Bộ GD&ĐT cho biết, quy trình chấm thi tự luận, chấm thi trắc nghiệm và phúc khảo bài thi được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, bảo đảm đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, có camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ. Bộ GD&ĐT yêu cầu việc thanh tra kiểm tra phải tuân thủ quy định của pháp luật; thực hiện đúng Quy chế thi, bảo đảm nghiêm túc, chặt chẽ, công bằng, khách quan.
Đồng thời phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ GD&ĐT, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (UBND tỉnh) và Sở GD&ĐT trong hoạt động thanh tra, kiểm tra các khâu của Kỳ thi.
Theo công văn hướng dẫn, 5 nội dung thanh tra, kiểm tra gồm các công tác: Chuẩn bị thi; coi thi; chấm thi, phúc khảo bài thi và xét công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông.
Bộ GD&ĐT cũng thành lập 63 đoàn kiểm tra tại 63 sở GD&ĐT mỗi đoàn 3-5 người do Bộ GD&ĐT điều động từ các sở GD&ĐT và cơ sở đào tạo. Người của Sở GD&ĐT này sẽ làm nhiệm vụ kiểm tra tại Sở GD&ĐT khác.
Các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và các đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện kiểm tra công tác chấm thi ở các Hội đồng thi trong suốt thời gian diễn ra hoạt động này để tăng cường tính nghiêm minh của công tác chấm thi.
Tại các địa phương, những giáo viên có trình độ, kinh nghiệm cũng được lựa chọn tham gia chấm thi. Để chấm thi chính xác, đều tay, các cán bộ chấm thi được tập huấn kỹ về biểu điểm và thực hiện việc chấm thi chung.
Còn với thanh tra, kiểm tra phúc khảo bài thi, Bộ GD&ĐT thành lập 5 đoàn kiểm tra tại 10 sở GD&ĐT. Riêng thanh tra việc xét công nhận tốt nghiệp, sở GD-ĐT thành lập đoàn thanh tra hoặc kiểm tra việc xét công nhận tốt nghiệp tại địa phương.
Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và tuyển sinh đại học.
Theo kế hoạch, ngày 18/7, Bộ GD&ĐT sẽ công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Các đơn vị đăng ký dự thi thu nhận đơn phúc khảo và lập danh sách phúc khảo từ ngày 18/7 đến hết ngày 27/7, tổ chức phúc khảo bài thi (nếu có) chậm nhất ngày 5/8; xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo hoàn thành chậm nhất ngày 12/8.
Đối với những thí sinh xét tuyển đại học, bắt đầu từ ngày 10-30/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn trên hệ thống của Bộ GD&ĐT.
Thí sinh có 7 ngày để nộp lệ phí xét tuyển, từ 31/7 đến 6/8.
Thí sinh sẽ nhận kết quả (điểm chuẩn) ngày 22/8 và xác nhận nhập học đợt 1 trước 17h ngày 6/9.
Riêng khối ngành đào tạo sức khỏe và giáo viên, ngày 25/7, Bộ GD&ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Từ đó, các trường đào tạo ngành nói trên đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển.
Theo Bộ GD&ĐT, thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay chỉ có 20 ngày (năm 2022 là 1 tháng). Thời gian thí sinh biết điểm chuẩn và nhập học cũng sớm hơn 3 tuần so với mốc 17/9 và 30/9 của năm 2022.