Năm 2018, Phạm Thùy Linh (SN 1991, ở Hoàng Mai, Hà Nội) nhìn thấy một bé gái gầy gò, thân hình chi chít vết lở, đứng bơ vơ trước cổng trường mầm non nơi cô dạy học.
Linh tìm hiểu và được biết bé gái đó tên Phương hỏi han về nhà của em ở phố Kim Ngưu (Hai Bà Trưng). Đó là một ngôi nhà nhỏ, nghèo. Bố Phương đã mất. Mẹ Phương làm nghề bán bóng bay dạo, không đủ tiền và thời gian để chăm sóc em.
"Năm đó, Phương 8 tuổi nhưng chỉ nặng 15kg. Ngoài bệnh viêm da cơ địa, mẹ em nói, em còn mắc chứng tăng động. Những lúc lên cơn, em thường la hét, đánh cả mẹ", Linh nhớ lại.
Nhìn cô bé bệnh tật, không ai dám lại gần, không được đi học, Thùy Linh rất thương. Cô giáo mầm non đã quyết định đưa em về nhà mình để chăm sóc, dạy học.
Tuy nhiên quyết định của cô không phải ai cũng ủng hộ. Hàng xóm dị nghị khi một cô gái chưa lập gia đình, lại nhận chăm sóc một đứa trẻ bệnh tật, nhem nhuốc.
"Lần đầu tiên, tôi đưa Phương về và dạy học trong phòng. Mẹ tôi vào, nhìn thấy cảnh đấy đã la ầm lên. Sợ trẻ con nghe được sẽ suy nghĩ, tủi thân, tôi bảo mẹ sang phòng khác để nói chuyện. Hai mẹ con to tiếng. Mẹ vẫn nhất định phản đối", Linh kể.
Để thuyết phục mẹ, Linh nhờ đến bà ngoại. Cuối cùng, mẹ cô giáo cũng chấp nhận.
Trong khi Phương tập đọc, viết, cô giáo vào bếp nấu cơm cho em ăn. Sau đó tắm rửa, cho em uống thuốc. Vào buổi tối, Linh có lớp dạy Aerobic vì vậy hai cô trò lại đèo nhau ra điểm dạy.Thế là hằng ngày, Linh đi dạy học ở trường, buổi chiều cô đón Phương về nhà mình. Với những ngày được nghỉ, từ sáng Linh đã sang đón em.
‘Với những em bé mắc chứng tự kỷ, tăng động điều trị bằng hội họa và âm nhạc rất hiệu quả. May mắn tôi dạy nhảy Aerobic nên cho bé theo để xem, nghe nhạc.
Những lúc tôi dạy, Phương cũng có thể chơi với 1 bạn là con chị bán nước gần đó. Việc có bạn mới, được giao tiếp khiến Phương vui hơn. Bởi trước đó, Phương bị bệnh, nhìn bề ngoài nhiều người sợ hãi, không cho con lại gần nên em có ít bạn’, Linh nói.
Nhớ lại quãng thời gian mới đón Phương về, Thùy Linh chia sẻ: "Toàn thân em lở loét. Thời gian đầu, tôi cho em uống các loại vitamin C, vitamin tổng hợp để tăng sức đề kháng. Sau đó tôi cho em uống thuốc và ăn đủ chất. Hiện, trên người em đã bớt vết lở loét, sức khỏe em cũng đã tốt hơn".
Nhưng khó khăn nhất với Thùy Linh là việc dạy cô bé này về nề nếp, cách giao tiếp.
Linh bắt đầu dạy cho em từ cái nhỏ nhất. Ví dụ như việc ăn xong phải biết lau miệng, đánh răng; đi vệ sinh phải biết gọi… Thời gian đầu, em thường chửi bậy, nói trống không nhưng hiện tại em không còn như vậy, gặp người lớn biết chủ động chào hỏi.
Khi được đón về nhà cô Linh, em biết tự vào nhà rửa chân, tay, sau đó lên phòng lấy sách vở ra để học bài. Học xong em biết tự giác cất sách vào đúng chỗ, không còn vứt ngổn ngang như trước.
Việc dạy đọc, viết cho Phương cũng là một nỗ lực của cô giáo 9x. "Với các bạn nhỏ khác, chỉ cần dạy vài tháng là có thể đọc, viết cơ bản nhưng Phương không được như vậy. Sau 1 năm, bạn ấy mới thuộc hết bảng chữ cái. Tuy nhiên, tôi vẫn sẽ dạy đến khi nào em có thể đọc, viết được", Linh nói thêm.
Thùy Linh nói, cô là người khá bướng bỉnh, từng có nhiều quyết định khiến gia đình đau đầu. Trước đó vào năm 2010, đang học tại một trường trung cấp an ninh, cô quyết định nghỉ học để theo đuổi nghiệp Sư phạm. Lý do ‘yêu trẻ con’ cô đưa ra không xoa dịu được sự phản đối của gia đình.
"Đến giờ, bố mẹ vẫn trách nhưng tôi muốn được làm công việc mình yêu thích", Linh nói.
Khi nhận dạy học, chăm sóc Phương, nhiều người cũng suy nghĩ, sau này lập gia đình Linh không thể đồng hành cùng cô bé mãi. Tuy nhiên, cô gái Hà Nội khẳng định, cô vẫn sẽ dạy, chăm sóc Phương.
"Hiện, ngày nào tôi cũng đón Phương về nhà để ăn uống, tắm giặt và dạy học, sau này nếu bận cũng sẽ cố gắng để đón em ấy 3 buổi/tuần. Mọi người biết, ủng hộ vật chất nhiều nhưng tôi kiên quyết không nhận. Tôi chỉ muốn Phương biết đọc viết thành thạo để em có thể giao tiếp, hòa nhập tốt hơn trong cuộc sống sau này", Linh chia sẻ thêm.