Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Chuyện về người phụ nữ gốc Việt được lấy tên đặt cho một tiểu hành tinh

Giáo sư Lưu Lệ Hằng (SN 1963, người Mỹ gốc Việt) được thế giới biết đến với hai giải “Nobel thiên văn học” và là người phụ nữ được lấy tên đặt cho một tiểu hành tinh.

 

Vị nữ giáo sư này vừa về Việt Nam với nhiều hoạt động, trong đó, có giao lưu với học sinh, sinh viên và các cán bộ khoa học. Chúng tôi bất ngờ khi gặp, chị luôn nở nụ cười, ăn mặc phóng khoáng với áo thun và quần kaki, năng động cùng mái tóc ngắn.

 Kiên trì với đam mê

Chị Hằng trò chuyện khá thân tình, vui vẻ. Chị kể, mình sinh ra và lớn lên tại TP Hồ Chí Minh nhưng quê gốc ở Hải Phòng.

Năm 1975, chị cùng người thân sang Mỹ định cư. Họ đến nhà một số họ hàng ở tiểu bang Kentucky. Ở đất nước xa lạ, gia đình chị gặp vô vàn khó khăn về mặt kinh tế, lẫn xáo trộn văn hóa. Thế nhưng, cha mẹ chị vẫn cố gắng để nuôi nấng con cái học hành.

 

Giáo sư Lưu Lệ Hằng phát biểu trong lần về Việt Nam này.


Trong quá trình học tập, chị luôn đạt danh hiệu cao. Tốt nghiệp phổ thông, chị giành được học bổng của trường đại học Stanford và đỗ cử nhân vật lý lúc tròn 21 tuổi.

Trên giảng đường, chị hứng thú bởi những lý thuyết, hình ảnh về khoa học hành tinh. Một lần, chị đến thăm phòng thí nghiệm, được nhìn thấy những hình ảnh được truyền về từ Hỏa tinh, Thổ tinh thì rất thích thú và quyết định theo ngành thiên văn học.

Sau đó, chị chọn vào học viện Công nghệ Massachustts học khoa Trái đất, khí quển và khoa học hành tinh.

Tại học viện, chị được David Jewitt hướng dẫn. Anh hơn chị năm tuổi. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, cả hai nhận ra mình có nhiều điểm tương đồng, như có thể ngồi hàng giờ liền để quan sát thông qua kính thiên văn.

Cả hai đặc biệt chú ý đến phỏng đoán của nhà thiên văn học người Mỹ gốc Hà Lan Gerard Kuiper cho rằng, có một vành đai các tiểu hành tinh ở vùng cửa ngõ hệ mặt trời. Nhiều nhà khoa học đã dành phần đời của mình để nghiên cứu phỏng đoán này, nhưng đều thất bại. Do đó, về sau, hầu hết các nhà khoa học cho rằng, phỏng đoán của Kuiper là vô căn cứ.

Thế nhưng, với tâm thức “biết đâu có điều đặc biệt chưa được khám phá”, năm 1987, chị cùng David quyết định bắt tay vào nghiên cứu phỏng đoán của Kuiper. Tuy nhiên, khi các chuyên gia dần khước từ phỏng đoán của Kuiper mà anh chị lại lao vào nghiên cứu nên nhiều người cho rằng, đây chỉ là một chuyện chẳng thu được kết quả gì. Do đó, không có bất kỳ một cơ quan, tổ chức nào chấp nhận hỗ trợ kinh phí.

Dù vậy, hai người vẫn quyết theo đuổi ý định bằng cách tự bỏ tiền túi để nghiên cứu. Vào 1988, Daivid rời học viện công nghệ Massachustts, đến Hawai công tác. Dù đoạn đường cách xa hàng nghìn dặm, nhưng chị vẫn chưa một lần có ý định bỏ ngang khát khao tìm ra “điều đặc biệt”. Chị làm việc, tích cóp tiền để mùa hè bay hơn nửa vòng trái đất, đến Hawai làm việc với Daivid trong vòng ba tuần. Mỗi khi đến, chị chỉ lên đỉnh ngọn núi lửa đã tắt Mauna Kea với chiếc kính viễn vọng đường kính 2,2 mét.

Trước khi đến Mauna Kea, anh chị phải đăng ký giữ chỗ tại đài thiên văn cả năm trời. Đây là nơi hẻo lánh, có thể tránh xa được sự ồn ào, náo nhiệt lẫn những tạp âm, nhiễu sóng của chốn đô thị. Nó cao hơn mực nước biển 4.000 km, không khí khá loãng. Nhưng, là địa điểm lý tưởng để theo dõi các hành tinh trong hệ mặt trời.

Thời gian biểu chị làm việc từ lúc mặt trời lặn đến khi bình minh lên. Sáng, chị đi ăn rồi về phòng, với giấc ngủ mộng mị vì thiếu oxy. Bốn lần chị đặt chân đến Hawai, gặp gỡ Daivid, làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, nhưng vẫn không tìm được chút manh mối khả quan nào.

Thành công bất ngờ

Chị cho biết, đài thiên văn Mauna Kea sở hữu nhiều công nghệ tiên tiến nhất trên trái đất lúc bấy giờ. Ngoài ra, chị sử dụng máy ảnh kỹ thuật số thế hệ mới, có độ nhạy gấp hai lần và trường nhìn rộng gấp bốn lần so với thế hệ trước. Mỗi lần quan sát, họ chụp liên tiếp ba tấm hình để đối chiếu xem có vật thể nào đã thay đổi vị trí hay không. “Phải chụp ba tấm để đối chiếu. Nếu chỉ chụp hai tấm thì hình ảnh dùng đối chiếu có thể không chuẩn xác”, chị nói.

 

Bà Trần Thị Thu Hà (Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định) tiếp đón giáo sư Lưu Lệ Hằng.


Đêm 30/8/1992, cả hai vẫn lên Mauna Kea như bình thường. Sau khi chị quan sát và chụp hình, David thế chỗ. Khi anh chụp bức ảnh thứ hai thì bất ngờ dừng lại, quay sang nói với chị: “Jane ơi! Có gì đó bất thường. Có chấm sáng như vết tia vũ trụ đang di chuyển”.

Chị vụt dậy, đến xem thì đó là một vệt sáng nhòe. Nó không như những tia vũ trụ bất ngờ bay tới kính viễn vọng như bình thường. Họ lại chụp liên tiếp hàng loạt tấm ảnh khác. Mỗi bức ảnh, vệt sáng ấy lại di chuyển một xa hơn.

Nhớ lại đêm ấy, chị bảo, công việc nghiên cứu, theo dõi, chụp hình lặp đi lặp lại suốt năm năm ròng. Do đó, khi gặp hiện tượng lạ, cả hai vui mừng lắm. Tuy nhiên, họ vẫn không dám hy vọng quá nhiều. Và, họ dặn nhau chưa thể công bố, tiếp tục quan sát, tìm hiểu vệt sáng di chuyển ấy là gì. Công việc vẫn tiếp tục như bình thường, nhưng lại có một niềm tin được nhen nhóm.

Khi đã đủ đầy bằng chứng có thể khẳng định, vệt sáng ấy là một tiểu hành tinh, anh chị quyết định công bố. Nó quay quanh mặt trời ở khoảng cách 6,6 tỉ km, xa gấp 44 lần khoảng cách mặt trời và trái đất, có đường kính 280 km.

Anh chị tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều năm sau nữa. Về sau, có một nghiên cứu sinh người Trung Quốc và một nghiên cứu sinh khác là Michael E Brown cùng tham gia nhóm nghiên cứu.

Nhóm phát hiện ngoài tiểu hành tinh đầu tiên, còn có khoảng 70.000 vật thể khác có đường kính lớn hơn 100 km, và hàng triệu vật thể có đường kính nhỏ hơn. Trong đó, Diêm Vương tinh cũng chỉ là một tiểu hành tinh. Tất cả chúng hợp thành một quần thể và được gọi là Vành đai Kuiper.

Năm 1992, chị nhận bằng tiến sỹ tại Học viện Công nghệ Massachustts, và nhận học bổng Hubble của Viện đại học Califfonia – Brekeley.

Để vinh danh chị, cộng đồng thiên văn học thế giới đã chọn một tiểu hành tinh trong Vành đai Kuper đặt tên là 540 Luu. Họ Lưu của chị được dùng để gọi tiểu hành tinh này. Từ năm 1994, chị là giáo sư thiên văn học tại Viện đại học Harvard, và hiện làm việc tại phòng thí nghiệm Lincoln tại Học viện Công nghệ Massachustts.

Sự phát hiện của chị cùng với các cộng sự đã tạo ra một sự đột phá trong thiên văn thế giới. Họ đã chứng minh rằng, phỏng đoán của Gerard Kuiper là đúng chứ không phải là sai lầm. Trong năm 2012, chị cùng hai cộng sự là David Jewitt và Michael E Brown được trao giải Kavli về vật lý. Cùng năm, chị và David Jewitt được trao giải Shaw. Hai giải thưởng này được xem là “nobel thiên văn học”.

Trong cuộc trò chuyện, chị chia sẻ, trong hành trình tìm hiểu về Vành đai Kuiper, ngược chiều với dư luận, đồng nghiệp nên đôi lúc có chút dao động. Nhưng, chị luôn lấy câu nói của Edison làm châm ngôn cho mình: “Thiên tài là 1% và 99% mồ hôi”.

Chị cho rằng, tất cả mọi người, ai cũng mong muốn mình là người thông minh xuất chúng. Nhưng, điều đó chỉ dừng lại ở số ít rất nhỏ. Còn lại, để muốn đạt được mục đích thì phải đổi bằng mồ hôi, công sức. Riêng thế hệ trẻ, hãy tìm cho mình một niềm yêu thích và đam mê.

Và, bạn hãy tự tìm thấy thú vui trong đam mê đó. Bạn đừng vội nản lòng nếu may mắn chưa mỉm cười với mình. Chỉ cần đam mê, yêu thích, kiên trì, chắc chắn, bạn sẽ đi đến tận cùng ý nghĩa.

Chị cho hay, trong nghiên cứu khoa học không dành cho những người lười biếng, thiếu sự nhẫn nại. Với những bạn trẻ làm khoa học, nếu nhận thấy thắc mắc về một điều gì đó thì hãy tự tìm câu trả lời. Đừng vì những lời bàn tán của người khác mà nản lòng. Cái kết của việc tìm tòi là không ai có thể dự đoán được.

 

Tự hào là người Việt Nam

Chị Hằng cho biết, trong tâm thức, chị luôn cảm thấy hài lòng và may mắn khi là người gốc Việt. Bất kể, đi đâu, chị cảm thấy tự hào khi giới thiệu về mình là con lạc cháu hồng. Đây cũng chính là lý do, chị nhận lời trở về nước, với hy vọng góp phần thổi bùng ngọn lửa yêu khoa học trong mọi người nói chung và giới trẻ nói riêng.