Nhiều tháng nay, người đi đường qua ngã tư Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Đình Chiểu (TP. Hồ Chí Minh) khoảng 0g mỗi ngày đều thấy một phụ nữ trẻ tầm 25-30 tuổi, quỳ xin tiền ở đó, dù có đêm trời mưa tầm tã.
Dù trời mưa cô vẫn mặc áo mưa quỳ giữa lòng đường để xin tiền (nguồn: internet).
Cô gái có mái tóc ngắn được cắt tỉa gọn gàng nhưng quần áo thì rách tả tơi nhiều chỗ. Cô quỳ ngay giữa lòng đường, chỗ dừng đèn đỏ, với dáng vẻ tiều tụy, thảm não. Đã có rất nhiều người dừng xe chờ đèn đỏ thấy bộ dạng đáng thương của cô như vậy đã ghé vào cho tiền.
Trời nắng cũng như trời mưa, cô đều có mặt ở đây để xin tiền với cớ là "mua bỉm sữa cho con", ngày mưa thì cô mặc áo mưa và xin tiền tiếp.
Mặc dù nhiều người thương cảm cho tiền nhưng cũng không ít người khó chịu, có người còn góp ý: "Chị lên vỉa hè đi, ngồi đây lỡ xe đụng...".
Nhiều người đi qua đây thường hay chỉ chỏ khi chứng kiến cảnh thảm hại này, đặc biệt là người nước ngoài. Thấy vậy, một bà cụ đã nói thẳng với chị phụ nữ quỳ xin tiền: "Chị coi còn khỏe quá sao quỳ ăn xin chi cho khổ vậy; người nước ngoài họ ngó kỳ lắm".
Trước sự việc, trên nhiều người sống xung quanh đó cho biết, cô ta "khoe" mỗi đêm kiếm được triệu mấy, hôm nào "trúng" thì trên dưới 2 triệu đồng. Tiền lẻ nhiều, cô ta ra mấy quán ăn, quán nước gần đó vừa ăn uống vừa đổi tiền.
Mỗi tháng cô gái kiếm được 30 - 40 triệu đồng nhờ vào việc quỳ xin tiền (nguồn: internet).
"Quỳ vậy xin được nhiều tiền lắm. Mỗi tháng cổ (cô ấy) kiếm từ 30-40 triệu đồng, hơn gấp mấy lần tui bán cà phê từ chiều cho tới khuya" - một chị bán cà phê đêm gần đó cho biết về vị khách khá quen lâu nay của quán mình.
Đó không phải là trường hợp cá biệt hiện nay. Chỉ có điều hình ảnh quỳ giữa đường phố với áo quần tơi tả để xin tiền chắc chắn không phản ánh đúng thực trạng "kiếm tiền mua sữa nuôi con" như người phụ nữ này giải thích.
Mặc dù TP. Hồ Chí Minh đã tập trung người ăn xin không nơi cư trú và lang thang từ cuối năm 2014, nhưng hiện nay, hiện tượng này vẫn cứ ngờ ngờ xuất hiện với nhiều biến tướng: xin tiền ban đêm (vì giờ này cơ quan tập trung người ăn xin ít xuất hiện); xin tiền bằng những gánh ve chai ngụy tạo (có lẽ để đối phó với cơ quan chức năng) trên các cây cầu, như cầu chữ Y chẳng hạn...