Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Chuyên gia mách cách xử lý các bệnh đường tiêu hóa thường gặp ngày Tết

Trong những ngày Tết, thói quen ăn uống, nếp sinh hoạt của ngày thường bị xáo trộn một cách đột ngột, khiến cơ thể không thể thích ứng kịp, từ đó có thể gây ra các bệnh về đường tiêu hóa như đau bụng, đầy hơi, ợ chua, tiêu chảy...

TS.BS Nguyễn Trọng Nơi, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, thói quen ăn uống, nếp sinh hoạt của ngày Tết khiến nhiều người, đặc biệt trẻ nhỏ mắc bệnh đường tiêu hóa. Để gạt qua nỗi lo bệnh tật vào những ngày Tết, chúng ta cần biết quan tâm, phòng tránh và khắc phục sớm các bệnh về đường tiêu hóa.

Đầy hơi

Trong ruột người có nhiều lợi khuẩn, chúng phân giải thức ăn tạo ra chất bã và hơi xen lẫn; cơ quan tiêu hóa thải ra một lượng khí có thể tích 600-2000ml mỗi ngày. Ruột co bóp, sôi bụng, hơi được đẩy ra ngoài qua hậu môn. Đây là điều bình thường.

Để tránh hiện tượng đầy hơi, sôi bụng, khi ăn chúng ta cần ăn chậm, nhai kỹ và ngậm miệng, tránh nói chuyện nhiều trong khi ăn; hạn chế uống bia, rượu nặng và các loại nước có ga. Nên ăn thêm nhiều rau xanh, hoa quả tươi và thức ăn chứa nhiều chất xơ, có thể ăn thêm 1 - 2 hũ sữa chua mỗi ngày.

Ợ chua

Bình thường, ợ chua không nguy hiểm, nhưng nếu xảy ra quá thường xuyên và không được điều trị, ợ chua có thể làm giới hạn các hoạt động hàng ngày của người bệnh và đưa tới một số biến chứng trầm trọng của dạ dày như viêm loét, xuất huyết, co thắt... Dịch dạ dày cũng có thể tràn vào cuống phổi, nhất là khi người bệnh nằm, gây viêm phế quản và viêm phổi.

Chuyên gia mách cách xử lý các bệnh đường tiêu hóa thường gặp ngày Tết - Ảnh 1.

Ợ chua có thể làm giới hạn các hoạt động hàng ngày của người bệnh và đưa tới một số biến chứng trầm trọng.

Để hạn chế dấu hiệu này bạn hãy ăn từ từ, nhai kỹ và giữ cơ thể thẳng đứng trong 45 phút, không nằm ngay sau khi ăn; ăn thành nhiều bữa nhỏ, như thế mỗi lần bạn sẽ có ít thức ăn trong bụng và cảm thấy dễ chịu hơn. Đầu giường nằm được kê hơi cao để nâng cao nửa phần trên của cơ thể và khi ngủ nên nằm nghiêng sang bên trái để đẩy thức ăn trong dạ dày ra xa chỗ tiếp giáp giữa dạ dày và thực quản.

Táo bón

Táo bón tuy không là bệnh nhưng khi mắc phải nó làm cho chúng ta khó chịu, gây đau đớn mỗi khi đi đại tiện, hậu môn bị nứt, chảy máu... Và nếu bạn thường xuyên bị táo bón hoặc táo bón kéo dài, mọi chuyện sẽ trở nên phức tạp, bởi nó là khởi đầu của một số loại bệnh như sa đại tràng, trĩ, viêm ruột...

Chuyên gia mách cách xử lý các bệnh đường tiêu hóa thường gặp ngày Tết - Ảnh 3.

Thông thường vào những ngày Tết, những cuộc vui làm cho chúng ta ăn uống qua loa, đại khái, không đủ chất, ăn uống không đều đặn, không đúng giờ, đúng bữa. Vì vậy việc bài tiết cũng thất thường. Thậm chí, nhiều khi có nhu cầu đại tiện nhưng lại đành... nhịn để tiếp tục những cuộc chơi. Đó chính là nguyên nhân gây táo bón.

Để phòng và tránh táo bón, bạn nên thực hiện tốt các yêu cầu như uống nhiều nước, trung bình cần uống 1-2,5 lít nước mỗi ngày (có thể uống nước lọc, nước hoa quả); cần tăng cường ăn nhiều rau, trái cây khoảng 300g mỗi ngày như đu đủ, chuối, thanh long; tránh uống nhiều trà, cà phê, ca cao…

Tiêu chảy

Tiêu chảy có nhiều nguyên nhân, nhưng trong những ngày Tết, nguyên nhân chủ yếu là dị ứng thức ăn (thịt rừng, hải sản), vệ sinh ăn uống hoặc môi trường nhiễm bẩn (ăn rau quả sống không rửa kỹ, nguồn nước bị ô nhiễm, thức ăn bị ruồi nhặng bâu...). Do ăn uống không đảm bảo vệ sinh nên vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, các chất độc xâm nhập đường tiêu hóa và gây tiêu chảy.

Trong dịp Tết, trẻ em là đối tượng rất dễ mắc bệnh. Để phòng bệnh, cách tốt nhất là kiểm soát chặt chẽ việc ăn uống của bé, không để bé tự ý mua thức ăn hàng quán không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Không nên cho bé ăn nhiều bánh kẹo, đặc biệt bánh kẹo chảy nước, mốc ẩm cần phải vứt bỏ.

Chuyên gia mách cách xử lý các bệnh đường tiêu hóa thường gặp ngày Tết - Ảnh 4.

Trẻ nhỏ thường hay mắc các bệnh đường tiêu hóa (Ảnh minh họa).

Đau dạ dày

Vào những ngày Tết, việc ăn uống không được xem trọng, cơ thể chúng ta thường ở tình trạng lúc đói, lúc no. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc đau dạ dày. Khi đói, axit và protease trong dạ dày sẽ không được trung hòa vì thiếu thức ăn nên nồng độ rất cao, sẽ khiến niêm mạc dạ dày tự tiêu hóa. Nếu ăn no quá sẽ phá hủy cơ chế tự bảo vệ của dạ dày, làm thành dạ dày bị căng ra, thức ăn đọng lại ở dạ dày lâu hơn.

Để tránh những cơn đau dạ dày xuất hiện, bạn nên duy trì thói quen ăn uống đúng giờ để dạ dày và đường ruột được hoạt động, nghỉ ngơi có quy luật; tránh thói quen xấu ăn thức ăn nóng lẫn với thức ăn lạnh vì sự thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ làm cho niêm mạc dạ dày bị tổn thương ở các mức độ khác nhau; hạn chế lượng rượu bia "nạp" vào cơ thể.

Ngộ độc thực phẩm, dị ứng thức ăn

Ngày Tết, bạn dễ ăn phải nhiều loại thực phẩm và đồ uống lạ so với thường ngày. Cộng thêm việc bảo quản thức ăn ngày Tết không được kỹ càng là nguy cơ khiến bạn dễ bị ngộ độc thực phẩm và dị ứng thức ăn. Triệu chứng thường gặp của ngộ độc thực phẩm, dị ứng thức ăn thường là nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, nổi mẩn ngứa ngoài da...

Để phòng tránh, bạn cần sử dụng thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, được bảo quản đúng cách; không nên ăn uống quá nhiều loại thức ăn một lúc, tránh những thực phẩm kỵ nhau; tránh dùng những loại thực phẩm, đồ uống hoặc gia vị lạ mà bạn từng bị dị ứng.