Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Chuyện học trong mùa dịch Covid-19

 
 
Học sinh hào hứng với giờ học online. Ảnh KT
                
Cần phải hiểu sâu sắc một số vấn đề có tính nguyên tắc
 
Một vấn đề có tính nguyên tắc là sức khỏe và mạng sống của con người là quý giá nhất. Vì vậy, người ta có thể hi sinh nhiều thứ để bảo vệ sức khỏe và mạng sống con người. Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang làm như vậy. Một số hoạt động như lễ hội, du lịch, hội họp... đã bị đình chỉ. Tuy nhiên, lao động sản xuất vẫn được duy trì, dù có bị ảnh hưởng về quy mô, năng suất, hiệu quả.
 
Việc học của học sinh, sinh viên cũng được nhìn nhận gần như việc lao động sản xuất: Có thể nghỉ học cục bộ trong một thời gian ngắn để xem tình hình dịch Covid-19 diễn biến như thế nào rồi quyết định tiếp. Việt Nam đã và đang làm như vậy.
 
Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp và đến thời điểm này không một ai có thể khẳng định khi nào thì dịch chấm dứt. Điều này dẫn tới một quyết định có tính nguyên tắc là sớm hay muộn, việc học cũng phải bắt đầu trở lại chứ không thể chờ khi nào hết dịch mới học. Trước yêu cầu có tính nguyên tắc này, các trường đại học, các tỉnh thành đã có những quyết định khác nhau. Một số trường đại học cho sinh viên nghỉ hết tháng 3/2020, một số khác cho sinh viên nghỉ tới 17/3/2020, một số trường cho sinh viên đi học từ 2/3/2020.
 
Đối với học sinh phổ thông, về nguyên tắc là chủ tịch UBND tỉnh, thành có quyền quyết định. Trên thực tế, các địa phương quyết định để học sinh THPT học lại từ ngày 2/3/2020, còn các cấp học khác đi học lại vào ngày 17/3/2020.
 
Những quyết định này có thể thay đổi dựa vào tình hình diễn biến của dịch Covid-19, tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh nào, sớm hay muộn thì việc học vẫn phải tiến hành vì đây là lẽ sống của học sinh, sinh viên.
 
 
Cần khắc phục những hệ lụy do việc học bị đình trệ và đảo lộn
 
Chúng ta phải công nhận những hệ lụy do việc học bị đình trệ và đảo lộn. Việc dễ thấy nhất là nhiều gia đình lúng túng với việc chăm sóc, quản lý con cháu khi các em không tới trường. Nhiều người đã phải nghỉ phép để làm việc này, có người đưa con đến công sở, một số khác đón bố mẹ ở quê ra phố, hoặc thuê người trông.
 
Một hệ lụy không nhỏ nữa là các trường tư thục đối mặt với việc không có tiền để trả lương cho giáo viên, nhân viên. Không học, không dạy thì làm sao mà thu học phí? Không thu học phí thì không có tiền để duy trì các hoạt động, một số giáo viên chạy đôn, chạy đáo để kiếm sống.
Một hệ lụy chưa dễ nhận ra lúc này nhưng chắc chắn rất nghiêm trọng. Đó là chất lượng dạy và học bị ảnh hưởng; một số học sinh không đi học đầy đủ; một số đến trường nhưng không tập trung nghe giảng, sức tiếp thu bị hạn chế. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, 60/63 tỉnh, thành phố quyết định, thời gian chính thức học sinh Trung học phổ thông đi học trở lại từ ngày 2/3/2020; trong những ngày đầu đi học trở lại, tỷ lệ học sinh đến trường đạt 97% trong ngày 2/3 và 98% trong ngày 3/3. 
 
Như vậy là vẫn có hàng chục ngàn học sinh chưa đi học trở lại. Điều này gây ra không ít khó khăn cho chính bản thân các em cũng như cho thầy cô, nhà trường. Riêng tỉnh Sơn La chỉ học ngày 2/3, sau đó lại quyết định cho học sinh nghỉ tới 17/3. Việc chỉ học một ngày rồi nghỉ gây tâm lý không tốt cho học sinh, phụ huynh cũng như thầy cô giáo. Lại có những trường hợp đến trường nhưng có hiện tượng bị sốt, ho nên buộc phải cách ly hoặc không cho đến trường nữa. Các đối tượng tiếp xúc với người Hàn Quốc, người Việt từ các ổ dịch trở về cũng chưa được đi học trở lại.
 
Việc học trở lại đã bắt đầu nhưng rắm rối và khá phức tạp, khó bảo đảm chất lượng. Đây là điều rất đáng suy nghĩ.

 
 
Ảnh minh họa KT
 
Cần tìm nhiều kênh để đưa kiến thức đến người đi học
 
Mục đích chính của người đi học là tiếp thu kiến thức. Điều này có thể diễn ra một cách trực tiếp từ giáo viên giảng, học sinh nghe. Song, cũng có những hình thức gián tiếp như người đi học đọc sách, học trực tuyến, học qua tivi, youtube... Trong khi chưa biết dịch Covid-19 khi nào kết thúc và lây lan ở mức độ nào, chúng ta cần có những phương án để cho học trò học mà không phải đến trường.
 
Có một hình thức học rất phổ biến và đã được sử dụng hiệu quả trong hàng chục năm qua. Đó là hình thức giáo dục từ xa. Chúng ta có thể mở rộng và hoàn thiện hình thức này để tiến hành rộng rãi trong mùa dịch Covid-19. Với hệ đại học thì hình thức này đã được vận hành trơn tru rồi. Còn đối với các cấp phổ thông, hình thức này mới mẻ và cần sự nỗ lực của cả thầy và trò.
 
Điều quan trọng nhất của giáo dục từ xa là học liệu phải đầy đủ, sau đấy là có sự hướng dẫn của giáo viên. Học liệu trong trường hợp này, đấy chính là sách giáo khoa. Còn sự hướng dẫn của giáo viên, đấy chính là giáo án đã được các thầy cô soạn sẵn. Các thầy cô có thể gửi các bản mềm cho học sinh và gia đình các em, có thể in ra và gửi bản cứng (giấy). 
 
Dựa vào sách giáo khoa và giáo án của giáo viên, bố mẹ, ông bà, anh chị có thể hướng dẫn cho học sinh học theo đúng tiến độ. Điều quan trọng nhất để hình thức học này đạt được kết quả là kỷ luật và tinh thần tự giác của gia đình và bản thân học sinh. Phải xác định rõ thời gian biểu cho việc học tập: Học ngày mấy tiếng đồng hồ, vào thời gian nào, học những môn gì, làm bài tập ra sao...
 
Trong nhiều trường hợp, “cái khó làm ló cái khôn” – mùa dịch Covid làm khó tất cả chúng ta nhưng nó cũng khiến chúng ta trở nên chăm chỉ, sáng tạo hơn trong việc học.

Hồ Bất Khuất/TC GĐ&TE