Khoảnh khắc hạnh phúc trong ngày cưới của vợ chồng anh Lê Hồng Sơn - chị Phạm Thị Ngoan
Sững sờ khi nghe bác sĩ thông báo không thể sinh con…
Như bao cặp vợ chồng trẻ, anh Lê Hồng Sơn (sinh năm 1987) và chị Phạm Thị Ngoan (1989) ở Thanh Hóa, sau kết hôn luôn mong ngóng tình yêu đơm đơm hoa kết trái.
Lấy nhau ở độ tuổi 30, anh chị mong sớm sinh con để vui cửa vui nhà. Vậy nhưng ba tháng sau kết hôn vẫn chưa có tin vui, vợ chồng đến khám tại một phòng khám ở Thanh Hóa.
Tại đây, anh chị sững người khi được bác sĩ thông báo: người chồng không có "con giống" không rõ nguyên nhân. Niềm hạnh phúc sau ngày cưới của cặp vợ chồng son bỗng chốc vụt tắt khi hay tin mình không thể có con.
Thời gian sau, vợ chồng anh Lê Hồng Sơn đi khắp nơi chữa bệnh theo Đông y với hy vọng sẽ cải thiện được tình trạng của người chồng và sinh con tự nhiên. Song hơn một năm chạy chữa không có kết quả, theo lời khuyên, vợ chồng ra Hà Nội khám ở một bệnh viện tuyến Trung ương. Lúc này, người chồng mới biết bị mắc hội chứng Klinefelter, một nguyên nhân khiến nam giới không có "con giống".
Những tưởng tìm ra nguyên nhân thì sẽ có cơ hội chữa trị để sinh con, nhưng vợ chồng anh lại một lần nữa thất vọng khi bác sĩ tư vấn nên xin "con giống" để làm thụ tinh trong ống nghiệm. "Lúc đó chúng tôi nghĩ không còn hy vọng nhưng với mong muốn có đứa con là giọt máu của chính mình nên tôi động viên chồng kiên trì tìm cách chữa trị", chị Ngoan chia sẻ.
Tiếp tục đặt niềm tin vào y học hiện đại, không lâu sau, vợ chồng anh tìm tới một bệnh viện chuyên khoa điều trị vô sinh hiếm muộn khá nổi tiếng. Song tại đây, các bác sĩ sau thăm khám thông báo tỷ lệ có con chính chủ của vợ chồng anh là gần như bằng không.
Sau bốn năm chạy chữa, nay tổ ấm nhỏ của anh Lê Hồng Sơn - chị Phạm Thị Ngoan rộn ràng tiếng cười con trẻ
Vỡ òa hạnh phúc với trái ngọt của tình yêu
Trong lúc tưởng chừng mọi cánh cửa đóng lại, thì tình cờ vợ anh Sơn đọc được bài viết về một trường hợp nam giới mắc hội chứng Klinefelter, thụ tinh trong ống nghiệm thành công từ "con giống" tìm được nhờ phương pháp mổ vi phẫu Micro TESE.
Nhen nhóm hy vọng, cuối năm 2019, vợ chồng anh quyết tâm tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Tại đây, anh được ThS.BS Đinh Hữu Việt, người nổi tiếng với những ca "bắt con giống" cho nhiều bệnh nhân vô tinh thăm khám. Sau khi thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ tư vấn anh nên thực hiện mổ vi phẫu Micro TESE. Bằng phương pháp này, bác sĩ sẽ phóng đại tinh hoàn, can thiệp sâu vào từng lớp mô tinh hoàn, lựa chọn những ống sinh tinh đủ điều kiện để tìm từng con "con giống".
Biết rằng tỷ lệ tìm thấy "con giống" ở người mắc hội chứng Klinefelter là rất thấp, anh Sơn đã từ bỏ hy vọng. Nhưng được gia đình động viên, anh đồng ý thực hiện ca mổ vi phẫu. "Khi đến với chúng tôi, niềm tin của bệnh nhân vào việc có con từ chính "con giống" của mình đã ít nhiều bị lung lay. Bởi trước đây, nam giới mắc hội chứng hội chứng Klinefelter thường được các bác sĩ khuyên xin con giống" để thực hiện hỗ trợ sinh sản.
Với trường hợp vợ chồng anh Sơn, tôi và ekip đã tư vấn cho bệnh nhân phương pháp điều trị thích hợp, để kết quả được tốt nhất. Thật may mắn, số lượng "con giống" được tìm thấy trong ca mổ đủ để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm" - bác sĩ Việt nhớ lại.
May mắn đến với vợ chồng anh khi lần đầu tiên chuyển phôi chị Ngoan đã "đậu" thai. Tuy nhiên điều không may là khi cảm nhận được con dần phát triển trong bụng cũng là lúc chị Ngoan mắc căn bệnh cường giáp. Chỉ trong vài tháng, chị sút 7kg, liên tục nhập viện tại Bệnh viện Bạch Mai điều trị cường giáp. Trải qua nhiều khó khăn song người mẹ ấy vẫn kiên cường giữ lấy hai thiên thần bé nhỏ đang lớn lên từng ngày. Và hai bé Lê Trung Kiên và Lê Thị Thanh Hiền đã chào đời bằng phương pháp sinh mổ vào ngày 21/05/2021 trong niềm vui vỡ òa của cả gia đình.
"Khi nghe được tiếng khóc đầu đời của con, nước mắt tôi cứ chảy dài, như ngỡ rằng đó chỉ là một giấc mơ. Cảm xúc lúc đó thực sự không thể diễn tả bằng lời, chỉ biết là vô cùng hạnh phúc vì cuối cùng phép mầu sau bao nhiêu năm mong chờ, tiếng cười con trẻ cũng đã đến với gia đình mình", chị Phạm Thị Ngoan nghẹn ngào nhớ lại khoảnh khắc đón con yêu sau một hành trình dài chữa hiếm muộn đầy khó nhọc.