Lúc còn là một đứa bé nhỏ xíu, Nguyễn Thị Như ở khu phố Phú Thứ (thị trấn Phú Thứ, Tây Hòa, Phú Yên) thường được người lớn không ngớt lời khen là có khuôn mặt sáng sủa, bụ bẫm giống như búp bê sữa. Chẳng ai ngờ, những lời động viên ấy lại nhanh chóng trở thành nỗi ám ảnh dài lâu với cô gái nhỏ.
Nguyễn Thị Như (ngồi trước) bụ bẫm và khỏe mạnh khi tròn 1 tuổi
Sau một đêm mưa gió tơi bời vào năm lên 2 tuổi, em thức dậy với gương mặt của một người hoàn toàn xa lạ. Toàn bộ khuôn mặt Như bỗng co rúm lại, nhăn nheo như cụ già dẫu tâm hồn em vẫn còn trong vắt những ý nghĩ tuổi thơ.
Mỗi ngày trôi qua, em đều phải nhủ với lòng mình phải vươn dậy giữa những chới với, hoang mang. Với Như, khát vọng có được một cuộc hẹn hò hay một gia đình nhỏ cũng là giấc mơ quá đỗi xa vời.
Không dám soi gương vì hốt hoảng
Như sinh năm 1995, hiện đang là sinh viên năm cuối ngành Công nghệ thông tin (trường Đại học Phú Yên). Hồi ức về những năm tháng tuổi thơ trong Như là chuỗi ngày dày đặc bao nhọc nhằn, mặc cảm nối tiếp nhau. Chưa một ngày nào Như được nếm trải cảm giác vui đùa cùng những người bạn đồng trang lứa với mình.
Như bảo, kể từ khi lên 6 - 7 tuổi, bắt đầu có nhận thức và ghi nhớ được nhiều sự việc thì cũng là lúc em lại thấy giật mình thon thót mỗi lần soi gương. Nhìn thấy gương là lại phải ngoảnh mặt đi nơi khác cho những giọt nước mắt khỏi tuôn rơi.
Sau đêm mưa kinh hoàng năm 2 tuổi, cô bé Như (bên trái) vụt biến thành người khác với gương mặt nhăn nheo như bà cụ 80 tuổi
Gương mặt khác lạ ấy khiến bạn bè quanh khu Phú Thứ cứ thấy Như là lấm lét bảo bà già, có đứa còn bảo Như là ma quái, yêu quỷ rồi hắt hủi em. Sức ép từ những dè bỉu đeo bám suốt thời thơ ấu càng khiến em sợ hãi mỗi khi đứng trước gương.
Gia đình cũng ngầm hiểu ý con nên đã sớm thu dọn hết gương khỏi phòng Như và thường xuyên động viên em rằng, chẳng mấy chốc nữa khuôn mặt sẽ trở lại bình thường thôi. Có lẽ trong thâm tâm, những người làm bố làm mẹ cũng tự nuôi hy vọng rằng tất cả chỉ là sự cố, là trò đùa của một đêm lạ lùng thôi, rồi con gái họ sẽ lại xinh đẹp, sẽ không sao cả, sẽ trở về với dáng vẻ tuổi thơ như bao bạn bè cùng trang lứa khác.
Tự nhủ là thế nên đã bao lần nước mắt của bố mẹ Như lại chảy ngược vào trong. Láng máng hiểu đến nỗi đau của bố mẹ, trong nhận thức non nớt của tuổi thơ, Như bắt đầu biết tự vươn lên trong cuộc sống.
Tự nhắc mình phải cố gắng vươn lên nhưng Như vẫn hết sức rụt rè khi tiếp xúc với người lạ
Qua lớp 1 rồi lên lớp 2, em quyết bỏ lại phía sau bao hoài nghi, mặc cảm để vươn đến những trang vở lúc nào cũng âm ẩm vì ngấm đầy nước mắt. Hy vọng mong manh nhưng em cũng cứ phải dặn lòng tin vào phép màu về một đêm diệu kỳ lại sẽ đến như bố mẹ mình vẫn nói.
Và dường như, phép màu le lói ấy không chỉ hằn vào ý nghĩ của Như mà cả những người thân của em nữa. Trong cuộc trò chuyện với PV suốt buổi chiều một ngày cuối năm 2016, ông Nguyễn Bình (cha ruột của Như) liên tục đưa tay quệt vội những giọt nước mắt lăn xuống hai hõm má sạm đen vì kham khổ, nắng gió.
Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, cũ kỹ của vợ chồng ông, chẳng còn gì đáng giá ngoài cái quạt điện, tivi và chiếc tủ nằm. Ông Bình kể, những ngày mưa bão chỉ lo nhà sụp, mỗi lần thấy gió cuốn qua mái nhà là cứ run cầm cập.
“Hai vợ chồng sinh được 3 đứa con, Như là đứa thứ 2. Lúc mới sinh ra, Như khỏe mạnh và bụ bẫm nhất nhà, chẳng quấy khóc bao giờ mà ăn nhiều, ngủ ngoan, lớn nhanh. Hàng xóm ai thấy cũng khen cháu kháu khỉnh và khỏe mạnh.
Lên hơn 1 tuổi là Như đi vững, nói thạo, ê a gọi ba mẹ suốt ngày. Cả nhà luôn tràn ngập niềm vui, ấm áp. Ấy vậy mà sự ấm áp đó chỉ như một tia chớp nhoáng qua rồi đi mãi.
Cũng vào một ngày cuối năm thế này, Như không có biểu hiện bệnh tật gì nhưng khi thức dậy, khuôn mặt cháu bỗng biến thành bà lão. Đó là vào khoảng năm 1997” – ông Bình xót xa nhớ lại.
Nhìn thấy con lòng lại như xát muối
Những ngày đầu khi gương mặt Như mới biến đổi, vừa nhìn thấy con là ông Bình cũng hốt hoảng, mãi mới bình tâm lại được. Hàng xóm, họ hàng cũng xúm đến xem và không ngớt bàn tán về cái đêm kỳ lạ đã biến khuôn mặt một đứa trẻ thành bà cụ như thế.
Mỗi khi trời trở gió bấc, da mặt Như càng nhăn nheo hơn
Ban đầu, gia đình ông Bình giấu con và dặn mọi người xung quanh đừng nói vội. Nhưng càng lớn lên, Như càng có nhu cầu nhìn ngắm khuôn mặt mình nên không thể giấu mãi được.
Ông Bình thảng thốt cho biết: “Đêm đó cháu Như không hề quấy khóc, cũng không có sự bất thường nào của thời tiết. Khó hiểu quá! Vợ chồng tôi và mấy đứa con cứ ôm nhau cầu trời rằng đó chỉ là trò đùa trong chốc lát của tạo hóa, ông trời đang trêu ngươi mà thôi. Nhưng cầu mãi cho đến giờ cũng vô vọng. Cái đêm hôm ấy thật ám ảnh và kinh hoàng, đi cả vào những giấc mộng của gia đình tôi”.
Ôm ấp hy vọng xua tan dần cái đêm ám ảnh ấy, con đường từ con hẻm Phú Thứ đến các bệnh viện ở Biên Hòa, TP.HCM, Tuy Hòa là những hành trình tràn đầy nước mắt của gia đình ông Bình. Ông nấc nghẹn phân bua: “Gia đình tôi cả đời ăn ở hiền lành, nào có làm điều gì sai quấy với ai đâu, vậy mà cháu lại không may bị như vậy. Cả họ hàng 2 bên không ai bị căn bệnh quái quỷ ấy hết.
Mấy năm đầu, cả nhà dốc hết sức lực và tiền của đi chữa trị cho Như, cứ nghe đâu có thầy giỏi, thuốc hay là tìm đến ngay. Nhưng có chỗ chỉ nói chung chung, có chỗ lại lắc đầu không đoán ra được bệnh gì cả, có chỗ thì bắt mua cả bao tải thuốc lá, uống vào vẫn vậy. Ám ảnh nhất là lần gần đây, ông Bình mang con gái đi chữa bệnh mà người ta còn hỏi: “Thế chị gái ông à, chắc phải ngoài 60 tuổi rồi nhỉ?”. Nghe thế, ông Bình càng thấy lòng nghẹn đắng và thương con gái mình hơn.
Những chuyến đi chữa bệnh cũng khiến cho các vật dụng giá trị trong nhà ông Bình cứ lần lượt theo nhau đi. Đến giờ, cả gia tài của vợ chồng ông chỉ còn chiếc xe máy cũ kỹ, đi lại sợ tốn xăng nên phải tiết kiệm từng nghìn lẻ một để nuôi tiếp khát vọng đưa khuôn mặt con gái quay về với tuổi thực của mình.
Cùng nỗi đau, cùng niềm ao ước trả lại cho con gái khuôn mặt sáng sủa năm nào là mẹ Như. Mỗi lần lật giở tấm hình chụp khi Nguyễn Thị Như mới thôi nôi, mẹ ruột em là bà Đào Thị Tứ cũng trỗi dậy những tâm tư ngậm ngùi.
Trong những lời tâm sự với PV, giọng bà liên tục ngắt quãng vì nghẹn nấc. Bà nói: “Như giỏi giang và làm được nhiều việc lắm. Từ nhỏ cháu đã tự tập đi xe đạp. Lắm khi thương bố mẹ lại bị bạn bè ghẻ lạnh, về đến nhà là Như tự trốn vào góc phòng gào khóc một lúc rồi thôi. Có những hôm học thêm chỗ này, chỗ khác phải đạp chiếc xe cọc cạch, cũ kỹ đi mấy chục km nhưng vừa về nhà là Như lại lao vào giúp bố mẹ làm công việc vặt”.
Dù cạn kiệt cả sức khỏe và tiền bạc để chữa chạy cho con, vợ chồng ông Bình – bà Tứ vẫn nuôi hy vọng vào một phép màu
“Nhiều đêm, hai vợ chồng già vò võ với nhau, xem hình con ngày 1 tuổi còn bụ bẫm, da dẻ mịn màng láng bóng mà như đứt từng khúc ruột. Tôi cứ rảnh là đi khắp nơi hỏi về căn bệnh lạ của cháu; còn ông Bình thì đi chặt mía, vác mía thuê, cả ngày tằn tiện để nuôi hy vọng chữa bệnh cho Như” – bà Tứ buồn bã kể.
Thế nhưng, từng ngày trôi qua, hy vọng nhỏ nhoi ấy cứ mãi xa vời mà sức khỏe vợ chồng ông Bình, bà Tứ lại ngày càng cạn kiệt.
Nhớ lại chuỗi ngày tháng gian khổ mà phập phồng những hy vọng ấy, Nguyễn Thị Như trĩu nặng nỗi buồn. Em kể trong nỗi thấp thỏm rằng: “Ai cũng có khuôn mặt của riêng mình, điều gây ấn tượng đầu tiên và sâu đậm nhất cũng là khuôn mặt, vậy mà em lại xui xẻo đến vậy.
Nhiều đêm nghe tiếng bố mẹ khóc nấc sau khi đã lam lũ làm việc cả ngày để lấy tiền chữa bệnh cho em, em chỉ muốn biến mất thôi. Nhưng nghĩ làm như thế là phụ lòng bố mẹ nên em càng cố gắng học giỏi, quyết tâm không bao giờ học dân lập hay bán công mà phải học những trường công lập đàng hoàng”.
Học khá giỏi lại có chí vươn lên, Nguyễn Thị Như mơ ước được làm việc tại tỉnh nhà
Từ những suy nghĩ ấy, dù ngày nào đi học cũng bị bạn bè chê là “yêu quái”, là “hủi” nhưng Như không nản chí, em học ngày học đêm và liên tục là học sinh khá giỏi suốt 12 năm phổ thông và thi đỗ trường Đại học Phú Yên. Đến nay, Như đã chớm tuổi 22 và chưa bao giờ ngừng khát vọng có được một gương mặt bình thường như bao người khác.