngoằn ngoèo để đến nhà nhân vật của chương trình cô mới thấu hiểu các em thiếu thốn không chỉ vật chất mà cả tinh thần.
Khi tiếp xúc các em, cô Trang thường hỏi em muốn gì để mua tặng. Có em thật thà bảo: "Em muốn con gấu bông"; "Con mong có được một bữa ăn ngon"; "Em ước có một chiếc áo đồng phục trong ngày lễ khai giảng"… Không ít em có ước mơ thật đơn giản nhưng không bao giờ thực hiện được: "con mong ba về với mẹ con của con" hay "cực khổ gì con cũng chịu được, chỉ mong có cha có mẹ như các bạn thôi"…
Trên chiếc xe máy cũ của cô Trang không chỉ là những phần quà nhu yếu phẩm, dụng cụ gia đình…để trao tặng mà còn có những thực phẩm để nấu ngay cho các em bữa ăn. Có dịp trò chuyện với nhân vật chương trình, cô Trang mới thấu hiểu những ước mơ rất đỗi bình thường ấy xuất phát từ cái khó, cái nghèo đeo đuổi hay bị những cơn đau của bệnh tật hành hạ suốt… chứ họ không hề từ bỏ những nỗ lực.
Không dừng lại ở quê mình, cô Trang và đồng nghiệp đã có những chuyến đi xa hơn. Đó là những lần các cô đến ở Trung tâm xã hội tỉnh Đắk Lắk, Trung tâm Nhân đạo Làng tre Đồng Nai, sang Bệnh viện tâm thần Tiền Giang, Bến Tre…để góp yêu thương bằng những bữa ăn ngon, những phần quà cho trẻ em cơ nhỡ, người già, người khuyết tật…
Dần dần, chương trình "Điều ước thứ 7" ngày càng lan tỏa, được sự ủng hộ đông đảo của đồng nghiệp, cựu học sinh, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Mỗi tuần cô đều công khai việc thu chi cùng những hình ảnh, video clip trao quà… trên mạng xã hội để mọi người dễ dàng theo dõi.
Bài học từ sự sẻ chia
Cô Trang tâm sự: Chương trình đã đi qua bao mùa, đã thực hiện bao nhiêu điều ước nhưng khi trở về nhà sau những chuyến đi, cô vẫn thấy lòng trĩu nặng.
Đó là lần cùng bé gái còn ở tuổi mầm non chỉ sống với người cha phải chạy thận nhân tạo. Bé được người cha thắt bím gọn gàng để cùng các cô đi mua sắm. Có lẽ lần đầu tiên bé được đi mua sắm đông vui như thế.
Khoảnh khắc bé chạy khoe với cha mỗi lúc thử giày mới, áo mới, rồi tần ngần trước bộ đồ chơi "tập làm bác sĩ" dù cha luôn nhắc chỉ mua những thứ cần thiết để đỡ tốn tiền các cô…Trên đường về bé mở "phòng mạch bác sĩ" tại quán nước cả đoàn dừng chân để chữa trị cho cha, mong cha sống hoài với con...
Mỗi lần đến thăm những hoàn cảnh được giới thiệu cho chương trình, cô như được tiếp thêm sức mạnh bởi những hành trình chống chọi với bệnh tật và vượt qua bao nghịch cảnh của nhân vật chương trình.
Trong hành trình trao yêu thương của mình, có những nhân vật cô phải đến thăm 2 làm mà cảm thấy chưa bao giờ đủ. Đó 2 mẹ con cùng chạy thận ở ấp Quý Thạnh, xã Tân Hội, Thị xã Cai Lậy. Nhìn những đôi tay nổi u do chạy thận của 2 mẹ con trong căn nhà không có gì đáng giá bởi mọi thứ phải ra đi để trả chi phí chạy thận duy trì cuộc sống cho 2 mẹ con. Gánh nặng gia đình đè lên vai cậu con trai út phải dở dang việc học làm công nhân, liên tục tăng ca. Tuy nhiên vẫn không đủ đâu vào đâu…
Kể sao hết những lần như thế. Mỗi chuyến đi không chỉ là một hành trình trao yêu thương mà còn là bài học có giá trị nhân văn sâu sắc mà cô Trang tiếp nhận được. Những bài học đó không chỉ tiếp thêm nghị lực, niềm tin cho cô, còn giúp cô lồng ghép trong những bài giảng của mình để hướng dẫn HS biết sống tốt, sống đẹp.
Thầy Cao Tấn Hiệu, Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Chợ Gạo cho biết, trong công tác giảng dạy, cô Trang còn là một giáo viên tâm huyết, sáng tạo và gương mẫu. Bao giờ cô cũng tìm những cách làm cho bài giảng của mình thật sinh động để giúp các em tiếp thu kiến thức dễ dàng. Là tổ trưởng bộ môn Tiếng Anh của trường, cô cùng đồng nghiệp cải tiến phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin giúp HS yêu thích tiếng Anh, được luyện tập tiếng Anh nhiều hơn. Cô còn là GV cốt cán của huyện, tham gia chấm thi GV dạy giỏi….
Cô Trang luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được nhận nhiều giấy khen của ngành. Ngoài ra, cô còn nhận được giải Khuyến khích sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp Tỉnh với phần mềm ôn luyện Tiếng Anh trên nền tảng Hot Potatos; giải báo chí Nguyễn Đức Cảnh…
Chúng tôi mong rằng, hành trình trao yêu thương của cô Trang tiếp tục để nhiều hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ, thắp sáng ước mơ cho trò nghèo ở vùng khó khăn, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.