Đông y có câu nói nổi tiếng: "Tuổi của mạch máu quyết định tuổi thọ của con người", điều này cho thấy tầm quan trọng của sức khỏe mạch máu trong việc giúp con người duy trì sự sống. Nếu mạch máu bị tắc nghẽn, khí huyết không thể lưu thông thì bệnh tim mạch sẽ xuất hiện, điềm xấu cho tính mạng.
Bài viết này do bác sĩ Lưu Nạp, chuyên gia giáo dục sức khỏe, Hội Y tế Kỹ thuật Giáo dục Trung Quốc hướng dẫn về những giải pháp giúp chúng ta làm sạch mạch máu một cách hiệu quả.
Chuyên gia Nạp cho rằng, mạch máu lão hóa thì con người cũng già cỗi. Cơ thể con người giống như một cái cây lớn, mạch máu giống như rễ cây, nếu chúng được chăm sóc phát triển khỏe mạnh, thì cái cây đó cỏ thể xanh tươi và sống mãi. Cơ thể con người cũng như vậy.
Làm sao để có thể khiến mạch máu không bị già đi?
Sau đây là những giải pháp bạn nên tham khảo, lựa chọn thứ phù hợp để áp dụng cho chính mình.
1. Bổ sung đủ chất xơ thô: Khống chế huyết áp và điều chỉnh chỉ số mỡ máu
Chất xơ, đặc biệt là chất xơ hòa tan trong nước, có tác dụng làm giảm nồng độ cholesterol huyết tương. Điều tra dịch tễ học xác nhận rằng, bổ sung chất xơ từ thực phẩm đầy đủ có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và mạch máu não như bệnh tim mạch vành và xơ vữa động mạch.
Mỗi người lớn khỏe mạnh nên tiêu thụ hàng ngày khoảng 25g chất xơ. Các thực phẩm bao gồm đậu bắp, cam vỏ vàng, táo, lê và các loại trái cây rau quả, hạt đậu có vỏ (đậu nành, đậu xanh…), các loại hạt họ đậu khác (đậu lăng, đậu Hà Lan…) Ngũ cốc nguyên hạt (yến mạch, lúa mạch, lúa mì…) và các loại hạt (hạnh nhân, óc chó, lạc…) đều là những thực phẩm giàu chất xơ.
Việc duy trì ăn 25g chất xơ mỗi ngày kỳ thực không khó để đạt được. Ví dụ, ăn uống bổ sung 100g ngũ cốc thô trộn với 200g ngũ cốc tinh mịn sẽ thu nhận được 6g chất xơ, 500g rau cải có chứa khoảng 10g, 250g trái cây chứa khoảng 5g, trong 50g sản phẩm từ đậu nành hoặc các món ăn khác có thể thêm khoảng 7g. Tất cả các món trên cộng lại có thể đạt 28g chất xơ.
2. Bổ sung chất Phospho-lipid: Phòng ngừa xơ cứng động mạch
Phospho-lipid là một trong những thành phần của lipo-protein. Trong đó lipo-protein giống như một chiếc "thuyền" vận chuyển cholesterol, có tác dụng thúc đẩy việc vận chuyển hợp lý và chuyển hóa cholesterol, ngăn chặn sự lắng đọng cholesterol trong thành mạch máu.
Người có sức khỏe bình thường có thể ăn bổ sung khoảng 6-8g chất phospho-lipid mỗi ngày, có thể dùng một lần hoặc nhiều lần. Nếu với mục đích chăm sóc sức khỏe, có thể dùng lượng tăng lên khoảng 15-25g. Phospho-lipid có nhiều trong lòng đỏ trứng và đậu nành. Ngoài ra, thịt nạc, gan động vật, hạt hướng dương, hạt lanh, hạt mè cũng có tỉ lệ tương đối cao.
3. Bổ sung Vitamin C: Hỗ trợ chống oxy hóa
Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, có hiệu quả trong việc loại bỏ một loạt các gốc tự do và các loại ôxy phản ứng, phòng ngừa và ngăn chặn hiện tượng ôxy hóa mạch máu, giúp làm giảm dấu hiệu xơ vữa động mạch và các bệnh tim mạch khác.
Hàm lượng Vitamin C trong thực phẩm hàng ngày vô cùng phong phú, đặc biệt là trong những loại trái cây tươi và rau quả như rau cải xanh, súp lơ, bắp cải, táo gai, táo tàu, kiwi…
Bạn nên thường xuyên ăn các loại trái cây để bổ sung vitamin C. Ưu tiên trái cây có vị chua, trái cây họ cam quýt.
4. Bổ sung Kali: Thuốc chống cao huyết áp tự nhiên
Chế độ ăn giàu kali có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh chứng huyết áp cao do ăn quá nhiều natri (muối). Kali sau khi vào cơ thể có tác dụng làm giãn nở các mạch máu, từ đó làm giảm huyết áp, điều chỉnh về mức thấp hơn, đồng thời làm tăng bài tiết natri niệu, do đó đóng một vai trò trong điều hòa huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và các bệnh khác.
Lượng kali được khuyến cáo nên sử dụng là 3.500 mg/ngày, nguồn kali tốt nhất là rau, đặc biệt là rau lá xanh, rong biển và khoai tây, trái cây và đậu.
Mỗi 100g thực phẩm sau đây chứa hơn 800mg kali là nấm, mộc nhĩ, đậu nành, đậu đỏ, nho khô, sò điệp và những thứ tương tự.
Theo Trí thức trẻ/Giadinhnet