Theo Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), đến giữa tháng 7/2023, các doanh nghiệp đã rà soát, làm rõ việc sở hữu đối với tất cả 100% thuê bao khách hàng là tổ chức. Đối với thuê bao khách hàng cá nhân đứng tên nhiều sim (trên 10 sim), các nhà mạng đã xử lý gần 20% tổng số giấy tờ đứng tên nhiều sim.
Để ngăn chặn tình trạng các đối tượng xấu lợi dụng đăng ký thuê bao đứng tên nhiều sim, kích hoạt sẵn, bán sim tràn lan… để lợi dụng thực hiện các hành vi lừa đảo, gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, Bộ TT&TT tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động quyết liệt thực hiện đúng tiến độ việc rà soát, làm rõ sở hữu đối với khách hàng sở hữu nhiều sim.
Cục Viễn thông đang tập trung nguồn lực, rà soát, làm rõ các thuê bao sở hữu nhiều sim với mục tiêu bảo đảm người đứng tên đăng ký thuê bao chính là người sử dụng số thuê bao đó.
Ngoài ra, Bộ TT&TT tiếp tục giao các doanh nghiệp viễn thông rà soát, làm rõ việc sở hữu các số thuê bao do tổ chức, cá nhân đã thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với doanh nghiệp viễn thông; thông báo đến những khách hàng trong danh sách thuê bao sở hữu nhiều sim và đề nghị cập nhật lại thông tin chính xác của người sử dụng/sở hữu thực số thuê bao đó.
Bộ TT&TT cũng đề nghị người dân, khách hàng sử dụng dịch vụ, phối hợp tốt với các nhà mạng, cập nhật thông tin thuê bao chính xác của người sử dụng sim khi nhận được thông báo của nhà cung cấp dịch vụ, nhằm góp phần cùng doanh nghiệp và toàn xã hội ngăn chặn kẻ xấu lợi dụng việc đăng ký thông tin thuê bao các giai đoạn trước đây, sử dụng số thuê bao mang tên người khác, ẩn danh để thực hiện các thủ đoạn lừa đảo, mất an toàn an ninh trật tự.
Thuê bao đứng tên đăng ký nhiều sim sẽ bị xử lý thế nào?
Theo Cục Viễn thông, thực tế thời gian qua vẫn còn tình trạng cá nhân, tập thể thực hiện kích hoạt sẵn, kích hoạt nhiều sim thuê bao và bán, lưu thông ra thị trường nhưng không thực hiện thay đổi thông tin theo quy định; vẫn còn việc mua, sử dụng sim đã đăng ký thông tin của người khác không đúng quy định.
Các sai phạm này bao gồm cả thuê bao có thông tin không đầy đủ, không chính xác, giả mạo giấy tờ để đăng ký thông tin thuê bao, lợi dụng, sử dụng trái phép thông tin của người khác để đăng ký, kích hoạt sim.
Đối với những sai phạm này, Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải xử lý nghiêm theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP, Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Trong trường hợp phát hiện cố tình giả mạo giấy tờ để đăng ký thông tin thuê bao, lợi dụng, sử dụng trái phép thông tin của người khác để đăng ký, kích hoạt sim, gây ra hậu quả thì tùy theo mức độ vi phạm, đoàn thanh tra sẽ chuyển cho cơ quan công an để xử lý.
Cũng theo Cục Viễn thông, việc loại bỏ các sim thuê bao không đúng quy định là một quá trình, vì vậy công việc này cần được liên tục rà soát và yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện.
Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 7 của Bộ TT&TT, chia sẻ về kết quả bước đầu về thanh tra sim diện rộng, ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh thanh tra Bộ TT&TT cho biết, từ kết quả các sở TT&TT gửi về, cơ quan này ghi nhận sợ bộ một số lỗi phổ biến: 1 thuê bao được đăng ký ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau trong thời gian ngắn, ảnh chủ thuê bao là người cởi trần hoặc không có ảnh, nhiều chủ thuê bao không thực hiện giao kết hợp đồng khi đăng ký từ sim thứ 4 trở lên…
Thanh tra Bộ TT&TT đang tổng hợp kết quả thanh tra của các Sở TT&TT. Khi có đầy đủ báo cáo từ các sở, đơn vị sẽ tổng hợp đầy đủ các sai phạm trong quản lý thông tin thuê bao, đồng thời sẽ có một số kiến nghị sửa đổi chính sách để việc quản lý thông tin thuê bao được tốt hơn.