"Rảnh rỗi sinh nông nổi"!
Câu chuyện anh Nhàn chặt bỏ gần 2 ha rừng keo để trồng sim đã trở thành đề tài nóng với bà con xã vùng đồi Quảng Tiến gần một năm nay. Bởi, với người dân Quảng Tiến, việc trồng rừng kinh tế (keo, tràm) được xem như là hướng đi đúng đắn nhất để thoát nghèo. Bằng chứng là trong xã, nhiều nhà có đất, có rừng thì cuộc sống đều khá giả hơn, xây được nhà, mua xe đẹp, cho con cái học hành đến nơi đến chốn.
Cũng chính vì vậy, việc anh Nhàn đùng đùng chặt keo trồng sim như một việc động trời khiến ai cũng ngỡ ngàng. Thậm chí nhiều người còn cho rằng anh bị "khùng" mới làm như thế. Một đồn mười, mười đồn trăm, anh Nhàn bất đắc dĩ trở nên nổi tiếng vì cái sự "khùng" của mình.
Đến nỗi, khi tiếp chúng tôi, anh chối đây đẩy với lý do không muốn cái "khùng" của mình thêm nổi tiếng. Nhưng đến khi bắt được chuyện, chúng tôi mới hiểu được cái "khùng" của anh Nhàn không phải trên trời rơi xuống mà cả một sự tính toán để làm giàu độc đáo, mới lạ.
Anh Nhàn kể, những năm 2000, vợ chồng anh bắt đầu khai hoang đất để trồng rừng kinh tế. Vùng gò đồi Quảng Tiến vốn cằn cỗi, đến những loại cây kinh tế như keo, tràm cũng lâu cho thu hoạch hơn các địa phương khác, trung bình mất 5-7 năm.
Anh Nhàn "khùng" quyết tâm làm giàu từ cây sim.
Trong thời gian đó, người dân trồng rừng ở Quảng Tiến thường tìm những nghề phụ khác để làm chờ thu hoạch cây. Anh Nhàn cũng vậy, nhưng không quanh quẩn ở quê mà lặn lội ra Bắc vào Nam làm thuê, làm mướn. Anh quan niệm, mình phải đi mới biết được, cái gì phù hợp thì học hỏi về áp dụng cho mình. Đến khoảng 10 năm trước, tình cờ biết được có một đơn vị ở đảo Phú Quốc (thuộc tỉnh Kiên Giang) chuyên trồng và thu mua quả sim chín để chế biến rượu, nước uống trái cây...
"Lúc đầu tui cũng rất ngạc nhiên bởi cây sim xưa nay mọc nhiều ở các khu vực đồi núi, dọc khe suối, cần gì mà phải trồng cho tốn công tốn sức. Nhưng rồi một ý tưởng mới bắt đầu loé sáng trong đầu tui, đó là trở về quê hương thu gom quả sim vào nhập cho thương lái Phú Quốc" anh Nhàn cho biết.
Vậy là anh về quê, bàn với vợ bỏ nghề nón chuyển qua thu mua trái sim nhập vào Phú Quốc. Chừng ấy thời gian, gia đình Nhàn chuyên đặt hàng cho các hộ dân ở xã Quảng Tiến, Quảng Lưu, Quảng Thạch, thậm chí ngược lên tận các huyện Tuyên Hoá, Minh Hoá rồi quay trở vào Quảng Ninh, Lệ Thuỷ để đặt mua quả sim. Bình quân mỗi năm gia đình anh thu gom được vài trăm tấn quả sim rừng để nhập vào Phú Quốc.
Thế nhưng mấy năm trở lại đây, diện tích đất trống đồi núi trọc ở tỉnh ta ngày càng thu hẹp do người dân đẩy mạnh trồng rừng kinh tế. Đó cũng chính là nguyên do dẫn tới mật độ sim mọc tự nhiên ngày càng giảm đáng kể. Anh Nhàn cho hay, trong năm 2015, người ta đặt hàng tui thu gom khoảng 500 tấn trái sim, nhưng cố gắng lắm gia đình chỉ mới gom được hơn 200 tấn. Thiếu hụt nguồn cung, tui bắt đầu nghĩ đến chuyện tìm cách thuần hoá cây sim dại để trở thành "sim nhà" xem sao.
Nghĩ là làm, cuối năm 2015, anh Nhàn chặt bỏ 2ha rừng keo lai, lăn lộn khắp nơi tìm đào cây sim rừng về trồng. Nhiều người biết ý tưởng của anh, ai cũng cho rằng anh bị "khùng" nặng. "Anh em, bà con biết chuyện còn đến tận nhà khuyên nhủ, họ bảo mi có rảnh rỗi sinh nông nổi hay không..." anh Nhàn chia sẻ.
Giấc mơ của anh Nhàn "khùng"
Cuối năm 2015, khắp các làng quê xã Quảng Tiến nhốn nháo vì được vợ chồng anh Nhàn thuê chặt phá 2 ha rừng keo lai rồi tất bật chạy khắp nơi tìm đào những bụi sim dại còn nguyên rễ và bầu đất để trồng thế vào đó. Với mật độ 1 m2/cây, để trồng được 2ha sim, vợ chồng anh Nhàn phải bỏ ra gần 300 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc...
Anh Nhàn làm một phép nhẩm tính để lý giải với chúng tôi về hiệu quả của cây sim: Ở Phú Quốc, người ta đã "biến" cây sim dại thành rừng sim kinh tế từ khá lâu. Trên thực tế, ở đó có những cây sim cho trái đến 10 kg/cây. Tui cứ lấy giá trị thấp nhất thôi, trung bình mỗi bụi sim nếu chăm sóc tốt mỗi vụ cho từ 1 đến 5 kg quả. Với giá sim tối thiểu trên thị trường hiện tại là 10.000 đồng/kg, mỗi vụ 2ha sim đó cũng có thu từ 100 đến 500 triệu đồng. Các chú xem, nếu trồng 1 ha rừng keo lai từ 5 đến 7 năm tuổi, chắc gì đã bán được với giá chừng 70 triệu đồng (chưa trừ chi phí)...
Chia tay anh Nhàn giữa tiết trời nóng bức đầu tháng 7/2016, chúng tôi được vợ chồng anh cho biết, những năm tiếp theo, gia đình họ sẽ tiếp tục chuyển đổi hết 15ha rừng keo của gia đình sang trồng sim. Nếu cây sim thực sự cho hiệu quả kinh tế cao, vợ chồng Nhàn sẽ mua thêm đất ở những vùng đồi cằn cỗi để trồng thêm, biến vùng đất Quảng Tiến thành một vùng nguyên liệu sim cung cấp cho đối tác ở phía nam. Khi cây sim được trồng thành một vùng rộng lớn, cứ vào mùa hoa sim nở, những quả đồi dài tít tắp sẽ đầy ắp sắc tím, đẹp vô cùng. Khi ấy, không chừng du khách kéo đến đây để du lịch ngắm hoa, vợ chồng tôi lại có thêm nguồn thu từ phát triển dịch vụ.
Chưa hết, nếu giao dịch thành công, vợ chồng Nhàn sẽ "kéo" được một số doanh nghiệp chuyên chế biến các sản phẩm từ cây sim đến vùng đất Quảng Bình xây dựng nhà máy, thu mua, chế biến sản phẩm từ sim. Lúc đó, cơ hội để thoát nghèo không chỉ đến với gia đình anh mà còn lan rộng sang nhiều hộ nông dân khác...