Ông Trần Trọng Thụy và bà Nguyễn Thị Chương từng là bạn học thuở cấp I, cấp II ở trường làng xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc, nay thuộc xã Khánh Vĩnh Yên, một vùng quê nghèo miền trung du nép mình bên thượng nguồn sông Nghèn thơ mộng. Nhưng trong thời kì chiến tranh chống Mỹ nơi đây chưa một ngày ngớt tiếng đạn, bom. Đôi bạn nghèo lớn lên trước cảnh đất nước chìm trong đạn lửa nên họ đều có cùng chung chí hướng được hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho tổ quốc quê hương.
Sau khi học hết cấp II, cô nữ sinh Nguyễn Thị Chương (SN 1949) dù bị tàn tật, còi cọt thấp bé, nhưng vẫn xin vào làm việc ở HTX mua bán xã Vĩnh Lộc đóng tại khu vực cầu chợ Nhe, một trong những "tọa độ chết" trên tuyến đường chiến lược phà Linh Cảm - Ngã ba Đồng Lộc, phục vụ bộ đội, TNXP, dân công... làm nhiệm vụ và bà con nhân dân. Còn cậu học trò giỏi, đẹp trai, nhà nghèo Trần Trọng Thụy (SN 1951) lúc đó đang học dở lớp 9/10, tại Trường cấp III Can Lộc cũng gấp lại sách đèn, tình nguyện lên đường nhập ngũ.
Vậy là đôi bạn học trò trường làng mới đó giờ đã biền biệt đôi ngã, mỗi người một mặt trận khác nhau, người ở hậu phương, người ngoài tiền tuyến. Vậy nhưng, không ai lại có thể ngờ rằng, chính chiến tranh lại xích họ lại bên nhau nên nghĩa vợ chồng, sau khi anh lính trẻ Trần Trọng Thụy trở về làng với đôi mắt mù lại bén duyên với cô nhân viên cửa hàng HTX mua bán bị tật nguyền nơi chốn cố thôn thuở ấy.
Trong căn nhà khang trang, tọa lạc ngay cạnh "Khu di tích lịch sử chiến tranh chống Mỹ cầu Chợ Nhe", người thương binh già Trần Trọng Thụy không cần phải giấu thói quen ưa thích từ hàng chục năm nay là kéo thuốc lào, bởi mỗi khi ông rít điếu thuốc lên thì dường như bà Chương cũng cảm nhận được sự sảng khoái đến từ chồng của mình! Thật hạnh phúc làm sao khi chính âm thanh quen thuộc ấy luôn nhắc bà không quên rót tiếp một bát nước chè xanh đậm đặc đưa cho ông khà tiếp một hơi nữa cho thật sướng!
Vậy là sau cái cảm giác lâng lâng thật bình dị ấy, ông có thêm chất "xúc tác" tâm sự với tôi về mối lương duyên cứ như thể chiến tranh đã khéo sắp xếp cho họ, khi biết tôi cũng là một người lính từng nếm mùi lửa đạn ở chiến trường Tây Nam trở về.
Sau khi nhập ngũ vào đầu năm 1971, anh lính trẻ Trần Văn Thụy được huấn luyện cấp tốc rồi hành quân thẳng vào Quảng Trị chiến đấu ở chiến trường B5, thuộc Đại đội 3, Trung đoàn E229, Bộ Tư lệnh Công binh. Vào tháng 5/1972, trong lúc cùng đồng đội cắt rừng, mở đường cho quân ta tiến vào sào huyệt địch tại huyện Gio Linh (Quảng Trị) không ngờ bị pháo địch tập kích khiến nhiều đồng đội bị thương vong, ông bị thương nặng, cụt bàn tay trái và hỏng cả hai mắt.
Dù được đưa về Bệnh viện mặt trận cấp cứu qua cơn nguy kịch, nhưng do vết thương quá nặng nên ông được chuyển ra Bệnh viện Quân y 110 ở Hà Bắc, sau đó chuyển về Viện Quân y 108 điều trị. Tại đây các bác sĩ đã tận tình cứu chữa, nhưng cuối cùng vẫn đành bất lực không thể nào trả lại được đôi mắt cho ông.
Biết rằng, cuộc đời của mình sẽ không bao giờ có cơ hội nhìn thấy ánh sáng nên bước đầu ông cũng bi quan. Nhưng với tinh thần người lính, sau đó ông xác định lại tư tưởng sẵn sàng cho một cuộc sống mới không vợ, không con, không gia đình để đợi đến ngày về với những đồng đội của mình đã nằm lại nơi chiến trường.
Năm 1973, sau khi rời Viện Quân y 108, ông được chuyển về điều dưỡng tại Đoàn 70 Quân khu IV, đóng trên địa bàn huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Mặc dù đơn vị ở cách nhà không xa, nhưng giai đoạn này ông không muốn tiếp xúc với người thân và làng xóm sợ liên lụy, bởi đây đang là thời điểm đất nước rất khó khăn, chiến tranh đang diễn ra ác liệt ở chiến trường miền Nam, nên ông tự an ủi mình an tâm điều trị, chờ ngày thống nhất đất nước sẽ trở về thăm quê hương, gặp lại bà con, bạn bè...
Điều dưỡng ở Đoàn 70 một thời gian, ông được chuyển ra điều dưỡng tại Đoàn 200, đóng ở Quỳ Hợp trước khi chuyển về điều dưỡng tại Khu điều dưỡng Thương binh tại Nghi Phong, Nghi Lộc (Nghệ An). Trong quá trình điều dưỡng ở nhiều đơn vị khác nhau, ông đã tiếp xúc với nhiều thương binh nặng và bị mù cả 2 mắt như mình, ông nhận thấy hầu hết mọi người rất lạc quan yêu đời và nhiều người trong họ cũng có gia đình, vợ con, cuộc sống hạnh phúc nên đã giúp ông không còn tự ti mà thấy thêm tin yêu cuộc đời hơn.
Và nhân duyên đến với ông vào năm 1976, nhân một chuyến về phép thăm gia đình, ông được gặp cô Chương người bạn học cũ. Trước đó, thân sinh ông là cụ Trần Thế Chắt một hôm đi chăn vịt cho HTX về ghé qua cửa hàng của cô Chương mua một bao diêm. Thấy cụ Chắt vất vả, trời nắng chang chang mà trên đầu đội 1 chiếc nón cũ, dưới chân không dép giầy, cô Chương trao bao diêm cho cụ rồi mời cụ vào cửa hàng uống bát nước chè xanh cho đỡ khát, đồng thời hỏi thăm chuyện gia đình.
Thấy cụ Chắt và cô Chương nói chuyện vui vẻ, ông Bùi Đăng Điền, Cửa hàng trưởng HTX đi qua, giở đùa giở thật nói với ông Chắt cốt để cho cả cô Chương nghe: Ông có thích con Chương về làm con dâu không đẻ HTX gả cho. Vừa nghe ông Điền nói xong, ông Chắt cười lớn và bảo: À vậy là con dâu tôi đây rồi.
Lúc này cô Chương thẹn đỏ mặt không nói gì, nhưng nhìn thấy cử chỉ của cô, sau này ông Chắt đã ngấm ngầm tìm cách cho con trai mình được đi lại với cô.
Bà Chương kể lại: Lúc nhìn thấy ông ấy trở về với đôi mắt bị mù và thương tật đầy người tôi thương lắm! Nhưng nghĩ mình cũng là người tàn tật nên không dám trực tiếp gặp ông ấy. Tuy vậy, hình như ông Điền cùng ông Chắt và anh Thụy có sự thống nhất ngầm với nhau gì đó nên có lần ông Điền dẫn anh Thụy đến nhà bố mẹ chơi gặp tôi đặt vấn đề, khiến tâm trạng tôi lúc đó vừa bồi hồi lo lắng vừa rạo rực khó tả!…
Mặc dù tôi cũng từng nghe thiên hạ gièm pha "một mù, một què" lấy nhau thì về ôm nhau chết đói. Bố mẹ tôi thì không hề phản đối tình cảm của tôi và anh Thụy nhưng cũng lo lắng cho tôi lắm! Tuy nhiên, tôi và anh Thụy đã yêu thương nhau thì không có gì ngăn cản được. Cuối cùng chúng tôi đã đi đến quyết định khó khăn nhất trong đời là cùng nhau xây dựng mái ấm hạnh phúc để "tắt lửa, tối đèn' có nhau.
Sau ngày cưới, vừa ở được với nhau 3 tháng thì ông phải trở lại đơn vị an dưỡng do bệnh tái phát nặng trở lại. Lúc này bà Chương biết mình đang mang thai đứa con đầu lòng nên bà cũng có tâm trạng lo lắng bởi với người phụ nữ bình thường bụng mang dạ chửa đã vất vả, trong lúc mình bị khuyết tật như vậy thì vất vả còn bội phần, nhưng bà vẫn khấp khởi mừng chờ đợi ngày khai hoa đứa con đầu lòng nên cố cắn răng chịu đựng, động viên ông đi điều trị.
Sang năm 1977, dù phải "vượt cạn" trong hoàn cảnh quá sức tưởng tượng, nhưng nhờ được sự giúp đỡ của anh em nội ngoại, bà Chương đã hạ sinh thành công đứa con gái đầu. Đó là cô kế toán Trường THCS Lam Kiều (Can Lộc) Trần Thị Thắm bây giờ. 3 năm sau, bà Chương lại sinh cho thêm ông Thụy một con con gái út nữa trong niềm vui vỡ òa!
Thấy vợ một mình chăm sóc 2 đứa con vất vả, đến năm 1985 khi tỉnh Hà Tĩnh có chủ trương đón thương binh về địa phương, ông Thụy xin về hẳn ở nhà với vợ con.
Thời kì này trong bối cảnh chung của đất nước, gia đình đang rất khó khăn, không thể chờ đợi vào chế độ chính sách ít ỏi của ông, bà Chương mở thêm quầy tạp hóa ở chợ Nhe kinh doanh và chăn nuôi lợn…Dù một mình xoay sở, cáng đáng để trang trải cuộc sống gia đình nhưng bà cũng động viên ông Thụy tham gia công tác xã hội với vị trí Phó Chủ tịch Hội Người mù Can Lộc (1990-2012) để ông có điều kiện giao lưu với bạn bè.
Chị Trần Thị Thêu con gái đầu của ông bà có chồng là Thiếu tá La Văn Anh nối nghiệp ông ngoại hiện đang công tác ở đảo Trường Sa chia sẻ rằng: Lúc còn nhỏ có lần dắt cha về nhà ông nội ở thôn Chiến Thắng cách đó chưa đầy 2 km, nhưng không nhớ đường nên dắt cha vào nghĩa địa. Thấy đi mãi không đến nơi, ông Thụy hỏi con đến chỗ nào đây? Thêu không biết chỗ nào chỉ biết nói với ông ở đây có nhiều mô đất cao, thấp. Ông Thụy biết đó là nghĩa địa làng nên định hướng cho con dắt đi được đến nơi.
Thời đang học THPT thấy gia đình khó khăn, không biết lấy gì giúp cha mẹ, Thêu đã quyết định bỏ học ở nhà đi buôn bán. Mặc dù kinh tế gia đình được cải thiện phần nào, nhưng vì tương lai của con, ông Thụy khuyên Thêu rằng, con lớn lên trong thời bình dù thiếu thốn mấy cũng cố ăn học để nâng cao kiến thức hỗ trợ cho cuộc sống sau này, không những cho con mà còn giúp đỡ được nhiều cho bố mẹ khi già.
Thấy lời khuyên của bố hợp tình, hợp lí sau 2 năm nghỉ học đi buôn, Thêu quyết định trở lại nhà trường học hết phổ thông, thi vào trường kinh tế học tiếp rồi trở về quê làm việc.
Thêu còn có một người em gái là Trần Thị Thắm (SN 1979) cũng được bố mẹ động viên cho ăn học đến nơi đến chốn. Hiện Thắm đã có cháu ngoại, cả gia đình đang làm ăn sinh sống ở Đài Loan.
Trước khi chia tay ông bà và cô Thêu ra về, mặt trời trên cầu Chợ Nhe đã đứng bóng, nắng nóng như đổ lửa! Vậy mà trong lòng tôi vẫn cảm thấy dịu mát hẳn lên bởi được tưới tắm trong không khí hạnh phúc của đôi vợ chồng người thương binh mù Trần Trọng Thụy!