Năm 2004, tôi đang làm việc ở Tạp chí Lao động & Xã hội, công việc khá trôi chảy. Sau hơn 3 năm ở vị trí Tổng Biên tập, tờ Tạp chí đã có tia ra phát hành tăng, số kỳ phát hành từ mỗi tháng 1 số lên mỗi tháng 2 số, doanh thu tăng, thu nhập của cán bộ phóng viên đạt “3 phẩy” theo quy định của Nghị định 10 khi đó (tức là sau khi nộp thuế, thu nhập (được phép - và đủ khả năng) trả cho cán bộ phóng viên gấp 3 lần lương cấp bậc). Quỹ đầu tư đã có, sau khi trả lương thưởng cho anh em, tôi bàn với cán bộ chủ chốt sắm cái ô tô Mazda 325 màu trắng mới tinh - niềm mong ước của anh em Tạp chí bấy lâu.
Thực ra giá trị cái ô tô không cao nhưng có ý nghĩa lớn. Vì từ xưa, chưa bao giờ Tạp chí sắm được ô tô mà chỉ có thời Bộ cho 1 cái u oát cũ, rồi có thời mua 1 cái xe cũ mà bọn tôi hay gọi là “cụ subaru” suốt ngày hỏng, suốt ngày đi chữa. Rồi có thời Tạp chí rất khó khăn, “đói” theo đúng nghĩa đen. Buổi trưa có phóng viên ra cầu thang ngồi ngẩn ngơ. Tôi hỏi: "Ăn cơm chưa?” - “Em hết tiền ạ”. Nhìn cậu phóng viên gầy nhỏng, mặt mũi nhợt nhạt mà buồn. Lúc đó, tôi nghĩ phải làm sao cho anh em có thu nhập cao, ăn no mặc ấm, ăn ngon mặc đẹp, gắn bó với tòa soạn …
Thế rồi bằng nhiều chính sách, Tạp chí đã thu hút được cộng tác viên làm quảng cáo, tăng số phát hành, xuất bản hàng chục đầu sách/năm, doanh thu tăng vọt, đời sống anh em được cải thiện rõ rệt…
Thời gian đó, cùng với quản lý, thi thoảng tôi vẫn viết bài khi đi công tác hoặc chấp bút một số bài cho lãnh đạo. Thường là bài “nền”. Có lần trao đổi về bài vở, Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng hỏi tôi về công việc. Tôi thật thà khai hết. Chị vui vẻ động viên, khen ngợi.
Báo Lao động - Xã hội (năm 2000) có một vài thay đổi. Bộ điều anh Lê Văn Minh từ Tạp chí sang làm Tổng Biên tập. Tôi nói với anh Minh: “Hồi trước (1993) anh “suýt” về Báo, rồi bây giờ loanh quanh thế nào lại về thật!”.
Tôi cũng nhớ khi Bộ trưởng Trần Đình Hoan muốn Bộ ra 1 tờ báo tuần “để việc truyền tải các chính sách về lao động, thương binh, xã hội xuống cơ sở được nhanh hơn”, Bộ trưởng đã trao đổi với anh Minh đầu tiên. Anh Minh không học chuyên về báo chí nên không nhận. Anh mạnh về nghiên cứu khoa học nên làm việc ở Tạp chí là phù hợp. Tuy nhiên, anh đã có những đóng góp quan trọng. Đó là giới thiệu anh Ngọc Niên với Bộ trưởng Trần Đình Hoan. Anh Ngọc Niên vốn là phóng viên Báo Quân đội Nhân dân, là cộng tác viên ruột của Tạp chí Lao động & Xã hội. Tạp chí đã từng có số Tết hoành tráng, hiện đại do được anh Niên tư vấn, hợp tác. Vì vậy, anh Niên là chỗ thân quen với Tạp chí.
So với chúng tôi, anh Niên là người nhanh nhạy, năng động hơn hẳn và lúc ấy đang ở TP. Hồ Chí Minh, nơi các hoạt động báo chí rất sôi động. Lúc đó, tôi cũng biết cả quá trình ra tờ Báo Lao động - Xã hội. Trong khi những cán bộ ở Bộ làm ngơ (vì không có chuyên môn báo chí) thì ở “làng báo” có không ít người “nhòm ngó”. Thế rồi vượt qua bao khó khăn, tự lo về bài vở, tự lo về tài chính, anh Niên đã thành công. Ngày 25/8/1993, tờ Báo Lao động - Xã hội đầu tiên ra đời và nhanh chóng có chỗ đứng trong danh sách những tờ báo bán chạy nhất lúc bấy giờ.
Thời kỳ đầu báo được sản xuất ở TP. Hồ Chí Minh, sau đó chuyển ra Hà Nội. Ở trên căn gác chật trội phố Ngô Thì Nhậm, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Thứ trưởng Trịnh Tố Tâm làm Tổng Biên tập. Tuy nhiên, anh Niên, anh Kim Quốc Hoa vẫn là người chịu trách nhiệm làm cụ thể. Báo ra 2 tuần 1 số, rồi tăng lên 1 tuần 1 số, rồi 1 tuần 3 số. Rồi số cuối tuần, cuối tháng. Dồn dập. Những hợp đồng quảng cáo trị giá hàng tỷ anh Niên cũng là người kéo về. Mọi việc thuận lợi. Báo Lao động - Xã hội đã làm khá tốt công tác tuyên truyền đường lối chính sách về lao động, việc làm, bảo trợ xã hội, người có công… Thế rồi, cứ như đến lúc bị “vận đen”, khó khăn về tài chính xảy ra, Bộ điều anh Minh về tháo gỡ. Vài năm sau, báo trả hết nợ, lại còn xin được đầu tư xây dựng lại phòng ốc, khang trang đẹp đẽ thuộc loại đẹp nhất trong các tòa soạn ở Hà Nội.
Bẵng đi vài năm, quãng giữa năm 2004, có lần Bộ trưởng Hằng bảo: “Em về Báo Lao động - Xã hội đi!” - “Dạ, thôi ạ, em làm ở Tạp chí là phù hợp ạ”. Vài tháng sau, Bộ trưởng nhắc lại. Tôi nghĩ, mình học kinh tế, làm ở Tạp chí là phù hợp, chứ chuyên sâu báo chí có biết đâu nên cũng lo lo. Có lần lên báo cáo công việc, mình nói: “Chị cho em ở lại Tạp chí ạ”. Bộ trưởng chỉ cười rồi nói chuyện khác.
Đã qua 24 năm làm việc ở Tạp chí, mình quen biết, thạo việc và gắn bó như ngôi nhà thứ hai của mình, không nghĩ sẽ chuyển đi đâu. Nhưng Tạp chí là một đơn vị của Bộ, lúc ấy khuyết vị trí Phó Tổng Biên tập. Bộ điều anh Mạc Văn Tiến về đâu khoảng 2 năm thì chuyển sang Tổng cục Dạy nghề. Rồi Bộ có Quyết định bổ nhiệm ông Bùi Văn Trạch về làm Phó Tổng Biên tập, năm sau có thêm ông Phan Tự Kiên, người đã làm việc ở Tạp chí khá lâu.
Làm lãnh đạo ở một cơ quan sự nghiệp công như Tạp chí hay Báo Lao động - Xã hội cần có 2 tố chất. Một là có khả năng tổ chức bài vở, sản xuất ra tờ báo hay, đẹp. 2 là có khả năng làm kinh tế báo chí, “nuôi” những người làm báo ở mức sung túc (nếu không những người giỏi sẽ chuyển đi). Nhưng thực tế, người có đủ 2 khả năng trên không nhiều. Cho nên có lúc tôi thấy ức chế, stress. Đúng dịp ấy, tôi lại có chuyến công tác với Bộ trưởng Hằng. Nói chuyện công việc, tôi im im, chán chán. Chị bảo: “Thôi, về Báo Lao động - Xã hội nhé!”.
Thế là vào “một ngày đẹp trời”, chị Chử Hà gọi điện cho tôi bảo như là: “Bộ quyết định bà chuyển về làm việc ở báo rồi…”. Anh Minh cũng nói vậy. Tôi ngớ người ra. Anh Được, Vụ trưởng Tổ chức cán bộ gọi lên thông báo…
Thế là đúng dịp 2/9/2004, kỷ niệm 59 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tôi nhận Quyết định sang làm việc tại Báo Lao động - Xã hội.
Một giai đoạn công việc sôi động, khẩn trương (gấp nhiều lần khi làm ở Tạp chí) bắt đầu. Rất may là khi đó làm Báo vẫn còn thuận lợi. Ngoài Báo Lao động - Xã hội ra 1 tuần 3 kỳ, tôi cùng em Thu Hằng (nay là Phó Tổng Biên tập), chị Chử Hà bám sát, làm việc với Ủy ban Dân tộc và được giao ra 1 tháng 2 số Đặc san “Xóa đói giảm nghèo” dành riêng cho miền núi. Quảng cáo được thu hút mạnh, doanh thu tăng, nhiều bài viết có tính chuyên ngành sâu sắc được đăng tải… Đặc biệt, công tác tổ chức bộ máy được kiện toàn, củng cố dưới sự tư vấn, hướng dẫn trao đổi với Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ. Báo dần dần có 1 Phó Tổng Biên tập tại Hà Nội, 1 tại TP. Hồ Chí Minh; có Trưởng Ban phóng viên; Trưởng, Phó Ban thư ký tòa soạn; các phóng viên đủ tiêu chuẩn được ký hợp đồng không xác định thời hạn. Việc trình bày trang 1 được định hình nhờ tôi được học hỏi từ Dự án Báo chí do tổ chức SIDA tài trợ cho Việt Nam. Và thời gian trôi thật nhanh. Công việc làm báo cứ ùn ùn, không lúc nào ngơi nghỉ. Bây giờ nghĩ lại thấy “thèm” cái bận rộn, cái sự mệt khi ấy...
Nhân dịp 30 năm ngày Báo Lao động - Xã hội ra số đầu tiên, tôi có vài suy nghĩ, hồi tưởng, nhớ lại một thời làm báo sôi động chia sẻ với anh em (trong đó có nhiều em, cháu mới vào còn rất trẻ) và độc giả biết thêm đôi điều… Chúc cho tờ báo của Bộ, ngành ngày càng đứng vững và phát triển, phục vụ cho sự nghiệp chung của đất nước.