Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Chuyện đời, chuyện nghề

(Dân sinh) - Là nhà báo, ai cũng có niềm vui, nỗi buồn và những kỷ niệm trong nghề. Cái mà tôi muốn khẳng định ở đây là sự dấn thân, đóng góp cho nghề. Là nhà báo không quan trọng là phóng viên của một tờ báo lớn hay nhỏ. Quan trọng là phải luôn giữ cho mình cái tâm trong sạch và một bầu nhiệt huyết.

Nhà báo Ngọc Như: "Lên bờ xuống ruộng" vì sự ngay thẳng

Đó là câu chuyện của nhà báo Ngọc Như, anh hiện công tác tại báo Công an nhân dân. Vốn là sinh viên Văn khoa nhưng công việc ban đầu lại chẳng liên quan đến báo chí, nhưng nghề báo đến với anh như một cái duyên. Năm 1995 ra trường rồi vào công tác cho một cơ quan không phải báo chí, như một lẽ tự nhiên anh cộng tác cho một số tờ báo và nhận thấy mình đã yêu nghiệp viết tự lúc nào. "Ban đầu tôi cộng tác cho các báo, mỗi lần có bài đăng tôi thấy thật vui và hạnh phúc. Thời điểm đó, viết bài trên giấy hoặc sang hơn thì thuê đánh máy rồi chạy ra bưu điện để chuyển phát nhanh. Bài nào nóng cũng phải 3 ngày mới được in vì các công đoạn truyền tải từ người viết đến toà soạn là thủ công", nhà báo Ngọc Như chia sẻ.

Chuyện đời, chuyện nghề  - Ảnh 1.

Nhà báo Ngọc Như tác nghiệp tại vùng Tây Nguyên

Và như một định mệnh, năm 2004, anh chính thức đầu quân cho báo Công an nhân dân. Thời ấy anh làm báo ở khu vực Tây Nguyên khó khăn trăm bề. Nhất là việc đi lại vào mùa mưa, đường đất đỏ trơn như đổ mỡ, dính như keo, có khi phải đi bộ hàng km về xã vùng sâu. Rồi khi chuyển tin bài phải về trung tâm thị xã mới có internet.

"Báo chí mỗi giai đoạn phát triển khác nhau, mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng có lẽ nghề báo phải chịu vất vả lăn lộn và yêu nghề, đề cao tự trọng với nghề mới trở thành nhà báo tử tế được. Cám dỗ vật chất thời nào cũng có nhưng vì yêu nghề buộc tôi phải lựa chọn lẽ phải... để được sống tử tế với nghề", Ngọc Như nói.

Mấy mươi năm theo nghề, anh nghiệm bản thân mình cũng nếm trải không ít cay đắng từ nhiều phía. Có khi vì những bài viết "đụng chạm" mà phải "lên bờ xuống ruộng", vì sự ngay thẳng, có lúc gia đình bị khủng bố, tạt chất bẩn vào nhà... nhưng cuối cùng "trời thương" vì đã làm đúng với lương tâm và đạo đức của nghề.

Nhà báo Đức Trung: "Khốc liệt cạnh tranh thông tin thời 4.0"

Ra trường và làm báo từ năm 1998, anh từng công tác qua các tờ Lao Động, Đài Tiếng nói Việt Nam, Sài Gòn Giải Phóng và còn cộng tác viên nhiều năm cho báo Lao động và Xã hội.

Nhớ lại thời mới vào nghề cách đây hơn 20 năm, để có một bài điều tra hấp dẫn đòi hỏi người viết phải giỏi săn tư liệu, có quan hệ "khủng" mới có thông tin độc quyền, thêm nữa, mặt trận báo chí chỉ là "cuộc chơi" của một ít tờ báo chính thống, chứ không "hằng hà sa số" tờ chuyên trang, tạp chí như bây giờ. Báo có nhiều tin, bài hay, mang tính độc quyền thì bạn đọc ủng hộ hết mức, nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân bỏ tiền đặt báo giấy dài hạn, tạo điều kiện cho nhiều cơ quan báo chí Trung ương có nguồn thu lớn, vị thế của nhà báo được đề cao trong xã hội.

Chuyện đời, chuyện nghề  - Ảnh 3.

Theo nhà báo Đức Trung, so với thế hệ làm báo của vài chục năm về trước, người làm báo ngày nay tác nghiệp dễ dàng hơn

Theo nhà báo Đức Trung, so với thế hệ làm báo của vài chục năm về trước, người làm báo ngày nay tác nghiệp dễ dàng hơn, vì thông tin được tham khảo, khai thác từ mạng xã hội, báo điện tử, các kênh truyền hình, thông tấn. Các bạn trẻ cũng nhanh chóng nắm bắt phương thức làm báo đa phương tiện, mà khi xưa ngành báo chí Việt Nam chưa có.

Đội ngũ làm báo hiện nay cũng giỏi ngoại ngữ hơn, có thể dịch, đọc, nắm thông tin từ tư liệu ngoài nước, khiến thông tin đa dạng, phong phú. Một điều phấn khởi là trong những năm gần đây, nhiều bạn trẻ ở các tỉnh, thành, nhắm khoa báo chí khi chọn thi vào nhóm ngành xã hội - nhân văn các trường đại học. Có lẽ ngành báo chí được xã hội nhìn nhận là thời thượng.

Ngày nay ở nước ta, báo chí phát triển đa dạng ở các thể loại như báo giấy, báo điện tử, đài truyền hình Trung ương, địa phương, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội…Việc phát triển nóng cũng chia nhỏ lượng bạn đọc, người xem. Vì vậy, cạnh tranh giữa nguồn tin và các tin độc quyền giữa các báo khá khốc liệt.

Nhà báo Lương Định: "24 năm - cuộc phiêu lưu đầy thú vị"

Có tới 24 năm là phóng viên Báo Lao động và Xã hội (1993 - 5/2017) thường trú tại Văn phòng TP. HCM. Đó là những năm tháng đã cho tôi nhiều trải nghiệm quý báu trong tác nghiệp để ngày một tự tin hơn, trưởng thành hơn trong nghề.

Được lãnh đạo ban biên tập phân công chuyên viết về mảng văn hóa, xã hội là mảng đề tài khá phong phú, hấp hẫn và có phần "mềm" hơn lĩnh vực nội chính, hay kinh tế. Tuy nhiên, đòi hỏi phóng viên phải là người dấn thân và có những kiến thức nhất định về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và các vấn đề "nóng" trong đời sống xã hội.

Chuyện đời, chuyện nghề  - Ảnh 4.

Nhà báo Lương Đinh có tới 24 năm là phóng viên Báo Lao động và Xã hội

Là người hoạt động trong lĩnh vực văn chương, quen biết khá nhiều văn nghệ sĩ trong Nam, ngoài Bắc, nên để có tư liệu thể hiện một bài viết về chân dung văn nghệ sĩ hay những vấn đề về văn chương, nghệ thuật đang được độc giả, khán thính giả quan tâm, với tôi không khó lắm.

Nhưng với mảng đề tài về các vấn đề xã hội luôn "nóng" như ma túy và mại dâm là không hề đơn giản, đòi hỏi cần phải có chút máu phiêu lưu trong dấn thân điều tra tác nghiệp để có tư liệu sinh động cho bài viết. Để thực hiện được phóng sự như "Tôi đi chợ tình pê đê", người viết cũng phải "nhập vai" một hai đêm lang thang ở những khu vực mà giới "gay" hay "hai thì" tụ tập nhộn nhịp nhất và từng "chịu trận" tán tỉnh, rủ rê. Đó là những quán cà phê đèn mờ ở quanh hồ Con Rùa, hay nhưng quán nhậu về khuya trên phố "Tây ba lô" như: Bùi Viện, Đề Thám, Phạm Ngũ Lão, nơi tập trung đông đảo dân "gay", "hai thì" cả ta lẫn tây, với những tay "săn tình" rất bạo, rất công khai.

Đặc biệt để có những phóng sự về chuyện "săn trai" của các  "quý bà" thì cần có sự công phu và phải biết vài điệu nhảy để "lên sàn" tìm cơ hội "lọt mắt xanh" đối tượng. Từ khi có sự bùng nổ của mạng xã hội (Facebook) thì khác, tôi chỉ cần tạo một nickname với một hai tấm hình thật "chuẩn men" là có thể thu hút sự làm quen và kết bạn của rất nhiều "quý bà". Nhờ đó tôi đã có được phóng sự "Ngoại tình thời online", "Trai bao", "Nhảy đầm giữa ban ngày"… khá sinh động về chuyện tình ngoài luồng của các "quý bà" thời thượng.         

 Đó là những kỷ niệm vui, buồn thật khó quên trong dấn thân tác nghiệp mà tôi từng trải nghiệm với những cuộc "nhập vai" khá phiêu lưu, trong những năm tháng là phóng viên của Báo Lao động và Xã hội, một trong những tờ báo có bản sắc riêng trong làng báo đương đại.