Sau khi tốt nghiệp đại học, cô giáo Minh Tâm về công tác tại một trường học ở huyện với nhiều ước mơ và hoài bão của tuổi 22. Một năm sau, tai họa từ một chiếc xe tải bất ngờ ập đến khiến cô giáo Minh Tâm mất đi một chân.
Nhớ lại ký ức đau lòng đó, cô Minh Tâm tâm sự: “Tai nạn hôm đó thật kinh khủng. Một chiếc xe tải lên dốc và bất ngờ bị tụt dốc, trong khi đó tôi đang chạy phía sau. Hậu quả là chân trái của tôi bị dập nát, không thể nào cứu được. Tôi phải tháo khớp gối và hiện đang mang chân giả.
Lúc đó, tôi chỉ mới 23 tuổi - độ tuổi đẹp của người con gái. Là giáo viên mới ra trường, tôi có nhiều tâm huyết, ước mơ và hoài bão, luôn mong muốn có thể truyền đạt kiến thức cũng như đồng hành cùng các em học sinh trong quá trình trưởng thành. Nhưng chỉ trong phút chốc, tôi mất hoàn toàn một chân và phải dùng đến chân giả.
Ban đầu, tôi rất sốc và không cam tâm. Tại sao tai nạn như thế lại đến với mình? Phải thừa nhận lúc đó, tôi không dám đối diện với sự thật. Nhiều đêm, tôi chỉ biết nằm khóc một mình”.
Cô giáo Minh Tâm chia sẻ thêm: “Hoàn cảnh gia đình của tôi ở thời điểm đó cũng khá khó khăn. Tôi ở với mẹ, mẹ đã già. Tôi còn là lao động chính của gia đình. Từ một người lành lặn bỗng chốc trở thành người khuyết tật, tôi phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thử thách. Việc đầu tiên là tôi phải tập sử dụng nạn, làm quen với chân giả. Đó là điều không hề đơn giản, rất đau và dễ bị ngã. Người ta gặp tôi với dáng đi khập khiễng, đang làm việc gì đó cũng phải dừng lại và nhìn chằm chằm vào tôi. Người ta nói “Con nhỏ cụt giò kìa”. Lúc đó, tôi phải nén cảm xúc của mình lại và quay lưng đi. Về nhà vào những lúc không có ai, tôi khóc một mình”.
Nhờ sự động viên của người thân, bạn bè và học sinh, cô giáo Minh Tâm mạnh mẽ vượt qua. Cô giáo Minh Tâm bày tỏ: “Nếu cứ buồn bã và chán nản, tôi thấy mình sống hơi ích kỷ. Tôi chỉ nghĩ cho cảm xúc của mình thôi. Trong khi đó, mọi người vẫn quan tâm mình. Điều đó trở thành động lực để tôi đứng dậy. Mong muốn được cống hiến cho ngành giáo dục trong tôi lúc đó lại trỗi dậy mạnh hơn rất nhiều”.
Nhớ lại những kỷ niệm khó quên trong quá trình đồng hành cùng học sinh, cô giáo Minh Tâm xúc động kể về những ngày đầu đến ngôi trường mới công tác. Cô được nhà trường sắp xếp cho công việc ở văn phòng, ít di chuyển. Thế nhưng, cô vẫn mong muốn được đứng trên bục giảng, đồng hành cùng học sinh.
Thay thế một giáo viên đã đứng lớp trước đó, cô giáo Minh Tâm bất ngờ bị phản đối. Một học sinh viết thư gửi lên ban giám hiệu nhà trường bày tỏ mong muốn được học cùng giáo viên cũ với lý do “đã quen”. Điều này làm cho cô khá chạnh lòng và tổn thương. Lúc đó, cô rất nhạy cảm và dễ xúc động. Sau khi đến lớp và chia sẻ câu chuyện của mình, cô trò bắt đầu hiểu nhau hơn. Một học sinh đại diện cho lớp viết thư bày tỏ tấm lòng dành cho cô. Đến bây giờ, cô vẫn giữ nguyên lá thư ấy và vô cùng xúc động mỗi khi nhắc về kỷ niệm khó quên này.
Bên cạnh công việc giảng dạy, Minh Tâm rất tích cực làm công tác thiện nguyện. Cô chủ động tìm đến những người không may, bị khuyết tật giống mình để truyền cảm hứng và động lực trong cuộc sống, nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng.