Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Kinh tế

Chuyên gia Mỹ giải thích vì sao trái cây Việt Nam còn khó tìm ở siêu thị Mỹ

Để trái cây Việt được biết đến rộng rãi hơn, theo nhận định của chuyên gia của Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ, các nhà xuất nhập khẩu trái cây cần chú trọng đến công tác quảng bá tại thị trường Mỹ hơn.

Mới đây tại TPHCM, nhân dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ, ông Timothy Westbrook, chuyên gia của Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã có những chia sẻ tại sự kiện mang tên Công tác kiểm dịch thực vật thúc đẩy xuất khẩu trái cây sang Mỹ.

Theo ông Timothy, các loại trái cây Việt Nam vào thị trường Mỹ từ trước đến nay khá tốt. Đó là nhờ vào sự hợp tác hiệu quả của APHIS, Cục bảo vệ thực vật Việt Nam và ngành trái cây tươi của Việt Nam.

Hiện, người tiêu dùng Mỹ cũng đón nhận rất tích cực trái cây của Việt Nam. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, các nhà xuất nhập khẩu trái cây chưa chú trọng đến công tác quảng bá tại thị trường Mỹ.

Ông Timothy kể, bản thân ông khi đi siêu thị ở Mỹ vẫn tìm mua trái cây Việt Nam, nhưng hơi khó mua.

“Tôi nghĩ các bạn muốn bán được nhiều trái cây vào thị trường Mỹ cần chú trọng công tác maketing, giới thiệu sản phẩm. Một vấn đề nữa cần phải lưu ý, khi muốn xuất khẩu loại trái cây mới cần phải thực hiện quy trình mở cửa thị trường. Đây là một trong những quy trình mất rất nhiều thời gian”, ông Timothy Westbrook nhận định.

Hiện tại, Mỹ đang là đối tác thương mại nông sản khá quan trọng của Việt Nam, việc xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam sang Mỹ đang áp dụng chương trình kiểm tra trước xuất khẩu. 

Chương trình này bắt đầu hoạt động từ năm 2008. Cho tới nay, trong khuôn khổ của chương trình đã có 6 loại trái cây của Việt Nam được Hoa Kỳ cho phép xuất khẩu (gồm thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa, xoài) đạt kim ngạch khoảng 20 triệu USD/năm.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến chuyên gia Mỹ phải trở về nước vào tháng 3/2020, việc xuất khẩu trái cây tươi từ Việt Nam sang Mỹ có nguy cơ phải tạm dừng.

Để tránh gián đoạn hoạt động xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng đại diện APHIS tại Hà Nội cũng như văn phòng APHIS tại Mỹ để đề nghị Đại sứ quán Hoa Kỳ tạm thời cử cán bộ của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và nhân viên của Văn phòng APHIS từ Hà Nội vào TPHCM kiêm nhiệm công tác giám sát xử lý chiếu xạ.