Những người từng là học sinh và phụ trách lớp học ngày ấy
Lớp Toán này được mở vào năm 1965, theo chủ trương của Bộ Giáo dục. Lớp có tất cả 34 học sinh, thuộc Trường cấp 3 Quảng Bình. Những em được chọn vào lớp Toán đặc biệt này đều là học sinh giỏi Toán cấp 2, có điểm thi tốt nghiệp môn đạt loại giỏi, đồng thời có kết quả tổng kết học kỳ 1 lớp 8 đạt loại giỏi.
Đón tết Mậu Thân tại lớp học
Đến nay đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng những người từng được học tập, phụ trách lớp Toán này vẫn nhớ in từng kỷ niệm về giai đoạn khó khăn. Ông Nguyễn Chất (83 tuổi) – Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Quảng Bình là một trong những người đầu tiên tiếp cận lớp Toán đặc biệt kể lại – “Giữa tháng 8/1965, để triển khai nhiệm vụ năm học mới trong điều kiện chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của Mỹ lan rộng, Bộ Giáo dục và đào tạo triệu tập hội nghị có Sở, Ty giáo dục 28 tỉnh miền Bắc về Hà Nội quán triệt. Tại đây, Bộ Giáo dục có chủ trương cho các tỉnh trên toàn miền Bắc mỗi tỉnh mở một lớp năng khiếu về Toán, bắt đầu từ cấp 3, gọi chung là lớp Toán đặc biệt. Học sinh được chọn vào lớp Toán đặc biệt này là những học sinh giỏi Toán cấp 2, có điểm thi tốt nghiệp môn Toán đạt loại giỏi, đồng thời có kết quả tổng kết học kỳ 1 lớp 8 đạt loại giỏi”.
Đầu năm 1966, quán triệt tinh thần hội nghị của Bộ Giáo dục, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã quyết định mở lớp chuyên Toán đặc biệt với số lượng 34 học sinh. Lớp Toán được đặt tại trường cấp 3 Quảng Bình, sau đó sơ tán lên thôn Bến, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh - ông Chất kể lại.
Ông Nguyễn Chất kể lại chuyện học tập trong thời chiến từ lớp học chuyên Toán
Để tìm hiểu về lớp Toán đặc biệt này, chúng tôi được ông Nguyễn Đăng Vinh hồi đó là lớp trưởng lớp Toán cho biết thêm: "Lớp học lúc đó là một ngôi nhà hầm nửa nổi, nửa chìm, đặt trên khoảnh đất lưng chừng sườn đồi cạnh ngôi làng hiện nay. Đường vào lớp đường hào sâu chạy từ đường thôn vào, nên những ngày mưa gió, nước chảy xuống hầm ngập hết chỉ còn bục giảng khô ráo để phục vụ cho việc dạy học, còn học sinh ngồi học, hai chân vẫn ngâm dưới bùn lầy.
Đến năm 1968, chiến tranh ngày càng ác liệt, tỉnh đã chủ trương di chuyển, sơ tán các trường cấp 3 ở vùng trọng điểm địch đánh phá đến các vùng an toàn, các xã miền núi xa xôi. Cùng với học sinh của các lớp khác thuộc Trường cấp 3 Quảng Bình, lớp chuyên Toán được sơ tán lên huyện miền núi Minh Hóa. Quãng đường di chuyển lớp học rất dài và gian nan, phải mất 3 ngày mới đến nơi. Dọc đường đi, họ đã tận mắt chứng kiến những cánh rừng bị bom đạn cày nát, rải rác hai bên đường là xác những chiếc xe bị bom dội khét lẹt, đen trùi trũi đáng sợ.
Tại đây, học sinh được bố trí ở rải rác trong dân, mỗi nhà 2 – 3 người hoặc nhiều hơn. Sau khi ổn định ăn ở, các học sinh dồn sức dựng lớp học, người chặt gỗ, người đan, lợp tranh tre, người đào đất... Bàn học ở đây là những cây gỗ to bằng bắp tay kết lại làm khung, giữa đan cây con làm mặt bàn. Còn ghế ngồi là những thân cây to đẽo phẳng.
Đến Tết Mậu Thân năm 1968, cả lớp ăn tết tại lớp học với dân ở Xuân Hóa. Lần đầu tiên ăn tết ở xa, ai cũng nhớ nhà, nhưng việc học hành cùng những khó khăn đã cuốn đi cái nhớ nhung đó. Tết ở đó là một cái tết đơn sơ nhưng rất đầm ấm, mọi người được ăn món bồi nếp, đặc sản của dân Minh Hóa”, ông Vinh kể lại.
Dù khó khăn như vậy nhưng tinh thần học tập của lớp rất cao và lúc nào cũng tạo nên một không khí thi đua sôi nổi. Với tinh thần học tập đó đã tạo lên sự thành công trong cuộc sống, là thành quả được chắt chiu trong thời chiến đến nay đã đóng góp nhiều người con quê hương đang làm việc và phục vụ xây dựng quê hương đất nước.
Thành quả “lớp học đặc biệt”
Ông Nguyễn Đăng Vinh lớp trưởng lớp Toán hồi đó kể lại
Năm 1968, do chiến tranh nên Bộ Giáo dục không tổ chức thi đại học. Những người tốt nghiệp được sắp xếp ra nước ngoài học đại học hoặc học trong nước, cũng có người được xếp học tại trường trung cấp sư phạm do tỉnh đào tạo cấp tốc. Lớp Toán đặc biệt ở Quảng Bình thời đó có 8 học sinh được chọn đi học nước ngoài đợt 1. Đợt 2 đi học Liên Xô có một số đã được công bố danh sách, nhưng do biến động cuộc nhảy dù đổ quân Liên Xô vào Tiệp khắc nên đã bị dừng lại, sau đó số này được chuyển vào học đại học trong nước.
Đến nay, những học sinh của lớp Toán đặc biệt năm nào nay đều đã quá tuổi 70, người còn, người mất. Trong số những học sinh ra trường ngày ấy, nay đã có 2 phó giáo sư, tiến sỹ, 4 tiến sỹ, 2 thạc sỹ, 1 nhà văn, số còn lại đều tốt nghiệp tại các trường đại học lớn.
Trong đó có, Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Viết Ngư, nguyên Phó giám đốc Đại học Huế, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Đại cương Huế là tác giả của năm đầu sách về toán do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành. Phó giáo sư, tiến sỹ Trương Quang Hiếu, giảng viên Trường đại học Mỏ - Địa chất cũng là tác giả của ba đầu sách nổi tiếng về toán học. Số còn lại đều giảng dạy và công tác tại các cơ quan, trường học.
Sau hơn nửa thế kỷ, vừa qua họ đã có cuộc gặp lại với biết bao ký ức ngày tràn về. Họ quyết định lấy ngày 13/7 hằng năm là ngày kỷ niệm ra đời lớp chuyên Toán đầu tiên của Quảng Bình với mong muốn tỉnh quyết định công nhận mốc lịch sử dạy và học chuyên của tỉnh nhà là năm 1965.