Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2020, kế hoạch năm 2021, Tổng Giám đốc BSR Bùi Minh Tiến cho biết: Năm 2020 do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 và giá dầu giảm sâu nên đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả SXKD của Công ty. BSR đã áp dụng triệt để các công cụ quản trị hiện có, tận dụng tối đa những thuận lợi và chủ động đưa ra các giải pháp hiệu quả, kịp thời để ứng phó với những khó khăn ở từng thời điểm do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, bên cạnh đó kết hợp với những nỗ lực không ngừng của toàn thể người lao động, BSR đã hoàn thành các chỉ tiêu SXKD năm 2020 với kết quả rất khả quan.
BSR hoàn thành bảo dưỡng tổng thể lần 4 Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; vận hành nhà máy an toàn, liên tục, ổn định; sản lượng sản xuất đạt 5,93 triệu tấn, về đích trước 19 ngày, vượt 7% kế hoạch năm. Doanh thu đạt 58.586,9 tỷ đồng, nộp NSNN 6.241,5 tỷ đồng và giảm mức lỗ xuống chỉ còn 2.812,4 tỷ đồng, thấp hơn so với dự kiến ban đầu. BSR bắt đầu có lãi trở lại từ quý III/2020, chấm dứt trình trạng lỗ lũy kế liên tiếp 2 quý; tiết giảm chi phí gần 2.000 tỷ đồng; trên 350 cải tiến và 40 sáng kiến đưa vào áp dụng, làm lợi cho công ty hàng trăm tỷ đồng.
Năm 2021, BSR nhận thức rõ còn tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Tuy nhiên thị trường dầu mỏ ấm lên, cộng với tình hình dịch bệnh tại Việt Nam được kiểm soát, nên BSR đưa ra mục tiêu kế hoạch sản lượng khoảng 6,497 triệu tấn; doanh thu 70.661 tỷ đồng, nộp NSNN 7.698 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 864 tỷ đồng.
Trong quý I, sản lượng sản phẩm tiêu thụ của BSR ướt đạt khoảng 1,56 triệu tấn, vượt 2,9 % kế hoạch quý; doanh thu gần 21.000 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt gần 1.900 tỷ đồng (hơn gấp đôi chỉ tiêu cả năm), nộp ngân sách nhà nước 2.245 tỷ đồng. Tất cả các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, sản phẩm của quý đều vượt so với kế hoạch. Tổng Giám đốc BSR Bùi Minh Tiến cho biết thêm.
Tại phần hỏi/đáp, các cổ đông đã đặt một số câu hỏi với nội dung sau: Cổ đông kiến nghị BSR tiếp tục trình các cấp thẩm quyền các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của tác động kép giá dầu giảm và dịch Covid-19?; Kế hoạch chia cổ tức?; BSR đánh giá về xu hướng thị trường và xu hướng crack spread trong thời gian tới như thế nào? Kế hoạch nguồn dầu thô cho Nhà máy?...
Đoàn chủ tọa Đại hội đã trả lời chi tiết các câu hỏi trên của cổ đông. Về xu hướng thị trường, Tổng Giám đốc BSR Bùi Minh Tiến cho biết: Crack xăng cải thiện rõ, nhưng DO và Jet-A1 tương đối thấp. Giá dầu trong thời gian qua, quý I khôi phục cao hơn dự báo. Nếu không có những biến động lớn, giá dầu sẽ duy trì bình quân khoảng 60 USD/thùng. Giá dầu là mặt hàng vô cùng nhạy cảm, ví dụ các vấn đề chính trị hoặc dịch Covid-19. Chúng tôi kỳ vọng giá dầu năm nay giữ vững và mong muốn không có giảm sâu. Đối với nhà máy lọc dầu giá dầu giảm sâu là một sự ám ảnh, không có công cụ nào khắc chế được. Nếu như ngành hàng không được khôi phục hoàn toàn thì sản phẩm Jet -A1 sẽ tăng trưởng mạnh và trở lại bình thường.
BSR sẽ theo dõi chặt chẽ dự báo giá dầu mỏ, cung/cầu thị trường trong nước để xây dựng các kịch bản và có các giải pháp ứng phó phù hợp nhằm giảm thiểu tổn thất và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty đồng thời tăng cường việc xuất bán sản phẩm tối đa, bám sát diễn biến thị trường cũng như tiến độ nhận hàng của khách hàng để ứng phó kịp thời tình huống bất lợi.
Về chia cổ tức, thời điểm tổ chức ĐHCĐ 2020 (tháng 5/2020) dịch bùng phát và BSR bị ảnh hưởng nặng nề của tác động kép nên thời điểm đó HĐQT Công ty xin ý kiến ĐHCĐ không chia cổ tức 2019. Kết quả năm 2020, BSR đạt kết quả lợi nhuận âm, nên ĐHCĐ 2021, BSR tiếp tục báo cáo Đại hội không chia cổ tức. Việc chia cổ tức phụ thuộc vào tình hình sản xuất kinh doanh, BSR mong có cơ hội kế hoạch chia cổ tức năm 2021 trong thời gian tới.
BSR đã thực hiện đăng ký chuyển sàn từ UPCoM sang HNX vào tháng 05/2020. Tuy nhiên, năm 2020 do tác động kép của giá dầu giảm và dịch Covid-19, BSR chưa đáp ứng được điều kiện niêm yết HNX. BSR sẽ khởi động lại việc đăng ký chuyển sàn, niêm yết ngay khi đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Về cung ứng nguồn dầu thô cho Nhà máy thời gian tới, BSR luôn bám sát diễn biến thị trường và tận dụng thời cơ để mua dầu thô theo hợp đồng dài hạn để đảm bảo khối lượng vận hành tối thiểu của Nhà máy với mức phụ phí rất thấp so với thị trường. Ngoài ra, trong quá trình vận hành, xem xét tình hình thị trường BSR sẽ mua dầu thô spot nhằm tăng sản lượng và tận dụng cơ hội thị trường để tăng hiệu quả cho Công ty.
Phát biểu tại Đại hội, Phó Tổng Giám đốc PVN Lê Xuân Huyên nhấn mạnh: "PVN ghi nhận những nỗ lực của BSR trong việc giảm lỗ, vươn lên khỏi tác động kép trong năm 2020. Điểm sáng thứ 2 là BSR thực hiện BDTT lần 4 an toàn, tiến độ, chất lượng. Đồng thời, năm qua, BSR là doanh nghiệp trong ngành Dầu khí có mức tiết giảm chi phí sản xuất ở mức tối đa. BSR thực hiện hiệu quả công tác an toàn, đạt hơn 30 triệu giờ công an toàn. Nhờ có an toàn mà BSR mới đạt các kết quả khác".
Năm 2021, nếu thị trường tốt thì BSR có thể đạt lợi nhuận cao hơn kế hoạch, cổ đông đang kỳ vọng lớn vào BSR. Kế hoạch 2021 của BSR, PVN luôn có những chỉ đạo sát sao và kịp thời, đặc biệt trong khâu nguồn dầu thô trong nước.