Thu Quỳnh hiện đang là một trong những diễn viên ăn khách và có độ phủ sóng truyền hình cao nhất, khi xuất hiện trong hàng loạt bộ phim đình đám như: Về nhà đi con, Quỳnh Búp Bê, Sống chung với mẹ chồng… Dù nổi tiếng là vậy nhưng ít ai biết rằng cô lại có một đời tư khá trắc trở. "Lúc đó, tôi không biết phải làm như thế nào. Mọi chuyện khiến tôi đau thắt tim" – Thu Quỳnh tâm sự.
Tôi chỉ cần con an toàn, không cần gì hết, con tôi phải sống
Để có đứa con trai khỏe mạnh, thông minh như bây giờ, tôi đã trải qua không ít khó khăn.
Con tôi vừa sinh được 2 tiếng đã phải chuyển viện vì bị ngạt. Nó xa mẹ 5 ngày và chỉ có bà ngoại ở bên. Tôi sinh mổ, bác sĩ dặn phải nghỉ ngơi, nhưng vì quá lo lắng nên chỉ một ngày sau sinh, tôi đã mặc kệ vết mổ, cứ thế chuyển từ viện 108 sang Xanh Pôn với con.
Ban đầu, tôi nghe mọi người nói mổ sinh một đứa con thì nhanh lắm, không có gì đáng lo cả. Đến lúc vào trong phòng mổ, bác sĩ cũng rất vui tươi.
Nhưng có lẽ do hồi hộp quá nên tôi bị loạn nhịp tim ngay lúc mổ, các máy móc kêu loạn hết cả lên. Lúc đó tôi mê man không biết gì hết, chỉ nghe văng vẳng: "oxy mẹ, oxy con", khiến trong đầu tôi đan xen rất nhiều suy nghĩ, hoảng loạn. Chỉ đến khi con trai cất tiếng khóc chào đời, tôi mới yên tâm.
Tôi những tưởng sẽ không có chuyện gì xảy ra. Thế nhưng, chỉ sau 2 tiếng hậu phẫu, bác sĩ lại bất ngờ thông báo con tôi bị ngạt phải chuyển viện gấp.
Lúc đó, tôi không biết phải làm như thế nào. Mọi chuyện khiến tôi đau thắt tim. Trong phòng có 6 giường thì tất cả các em bé đều về với mẹ hết, chỉ có mình tôi nằm không ngày hôm đó.
Tôi dặn chồng phải sang ngay với con, tôi chỉ cần con an toàn, không cần gì hết, con tôi phải sống. Thực sự, đó là thời điểm duy nhất trong 27 năm cuộc đời tôi cảm thấy tuyệt vọng đến thế. Tôi vừa sợ hãi, hoảng loạn không biết con có làm sao không, lại vừa khát khao có được con.
Người ta được ăn cơm bà đẻ còn tôi phải ra thẳng cơm bụi của bệnh viện để mua
Từ ngày sinh cho đến lúc được gặp lại con trai là cả một hành trình đầy gian nan với tôi. Tôi sinh con trai vào lúc 12 giờ kém giữa trưa. Đến sáng hôm sau, vết mổ còn chưa lành mà tôi đã bị cắt thuốc giảm đau rồi.
Lúc cắt sữa, nặn sữa và bị co dạ con, tôi đau đớn khủng khiếp. Người tôi cứng như một con cá khô vậy. Tôi bám vào giường và hét ầm hết cả lên.
Sau cái đêm kinh dị nhất cuộc đời ấy, bác sĩ thương quá, sợ tôi bị trầm cảm nên phải chuyển tôi sang phòng khác, không có trẻ con để tinh thần tôi ổn hơn.
Sau 5 ngày xa cách, tôi mới được cho gặp con. Ngày đầu tiên nghe thông báo được gặp và cho con ăn, hai vợ chồng tôi vừa hồi hộp lại vừa lo lắng.
Điều đầu tiên tôi phải làm là lục lại trong trí nhớ xem cái thằng đang nằm trong phòng đẻ đó có phải con mình không vì tôi không có ký ức về con cho đến lúc đó.
Bế con trên tay mà tôi run rẩy vì cảm thấy con quá bé nhỏ. Tôi găp con mà cứ đứng nhìn mãi vì không biết phải sờ vào chỗ nào trước.
Sau đó, con trai được về với vợ chồng tôi. Nhưng cũng đúng lúc đó, chồng cũ của tôi phải nhận một bộ phim mới. Chính vì vậy, anh ấy chỉ có thể dành thời gian cho hai mẹ con tôi vào mỗi buổi tối.
Người khác sinh nở xong thì được nghỉ ngơi dưỡng sức nhưng riêng tôi lại phải chăm sóc con trai đang trong phòng bệnh.
Nhưng đó chưa phải tất cả. Ngay sau đó, con trai tôi còn nhập viện một lần nữa, khiến tôi lại phải vất vả chạy ngược chạy xuôi. Người ta được ăn cơm bà đẻ còn tôi phải ra thẳng cơm bụi của bệnh viện để mua cơm về ăn. Tôi ăn trong sự cùng cực, khổ sở.