Tuy nhiên, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng;
Cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về CMND, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.
CMND chính thức bị “khai tử” từ 1/1
Với quy định CMND chỉ còn hạn sử dụng sẽ có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Đồng nghĩa với việc từ năm 2025, sẽ không còn được dùng CMND mà thay vào đó, những người này phải làm thủ tục đổi sang thẻ căn cước theo quy định của Luật Căn cước mới nhất.
Hiện nay, người dân đang sử dụng các loại giấy tờ căn cước gồm: CMND 9 số, CMND 12 số, căn cước công dân (CCCD) mã vạch, CCCD gắn chip và thẻ căn cước.
Tuy nhiên, do CMND sẽ bị “khai tử” từ 1/1/2025, nên công dân chỉ còn sử dụng các loại giấy tờ về căn cước như sau: CCCD mã vạch, CCCD gắn chip và thẻ căn cước.
Đồng thời, nếu người dân đang sử dụng CCCD (mã vạch và gắn chip) nếu có yêu cầu thì có thể làm thủ tục cấp thẻ căn cước.
Cũng tại Điều 46 Luật Căn cước 2023 quy định, từ ngày 1/1, người dùng CMND và CCCD hết hạn bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước.
Theo Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014 và Điều 24 Luật Căn cước 2023 thì công dân bắt buộc phải đổi từ CCCD sang thẻ căn cước từ ngày 1/7/2024 trong các trường hợp:
Thẻ CCCD bị hư hỏng không sử dụng được; Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhận dạng; Xác định lại giới tính, quê quán; Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân; Bị mất thẻ Căn cước công dân; Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam 2008.
Thủ tục đổi CMND sang thẻ căn cước
Thủ tục cấp đổi thẻ Căn cước mới được thực hiện theo 5 bước quy định tại Điều 23 Luật Căn cước 2023 và Điều 21 Nghị định 70/2024/NĐ-CP như sau:
Bước 1, công dân đến cơ quan quản lý căn cước đề nghị cấp đổi, cung cấp thông tin gồm họ, chữ đệm và tên khai sinh, số định danh cá nhân, nơi cư trú để người tiếp nhận kiểm tra đối chiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
Công dân có thể lựa chọn một trong các nơi sau đây để làm thủ tục đổi Căn cước công dân hết hạn:
Cơ quan quản lý căn cước của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan quản lý căn cước của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân cư trú.
Cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an đối với những trường hợp do thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an quyết định.
Bước 2, trường hợp thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa có hoặc có sai sót thì người tiếp nhận thực hiện việc điều chỉnh thông tin theo quy định tại Điều 6 Nghị định 70/2024/NĐ-CP trước khi đề nghị cấp đổi thẻ căn cước;
Trường hợp thông tin của công dân chính xác, người tiếp nhận đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước trích xuất thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Sau khi xác định thông tin người đề nghị cấp đổi thẻ căn cước là chính xác thì thực hiện thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước;
Người cần cấp thẻ căn cước kiểm tra, ký vào phiếu thu nhận thông tin căn cước;
Bước 3, trường hợp cấp đổi thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước hoặc cấp đổi thẻ căn cước thì người tiếp nhận có trách nhiệm thu lại Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân, thẻ căn cước đang sử dụng.
Bước 4, cán bộ cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước cho người đến làm thủ tục.
Bước 5, nhận kết quả
Trả thẻ căn cước theo địa điểm ghi trong giấy hẹn; trường hợp người cần cấp thẻ căn cước có yêu cầu trả thẻ căn cước tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý căn cước trả thẻ căn cước tại địa điểm theo yêu cầu và người đó phải trả phí dịch vụ chuyển phát.