Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với những vi phạm của ông Trịnh Xuân Thanh đã củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Ngoài cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh, cán bộ, người dân vùng ĐBSCL đề nghị xem xét, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân liên quan đến việc đề bạt, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh bất chấp việc ông này không đủ tiêu chuẩn, điều kiện.
Ông Trịnh Xuân Thanh thời kỳ làm Bí thư đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) - Ảnh: PVC-MT
Ông Nguyễn Văn Tròn (cán bộ hưu trí ở phường 7, thành phố Vị Thanh) cho rằng, sau chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc, đưa ra kết luận chỉ rõ những sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh là việc làm kịp thời, đem lại niềm tin rất lớn cho người dân đối với Đảng. Sắp tới, ngoài việc Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Trịnh Xuân Thanh, cũng cần xem xét tư cách Đảng viên của ông này.
“Căn cứ điều lệ 19 điều đảng viên không được làm thì ông Thanh vi phạm quá nặng. Là một đảng viên 50 tuổi đảng, tôi thấy ông Thanh không xứng đáng là đảng viên”, ông Tròn nêu ý kiến.
Ông Phạm Thanh Cần (xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh) cho rằng, một cán bộ, đảng viên có nhiều sai phạm như kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương mà vẫn được điều động giữ nhiều chức vụ quan trọng tại nhiều cơ quan, đơn vị là điều không thể chấp nhận được.
“Tại sao sai phạm như vậy không bị kỷ luật lại được lên chức cao hơn, rõ ràng việc bổ nhiệm đó phải xem xét lại. Ông Trịnh Xuân Thanh phải bị kỷ luật, khai trừ đảng để tạo niềm tin trong Đảng. Thứ hai, cũng cần phải xem xét tư cách của những người tham gia bổ nhiệm ông này”, ông Cần kiến nghị.
Đại tá Trần Hùng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Cần Thơ cũng yêu cầu, xem xét, xử lý các tập thể, cá nhân có liên quan đến việc đề bạt, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh.
"Với tinh thần chiến đấu của Đảng, đảm bảo sự trong sạch của Đảng và sự đồng thuận của nhân dân, tạo niềm tin của người dân với Đảng, việc xử lý cán bộ, không chỉ riêng ông Thanh, mà cả những cán bộ đảng viên khác có vi phạm cũng cần phải nghiêm khắc xử lý", Đại tá Trần Hùng nói.
Người dân Hậu Giang theo dõi thông tin về ông Trịnh Xuân Thanh trên báo điện tử
Ông Khưu Ngọc Bẩy (cựu chiến binh ở Phường An Thới, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) đặt vấn đề, với những khuyết điểm, sai phạm mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận, có hay không đường dây "chạy" chức để đưa ông Thanh từ một người quản lý doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng về làm cán bộ và được quy hoạch là lãnh đạo Bộ Công Thương rồi sau đó giữ chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.
"Dư luận người dân rất bất bình trước việc ông Thanh lãnh đạo một đơn vị làm ăn thua lỗ, không thuộc diện Bộ Chính trị điều chuyển nhưng lại được về Bộ Công Thương, rồi về Hậu Giang. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận, như vậy là sự việc đã được xác định, giờ đây cần làm rõ thêm đường dây nào đưa ông Thanh về Bộ Công Thương, rồi Hậu Giang. Phải làm rõ vấn đề này có vậy mới giải quyết được nhiều việc khác nữa, nhất là trong tình hình đất nước hiện nay", ông Bẩy kiến nghị.
Đã qua nhiều đợt củng cố, xây dựng Đảng và chính quyền nhưng tại sao một số cán bộ có chức có quyền có thể sử dụng quyền lực cùng với bộ máy được giao để mưu cầu lợi ích cá nhân, lộng quyền, vi phạm pháp luật? Đó là vì quyền lực giao cho họ nhưng không kiểm soát, dẫn tới không phát hiện và xử lý kịp thời sai phạm. Quyền lực Nhà nước phải được tập trung nhưng cũng vì thế phải được kiểm soát chặt chẽ. Chỉ khi đó, mới không có những trường tương tự như ông Trịnh Xuân Thanh.