Ảnh minh họa.
Ông Trần Vũ Hiển (Hà Nội) điều khiển xe ô tô 5 chỗ lưu thông trên quốc lộ có dải phân cách cứng giữa 2 chiều và ngoài khu dân cư, tốc độ tối đa quy định là 80km/h, hướng xe ông Hiển lưu thông có 2 làn đường không quy định dành riêng cho phương tiện nào.
Khi đang lưu thông trên làn bên trái, xe ông Hiển gặp xe cùng chiều di chuyển với tốc độ thấp khoảng 50km/h. Ông Hiển bật đèn tín hiệu để xin vượt và theo quan sát phía trên xe đó không có chướng ngại vật, tuy nhiên xe lưu thông phía trên không đi sang phần đường bên phải.
Sau khi quan sát thấy làn bên phải không có chướng ngại vật, có thể chuyển làn an toàn, ông Hiển bật đèn tín hiệu để chuyển sang làn bên phải, lưu thông theo đúng tốc độ quy định, vượt qua xe phía trên rồi sau đó bật đèn tín hiệu di chuyển quay lại làn bên trái.
Ông Hiển hỏi, trường hợp như vậy ông có phạm lỗi vượt phải không hay được coi là chuyển làn đúng luật? Nếu trong trường hợp phạm lỗi vượt phải thì ông Hiển phải làm thế nào để vượt xe đi trước mà không phạm luật?
Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:
Điều 13 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải đảm bảo an toàn”.
Khi vượt, các xe phải vượt về phía bên trái và xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.
Trong trường hợp người điều khiển phương tiện xin vượt đã quan sát phía trước xe không có chướng ngại vật và đã có tín hiệu xin vượt nhưng xe phía trước không đi sang phần đường bên phải, thì tùy vào tình hình giao thông và tín hiệu vạch sơn, người điều khiển phương tiện có thể quyết định việc chuyển làn để đảm bảo lưu thông theo tốc độ quy định tại làn đường xe chạy.