Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Có cần thiết xây dựng Luật Hành chính công?

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 13, ngày 18/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hành chính công. Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng cần cân nhắc về sự cần thiết ban hành dự án Luật Hành chính công để tránh chồng chéo, trùng lặp về nội dung và phạm vi điều chỉnh với các văn bản luật hiện hành.

 

Nhiều quy định còn chung chung, thiếu tính khả thi
Trình bày Tờ trình về việc xây dựng dự án Luật Hành chính công, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh - Trưởng Ban soạn thảo cho biết dự án Luật Hành chính công nhấn mạnh dự án Luật Hành chính công được xây dựng nhằm quán triệt và thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng; cụ thể hóa các nguyên tắc của Hiến pháp năm 2013 về quản lý hành chính Nhà nước và cung cấp dịch vụ công; xác định rõ mối quan hệ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hành chính công; xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, công khai, minh bạch; tạo cơ sở để nhân dân kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động hành chính công, trên cơ sở đó, góp phần tạo chuyển biến tích cực mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân. 

ĐB Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh trình bày Dự thảo Luật Hành chính công

Dự thảo Luật có 7 chương, 54 điều quy định về hành chính công gồm nguyên tắc chung của hành chính công, thủ tục hành chính, quản lý dịch vụ công và cung ứng dịch vụ hành chính công, chính phủ điện tử trong hành chính công, kiểm soát hành chính công, mối quan hệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện hành chính công. 
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu nhấn mạnh dự án Luật Hành chính công là dự án Luật đầu tiên do một cá nhân đại biểu Quốc hội trình trong lịch sử Quốc hội Việt Nam. Đây là dự án Luật rất khó, phạm vi tác động rộng, liên quan đến toàn bộ nền hành chính Nhà nước.Trong thời gian ngắn, Ban soạn thảo dự án Luật đã hoàn thành được khối lượng công việc rất lớn, tiến hành rất nhiều hoạt động phục vụ việc soạn thảo. Đây là những kết quả rất đáng ghi nhận. 
Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh do khối lượng công việc lớn, thời gian dành cho việc nghiên cứu, soạn thảo ngắn, đội ngũ giúp việc mỏng, trong soạn thảo xây dựng còn gặp nhiều khó khăn nên việc xây dựng hồ sơ dự án Luật không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Cụ thể:
 Nội dung Tờ trình dự án Luật còn đơn giản; báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật liên quan đến nội dung chính của dự án Luật chưa xác định rõ được những bất cập, hạn chế cụ thể trong các quy định của pháp luật hiện hành nên chưa có sự gắn kết logic với nội dung trong dự thảo Luật. 
Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật chỉ mới mang tính định tính, chưa định lượng được cụ thể về nguồn lực bảo đảm theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Nhiều nội dung trong dự thảo Luật quy định còn chung chung, thiếu tính quy phạm nên không áp dụng trực tiếp được, thiếu tính khả thi; một số quy định không chính xác, thậm chí mâu thuẫn ngay trong dự thảo Luật... 
Cần làm rõ các lý do của sự cần thiết ban hành luật
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, những lý do về sự cần thiết ban hành Luật được nêu trong Tờ trình chưa có tính thuyết phục. Tờ trình chưa xác định được những tồn tại, bất cập cụ thể trong các quy định của pháp luật hiện hành; chưa lý giải, làm rõ được với những nội dung điều chỉnh trong dự thảo Luật thì sẽ giải quyết được những thiếu sót, bất cập, cụ thể nào của nền hành chính hiện nay. 
Do đó, chưa làm nổi bật được sự khác biệt giữa việc có Luật Hành chính công với việc không có Luật này; chưa lý giải thuyết phục được Luật này thể chế các quan điểm, chính sách nào của Đảng, quy định nào của Hiến pháp, nội luật hóa được các cam kết quốc tế nào như mục đích đặt ra trong Tờ trình. Vì vậy, cân nhắc về sự cần thiết ban hành dự án Luật Hành chính công để tránh chồng chéo, trùng lặp về nội dung và phạm vi điều chỉnh với các văn bản luật hiện hành. 
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, dự án là Luật Hành chính công là các vấn đề liên quan trực tiếp đến nền hành chính của Nhà nước, tuy nhiên đến nay Chính phủ chưa có ý kiến chính thức. Việc Chính phủ chưa có ý kiến là chưa bảo đảm quy trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khó khăn trong thảo luận để đánh giá các quy định của dự thảo luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng nhấn mạnh, sự cần thiết ở đây không phải việc ban hành luật này mà cần áp dụng hiệu quả một số nội dung có tính khuyến nghị của luật vào thực tiễn điều hành quản lý của bộ máy nhà nước như làm tốt dịch vụ công, cơ chế một cửa, Chính phủ điện tử…

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cũng nêu quan điểm, nền hành chính tuy cần tiếp tục hoàn thiện nhưng những thành tựu đã thu được cho thấy pháp luật hiện nay không thiếu đến mức phải xây dựng Luật Hành chính công. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, lập luận của Ban soạn thảo về sự cần thiết xây dựng dự án luật là chưa thuyết phục và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội định hướng để Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ban soạn thảo dự án Luật cần tiếp tục nghiên cứu để làm rõ hơn cơ sở lý luận và thực tiễn của sự cần thiết phải ban hành Luật hành chính công. Theo đó, làm rõ các lý do của sự cần thiết ban hành luật để bảo đảm tính thuyết phục. Các phân tích về sự cần thiết phải bám sát vào các vấn đề thuộc phạm vi nghiên cứu về nền hành chính quốc gia, về nền công vụ, công chức. Phân tích về sự cần thiết ban hành Luật hành chính công cần có sự gắn kết giữa các lý do với nhau để làm rõ sự cần thiết, cấp bách phải ban hành luật.
Về nội dung của dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các nội dung quy định tại mỗi chương, mỗi điều cần phải bao quát để đảm bảo tính cụ thể và sự gắn kết để làm rõ mục tiêu cần đạt tới là gì. Do đó, cần phải tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ các nội dung cơ bản cần thiết đưa vào dự luật để không trùng lặp với phạm vi điều chỉnh của các luật về tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, đồng thời thể hiện rõ được tính đặc thù của dự án luật này. Các quy định của dự thảo luật cần phải thể hiện được hết các nội dung của hành chính nhà nước và cụ thể hóa được các vấn đề cần thiết để xác định tính chất, vị trí của luật này sẽ luật khung hay luật chuyên ngành.