Ăn cắp do bệnh lý hay lòng tham?
“Có tiền đi du lịch châu Âu mà sao vẫn ăn cắp?”. Câu hỏi được nhiều độc giả đặt ra khi hay tin hai du khách Việt bị bắt ở Thụy Sỹ vì lấy trộm cặp kính mắt hàng hiệu. Người nghèo túng thiếu mà ăn cắp thì dễ hiểu, còn người giàu có mà vẫn ăn cắp vặt thì thật khó hiểu.
Lý giải về nguyên nhân và động cơ dẫn đến hành vi ăn cắp của người giàu, thạc sĩ Võ Xuân Hòa cho biết, ở mỗi lứa tuổi và mỗi nhóm đối tượng có những động cơ riêng. Những người giàu mà vẫn ăn cắp vặt thường là những người có đặc điểm tâm sinh lý không bình thường (nói cách khác là có vấn đề về bệnh lý) hoặc do đã có thói quen trộm cắp và không được giáo dục kịp thời. Bên cạnh đó lòng tham cũng là một nguyên nhân dẫn tới hành vi trên.
Thạc sĩ Võ Xuân Hòa.
“Chỉ có kẻ ăn cắp vặt mới biết rõ động cơ của mình. Chúng ta khó có thể phán xét đó là bệnh lý hay lòng tham. Theo nghiên cứu, tật ăn cắp cũng do ảnh hưởng của các rối loạn sức khỏe tâm thần. Đó là một loại rối loạn kiểm soát xung - một rối loạn trong khi nhân cách (cái tốt) không thể cưỡng lại sự cám dỗ hoặc động lực ham muốn (cái xấu) dẫn đến thực hiện một hành động có hại cho người khác và cho bản thân. Nhưng số người ăn cắp do vấn đề tâm thần là không nhiều.
Một số người biết được bản thân mình có tật ăn cắp, nhưng họ xấu hổ không dám nói ra, họ không chia sẻ thông tin với người thân và cũng không tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý, bác sỹ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Dần dần, họ quen với thói ăn cắp vặt và họ có thể có hành vi ăn cắp ở những nơi nhìn thấy sự sơ hở”, thạc sĩ Hòa phân tích.
Theo vị chuyên gia tâm lý này, việc tư vấn và chữa trị tật ăn cắp không khó. Nếu ai đó cảm thấy bản thân mình có ham muốn và có động cơ, sự tự thúc giục mạnh để ăn cắp các đồ vật mà thực sự mình không cần thì cần tìm kiếm sự hỗ trợ về tâm lý để sớm chữa trị bệnh.
“Quan” ra nước ngoài cũng ăn cắp
Thạc sĩ Hòa cho biết, tại các nước mà anh đã từng tới học tập và công tác (Mỹ, Úc, Singapore, Philippines, Ấn Độ…) có ít người ăn cắp vặt, và siêu thị, nhà hàng của họ cũng ít nhân viên an ninh; mọi người rất tự giác trả tiền và tôn trọng quy định ở những nơi công cộng.
Còn ở Việt Nam, tật ăn cặp vặt của người Việt đang rất đáng báo động. Theo anh, nguyên nhân là do công tác giáo dục đạo đức công dân ở nước ta chưa thực sự hiệu quả, và do nhận thức về trách nhiệm cá nhân của mỗi công dân chưa cao.
“Có một số người giàu hoặc người có cuộc sống bình thường, nhưng trong quá khứ họ đã từng ăn cắp vặt thành công mà chưa từng bị phát hiện, do đó, lòng tham của họ càng ngày càng lớn và họ tái diễn. Trong trường hợp này, hành vị trộm cắp vặt của nhóm đối tượng này là xuất phát từ lòng tham. Những trẻ em thấy người lớn làm thế cũng làm theo và cứ thế cái tật xấu đó đang bị đưa đi khắp nơi”, anh Hòa lý giải.
“Có một người phụ nữ Việt (là quan chức cấp bộ) khi đi máy bay sang Nga (để tham quan mô hình dự án giáo dục, chăm sóc trẻ em) đã lấy chăn và phao cứu sinh giấu vào ba lô, khi cảnh sát ở sân bay bắt được, cả đoàn phải ở lại sân bay cả một ngày đêm để làm tờ trình và các thủ tục an ninh. Chúng tôi cảm thấy rất xấu hổ và thấy hối tiếc là vì không cảnh báo trước cho các thành viên trong đoàn”, anh Hòa chia sẻ về tình huống mà mình gặp phải.
Ảnh minh họa.
Theo vị chuyên gia này, hậu quả của hành vi ăn cắp vặt không chỉ là vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức mà còn làm tổn hại tới trật tự xã hội, gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức; làm giảm lòng tin của con người.
“Nếu bạn biết ai đó có tật ăn cắp vặt hoặc đã từng có hành vi ăn cắp vặt thì nên lên tiếng cảnh báo, nhắc nhở và ngăn cản họ thực hiện hành vi ăn cắp. Nếu hành vi ăn cắp đã diễn ra thì khuyên họ tự nhận trách nhiệm để khỏi ảnh hưởng, nghi kỵ đến người khác. Đối với những người có bệnh lý (do sức khỏe tâm thần) thì cần sự trợ giúp về mặt chuyên môn và chữa trị kịp thời.
Trong các gia đình, trường học và cơ quan, cần giáo dục, khuyến khích mọi người thực hiện văn hóa tự giác, trung thực, đồng thời luôn cảnh giác, phòng chống các hành vi trộm cắp”, anh Hòa đưa ra khuyến nghị.