Kết hôn đa văn hóa là trường hợp người Hàn kết hôn với người nhập tịch hoặc người nước ngoài; không bao gồm các trường hợp kết hôn giữa những người nhập tịch, hay người nước ngoài với nhau.
Kết hôn đa văn hóa tại Hàn Quốc đã giảm 6 năm liên tiếp từ năm 2010, song có xu hướng tăng trở lại trong năm 2017. Tổng số cặp kết hôn ở Hàn Quốc trong năm 2018 là 258.000, giảm 2,6% so với năm 2017. Trong đó, các cặp vợ chồng đa văn hóa chiếm 9,2%, tăng 0,9% so với năm trước đó.
Cụ thể, trường hợp vợ là người nước ngoài chiếm tỷ lệ nhiều nhất là 67%, trường hợp chồng là người nước ngoài chiếm 19,6% và trường hợp có vợ hoặc chồng đã nhập tịch là 14,6%.
Xét theo quốc tịch, trường hợp vợ là người Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhất là 30%. Tiếp sau đó là vợ người Trung Quốc (26,1%), Thái Lan (6,6%).
Số gia đình đa văn hóa có vợ là người Việt Nam lần đầu vượt qua Trung Quốc năm 2016 và ngày càng chênh lệch lớn hơn.
Trường hợp có chồng là người Trung Quốc chiếm 9,4%, sau đó đến Mỹ (6,2%) và Việt Nam (2,5%).
Độ tuổi kết hôn bình quân lần đầu trong kết hôn đa văn hóa đối với người chồng là 36,4, và đối với vợ là 28,3, tăng lần lượt 0,3 và 0,2 tuổi so với năm 2017.
Xét theo khu vực, đảo Jeju là địa phương có số lượng đăng ký kết hôn đa văn hóa nhiều nhất, chiếm 12%. Tiếp đó là tỉnh Nam Chungcheong 10,7%, thành phố Daejeon 7,3% và thành phố Sejong 4,5%. Số vụ ly hôn gia đình đa văn hóa là 10.254 trường hợp, giảm 0,5% (53 vụ) so với 1 năm trước đó.
Số trẻ sinh ra trong gia đình đa văn hóa năm 2018 là 18.079 em, giảm 2% so với năm 2017. Tuy nhiên, độ tuổi sinh đẻ bình quân của phụ nữ gia đình đa văn hóa là 29,8, thấp hơn 3 tuổi so với con số bình quân tổng thể. Số người tử vong thuộc gia đình đa văn hóa là 2.202 người, tăng 10% so với năm 2017.