Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Chuyên gia trẻ em lên tiếng vụ trường Lương Thế Vinh kỷ luật hà khắc

Theo chuyên gia trẻ em Nguyễn Trọng An, để đảm bảo quyền trẻ em, những quy định kỷ luật học sinh cần phải lấy ý kiến của các học sinh.

 

Mới đây, mạng xã hội xuất hiện tâm thư đẫm nước mắt của phụ huynh gửi Ban giám hiệu Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng nhà trường áp dụng kỷ luật hà khắc đối với học sinh. Chuyên gia trẻ em Nguyễn Trọng An cho rằng: Cần phải xét những kỷ luật là trường Lương Thế Vinh đưa ra có dựa trên tôn chỉ, mục đích: Nhân văn, kỷ luật tích cực, đồng thuận các bên (nhà trường - phụ huynh - học sinh) hay không?. Nếu đáp ứng đủ cả 3 yếu tố đó thì không thể trách được nhà trường.

 

Chuyên gia trẻ em Nguyễn Trọng An.

 

Ông An cho rằng, trước đây tại Hà Nội trường Đinh Tiên Hoàng có kỷ luật rất nghiêm. Học sinh của trường nhiều em là học sinh cá biệt từ các trường khác chuyển về nhưng sau một thời gian thì rất ngoan, tuân thủ các quy định “hà khắc” mà nhà trường đưa ra. Thậm chí, tại trường Đinh Tiên Hoàng, thầy cô còn kiến nghị kỷ luật thật nghiêm đối với học sinh. Để áp dụng được những quy định nghiêm ngặt đó của nhà trường đối với học sinh là nhờ có sự đồng thuận của phụ huynh nên khi kỷ luật đề ra không gây ra tranh cãi.

Hiện nay, Luật trẻ em 2016 đã chính thức có hiệu lực từ 1/6/2017 quy định rất rõ, trẻ em có quyền được tham gia vào các vấn đề về trẻ em, liên quan đến trẻ em một cách trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em. Luật cũng quy định rõ, cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm để trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em.

“Vì thế, để đảm bảo quyền trẻ em, những quy định kỷ luật học sinh cần phải lấy ý kiến của các học sinh. Đồng thời, các phụ huynh được thông qua những quy định này. Nếu phụ huynh và học sinh đồng thuận với những quy định của nhà trường thì sẽ tạo được sự đồng thuận và không vi phạm pháp luật”, ông An nhấn mạnh.

 

Trẻ em có quyền được tham gia những vấn đề liên quan đến trẻ em.

 

Tuy nhiên, theo ông An, trong kỷ luật đều phải hướng tới kỷ luật tích cực: Nhà trường chỉ ra lỗi cho các em để trẻ em nhận ra lỗi, sửa sai để ngày tốt hơn chứ không phải răn đe trừng phạt. Theo đó, các quy định kỷ luật cũng phải nhân văn, đúng pháp luật và tạo được sự đồng thuận. Ông An cho rằng, bất kể các quy định của trường nào cũng phải tuân theo những quy tắc trên. Ví dụ, khi nhà trường quy định học sinh đi học muộn sẽ phải quét sân trường thì phải hỏi ý kiến phụ huynh có đồng tình không và học sinh có nhất trí với quy định này không?

Tại Nhật Bản, các trường học có quy định kỷ luật rất nghiêm, thậm chí là “hà khắc”. Tuy nhiên, các phụ huynh và học sinh ở đây đồng tình vì họ được hỏi ý kiến trước. Còn thiểu số những phụ huynh và học sinh không chấp nhận được sự hà khắc thì có thể chuyển trường khác.

Theo chuyên gia trẻ em Nguyễn Trọng An, lấy gì để đong đếm trường Lương Thế Vinh tốt hay xấu? Trường là cơ sở cung cấp dịch vụ giáo dục, sản phẩm đầu ra là học sinh. Kết quả đầu ra của trường ai cũng có thể nhìn thấy: Không có học sinh cá biệt, gần 100% học sinh của trường thi đỗ vào các trường đại học, học sinh không phải đi học thêm bên ngoài….

Ông Nguyễn Trọng An cho rằng: “Tôi không bảo vệ trường Lương Thế Vinh. Những quy định kỷ luật của trường cần phải xem lại có dựa trên tôn chỉ, mục đích: Nhân văn, kỷ luật tích cực, đồng thuận các bên nếu cả 3 hay không. Nếu hội tụ đủ các yếu tố đó thì những quy định kỷ luật của nhà trường không có gì để trách”.

Tuy nhiên, cần phải xem xét trường có vi phạm Công ước quốc tế quyền trẻ em? Luật Trẻ em hay không? Bởi, nếu các em vi phạm bị kỷ luật thì tuyệt đối không được kỷ luật trong giờ học chính khóa mà kỷ luật ngoài giờ học chính. Ví dụ, học sinh không làm bài tập bị phạt dọn vệ sinh nhưng tiết học đó học sinh vẫn được học bình thường. Chỉ khi nào hết giờ học chính khóa mới áp dụng hình thức kỷ luật đi dọn vệ sinh.

Nhà trường cho rằng, đã áp dụng hình thức kỷ luật theo Thông tư của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, Thông tư này đã 30 năm, không đảm bảo quyền trẻ em nên cần phải thay đổi, phù hợp với thời đại. Nếu như trước đây “yêu cho roi cho vọt” thì nay thay đổi “roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn quát mắng” và đi cùng với đó là kỷ luật tích cực.

Còn đối với phụ huynh, chuyên gia trẻ em cho rằng, giáo dục gia đình vẫn phải đặt lên hàng đầu, làm gương tốt để các em noi theo. Nhà nghèo quá mải đi làm kiếm tiền, nhà giàu lại phó mặc con cho giúp việc quên giáo dục con cái. “Trong giáo dục, gia đình giáo dục noi gương quan trọng nhất: Bố mẹ nói bậy, vượt đèn đỏ,… nhưng mong con hè đến đi học học kỳ quân đội 2 tuần là có thể thành người tốt, có kỷ luật nghiêm minh thì không thể”, ông An nhấn mạnh.