Đó là hành trình khám phá những vẻ đẹp muôn màu muôn vẻ của của thiên nhiên nước Mỹ, và của tâm hồn con người trong những hình thức thăng hoa khác nhau của nó. Đó cũng là chuyến đi để khám phá thế giới bên trong của những người Mỹ bình thường, dù có thể chỉ được một phần của thế giới ấy.
Nhưng hành trình xuyên qua nước Mỹ này không chỉ là để khám phá một phần thế giới bên ngoài mà còn là để tìm trở lại một phần trọng yếu của bản thân cô gái: Tình yêu đối với chính mình và cuộc đời mình, cái tình yêu mà cô đã có lúc đánh mất.
Xuất phát điểm của “Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ” là một tình yêu tan vỡ, một nỗi đau đớn vì tình, lớn đến độ khiến tác giả có lúc đã gần kề việc đâm đầu vào tàu điện ngầm tự sát. Trên hành trình đó, tác giả đã học được - từ những người mà có lẽ cô ít chờ đợi điều này hơn cả - những suy niệm thâm trầm về cuộc sống, rồi sẽ đi cùng suốt quãng đường của cuộc đời cô.
Trong cuốn tự truyện, Đinh Hằng viết: "Vì cuộc đời là những chuyến đi. Vì tuổi trẻ đâu có bao nhiêu, nên phải đi, và sống, sống cho hết những tháng năm tuổi trẻ rồi sẽ không bao giờ trở lại nữa."
Bìa cuốn tự truyện “Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ”
Trong suốt hành trình dài ấy, tác giả đã vẽ nên những bức tranh tươi đẹp của đất Mỹ. Cô viết: “... Mỗi khi ngồi ở quán cà phê Ritual trên đường Valencia, nhấp vị latte rang xay vừa độ ánh lên màu nâu hổ phách, tôi vẫn thường tự hỏi nếu là hoạ sĩ, tôi sẽ chọn màu gì để vẽ San Francisco?
Đó có thể là màu cam ánh đỏ của cầu Cổng Vàng, màu trắng đục của những dải sương mù bay la đà trên thành phố, màu xanh biếc của biển và trời xô vào nhau ở cuối chân trời. Nhưng dù chọn màu gì, San Francisco trong tôi luôn luôn là màu xanh của đôi mắt người tôi yêu đến mê mải.”. Hay “…
Ở New Orleans, tiếng kèn đồng, âm thanh trumpet hay cái giọng khàn khàn ngang ngang của anh chàng ca sĩ sẽ theo bạn khắp nơi, từ quảng trường Jackson đến những hộp đêm trên đường Bourbon, hay ở ngay nơi mà bạn không ngờ đến nhất, bảo tàng bang Louisiana. Với Nola, nơi mà tưởng chừng như ngay bên ngoài cánh cửa nhà là cả một thành phố nghệ thuật với âm thanh, màu sắc và những điệu nhảy đầy say mê.
Còn sống ở New Orleans, tôi còn không thể dừng ý nghĩ nhấc chân lên, lúc lắc bờ vai trong lúc đôi tay vỗ nhịp đều đều theo điệu nhạc. Calvin nói, ở Nola, bạn không có quyền buồn, rơi nước mắt hay mang theo bất cứ nỗi sầu muộn nào, chỉ có những trái tim biết yêu và sẵn sàng để yêu.
Chuyến đi của Đinh Hằng, rốt cuộc, là một cuộc hành trình đi tìm lại và nhìn nhận lại giá trị của bản thân mình, của sự sống. Nước Mỹ, với tất cả những vẻ đẹp cùng sự đa dạng và phức tạp của nó, ở đây đóng vai trò như một chốn “luyện ngục” để cô vượt qua chính mình và trở nên một người khác. Một cuộc đi lớn chỉ dành cho những người thực sự muốn lớn hơn bản thân mình ngày hôm qua.
Nói về cuốn tự truyện “Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ”, nhà báo Trương Anh Ngọc, tác giả “Nước Ý-Câu chuyện tình của tôi” và “Phút 90++” cho biết: “Điều khiến cuốn sách này không lẫn vào trong vô vàn những cuốn sách du ký khác là cách tác giả đi và nhìn nước Mỹ.
Đó không phải là cái nhìn của công dân một nước đang phát triển lần đầu đến với xứ cờ hoa, choáng ngợp với nước Mỹ to lớn hiện đại và thấy mình sao mà nhỏ bé đơn độc. Ngược lại, đó là cái nhìn của một người lữ hành đã dày dạn kinh nghiệm, nhìn một xứ sở mới, những con người mới với cái nhìn bình đẳng, điềm nhiên và không định kiến”.
Còn nhà văn, dịch giả Nguyễn Lê My Hoàn khẳng định: “Quá trẻ để chết: hành trình nước Mỹ là câu chuyện về tuổi trẻ lộng lẫy, đầy đam mê và dám sống. Bởi, khi còn trẻ, người ta có rất nhiều thời gian và cơ hội để sống, thử, sai lầm, học hỏi và lớn lên từ sai lầm đó. Đây là cuốn sách nên đọc nếu bạn còn trẻ, đam mê những con đường và trước bao nhiêu sóng gió cuộc đời bạn vẫn ngẩng cao đầu tiến về phía trước”.