Theo báo Sức khoẻ và Đời sống, thông tin của Bộ Y tế Đức, những người đã bị nhiễm SARS-CoV-2 nên được chủng ngừa. Việc tiêm vaccine vào thời điểm nào và lịch tiêm chủng ra sao phụ thuộc vào "chứng cứ phát hiện bệnh".
Trước đây, những người đã được chẩn đoán bị bệnh COVID-19, theo quy định nên tiêm vaccine sau 6 tháng kể từ khi phục hồi hoặc từ khi được chẩn đoán. Bằng chứng của chẩn đoán nhiễm bệnh là PCR-test ngay tại thời điểm nhiễm.
Hiện nay, đã có nhiều vaccine hơn và có đầy đủ quan sát về sự vô hại của vaccine đối với người khỏi bệnh nên việc tiêm chủng có thể tiến hành từ sau 4 tuần, kể từ khi các triệu chứng thuyên giảm. Cụ thể:
Những người được chẩn đoán là nhiễm SARS-CoV-2 nhưng không xuất hiện triệu chứng nào, được khuyến cáo tiêm 1 liều vaccine sớm nhất là 4 tuần sau khi có xác nhận nhiễm trùng. Thậm chí, ngay cả khi thời gian từ khi mắc bệnh đến khi tiêm vaccine đã lâu hơn 6 tháng, thì thêm một liều vaccine là đủ hoàn chỉnh khả năng miễn dịch căn bản. Nếu có thêm một liều thứ 2 thì cũng không đạt nồng độ kháng thể cao hơn.
Những người đã được chủng ngừa COVID-19 một mũi, sau đó mới được xác nhận nhiễm SARS-Cov-2, thì tiêm mũi thứ 2 theo quy định là 6 tháng sau khi hết bệnh.
Theo Bộ Y tế Đức, hiện tại vẫn chưa thể nói liệu có cần thiết và khi nào phải tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ hai.
Trong trường hợp người bị suy giảm chức năng miễn dịch, cần quyết định từng trường hợp cụ thể là nên tiêm một mũi vaccine duy nhất hay tiêm một phác đồ vaccine đầy đủ. Điều này phụ thuộc phần lớn vào thể loại và mức độ suy giảm miễn dịch của người đó.
Không ít người thắc mắc, tiêm chủng sau khi đã mắc COVID-19 có nguy hiểm không?
Đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy tiêm chủng sau khi nhiễm SARS-CoV-2 là có vấn đề hoặc dẫn đến nguy hiểm. Các nghiên cứu để được cấp phép của hai loại vaccine mRNA cũng bao gồm những người tham gia đã từng bị nhiễm SARS-CoV-2. Kết quả cho thấy, những người này thích ứng với vaccine tương đương những người không mắc bệnh trước đó.
Các phản ứng tại chỗ bị tiêm hoặc các phản ứng phụ chung thậm chí còn nhẹ hơn. Hiệu quả của việc chủng ngừa thì không có sự khác biệt giữa hai nhóm này.
Do đó, không cần thiết phải thực hiện xét nghiệm trước khi chủng ngừa COVID-19 để loại trừ trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 cấp tính hoặc nhiễm trước đó mà không có triệu chứng.
Dữ liệu hiện nay cho thấy, tác dụng bảo vệ của vaccine ít nhất từ 6 đến 8 tháng. Nếu sau lần tiêm vaccine phòng COVID-19 đầu tiên, được xét nghiệm chẩn đoán là nhiễm SARS-CoV-2 thì không nên tiêm mũi vaccine thứ hai cho đến ít nhất 6 tháng sau khi bình phục hoặc có xét nghiệm âm tính. Khi đó những người này sẽ tiếp nhận vaccine tốt hơn.
Theo Bộ Y tế, trong ngày 23/8, Việt Nam có 275.085 liều vaccine COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 17.647.353 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 15.725.040 liều, tiêm mũi 2 là 1.922.313 liều.
Tại cuộc họp Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine chiều 24/8, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (Tổ trưởng Tổ Công tác) cho biết, trong tháng 8 và tháng 9 tới, mặc dù thế giới rất khan hiếm vaccine, chúng ta sẽ tiếp tục nhận được thêm vaccine nhiều hơn dự kiến, có thể trên 16 triệu liều qua các hình thức viện trợ, các đối tác nhượng lại vaccine và giao vaccine theo hợp đồng đã ký kết.
Được biết, với những biện pháp vận động hiệu quả, quyết liệt, đến nay, Việt Nam đã nhận được khoảng 23 triệu liều vaccine từ cơ chế COVAX, hỗ trợ của các nước và các hợp đồng đã ký kết