Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cơ hội để các chức danh tự soi, tự sửa, không phải là đánh giá “đóng đinh”

(Dân sinh) - Trao đổi với báo chí bên lề hành lang Quốc hội, các đại biểu đánh giá, đây là cơ hội để các chức danh tự soi, tự sửa, thúc đẩy ngành đi lên, không phải là đánh giá “đóng đinh”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp.

Chiều 25/10, Quốc hội đã công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Bên lề kỳ họp, các đại biểu Quốc hội cho rằng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa được công bố đã đánh giá khách quan, trung thực về kết quả đạt được trên các lĩnh vực của những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Đây không chỉ là sự ghi nhận, đánh giá, mà còn là gửi gắm kỳ vọng của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, nhân dân và cử tri đối với các bộ trưởng, trưởng ngành trong thời gian tới.

Về kết quả lấy phiếu tín nhiệm, các đại biểu cho rằng, các ngành, lĩnh vực trực tiếp tác động đến đời sống của người dân, doanh nghiệp như: VH-TT&DL, Y tế, Khoa học công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Công thương... có nhiều “phiếu tín nhiệm thấp” chứng tỏ đây là những lĩnh vực người dân và các đại biểu Quốc hội quan tâm, đòi hỏi phải có những nỗ lực hơn nữa để khắc phục và đáp ứng yêu cầu của nhân dân và cử tri.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) cho rằng, kết quả đánh giá chỉ là bước đầu. Để có cái nhìn thấu đáo, kỹ lưỡng, cần tiếp tục hướng về phía trước.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ là thông số để mỗi cá nhân được lấy phiếu tín nhiệm lần này có thêm cơ sở hoạch định chiến lược, lên kế hoạch hoàn thành tốt hơn nữa công việc của mình và cũng hình dung hơn kỳ vọng của đại biểu và cử tri để nỗ lực trong nửa nhiệm kỳ còn lại.

"Đó không phải là đánh giá “đóng đinh” mà vẫn nhìn về phía trước, tháo gỡ để thúc đẩy từng ngành, từng lĩnh vực đi lên. Tôi tin vào bản lĩnh của từng cá nhân được lấy phiếu tín nhiệm, tin tưởng sự đánh giá công tâm của các đại biểu Quốc hội cũng như cách nhìn nhận của hệ thống chính trị chúng ta", đại biểu Nghĩa nói.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, số phiếu tín nhiệm không phải là đánh giá “đóng đinh”, mà vẫn nhìn về phía trước, tháo gỡ để thúc đẩy từng ngành đi lên.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, số phiếu tín nhiệm không phải là đánh giá “đóng đinh”, mà vẫn nhìn về phía trước, tháo gỡ để thúc đẩy từng ngành đi lên.

Theo đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai), đánh giá của các đại biểu Quốc hội đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn không chỉ dựa trên báo cáo kết quả công tác mà còn dựa trên rất nhiều kênh khác nhau, đặc biệt qua các thông tin tìm hiểu của từng đại biểu.

Đánh giá cao kết quả bỏ phiếu lần này, đại biểu cho rằng, kết quả đã phản ánh đúng những nỗ lực của 44 cá nhân được lấy phiếu tín nhiệm, bởi sau 2 năm ảnh hưởng do dịch COVID-19, nhiều vấn đề đòi hỏi phải giải quyết quyết liệt hơn.

"Kết quả này sẽ tác động tới công tác điều hành của các Tư lệnh ngành từ nay đến cuối nhiệm kỳ", đại biểu Trịnh Xuân An nói.

Các đại biểu Quốc hội trả lời phỏng vấn của phóng viên báo chí bên lề phiên họp.

Các đại biểu Quốc hội trả lời phỏng vấn của phóng viên báo chí bên lề phiên họp.

Còn đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh chia sẻ, kết quả lấy phiếu tín nhiệm hôm nay thể hiện Quốc hội đã hết sức thẳng thắn, khách quan, nhìn nhận trung thực về kết quả đạt được trên những lĩnh vực mà các đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm phụ trách.

Các cá nhân dù ở lĩnh vực nào thì khi làm sẽ có vướng, có sai, có hạn chế. Cho nên việc đánh giá tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp là đương nhiên.

"Tuy nhiên, tôi cho rằng, các chức danh thuộc Quốc hội có phiếu tín nhiệm thấp ít hơn các khối khác đã thể hiện sự nỗ lực của các chức danh trong việc hoàn thiện mình, hoàn thành nhiệm vụ được giao, phục vụ tốt nhất cho cử tri", nữ đại biểu nói.

Bà Hoàng Thị Thanh Thúy trao đổi thêm, các chức danh phụ trách 4 lĩnh vực: Giáo dục và Đào tạo, Công thương, Thông tin truyền thông, và Khoa học công nghệ nhận số phiếu tín nhiệm thấp cao hơn các lĩnh vực khác cho thấy, đây những lĩnh vực còn một số hạn chế nhất định, mà những hạn chế này có ảnh hưởng và được cử tri rất quan tâm. 

"Sau lần lấy phiếu tín nhiệm này, đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát, theo dõi kết quả hoạt động, điều hành ngành, lĩnh vực của các chức danh. Đồng thời, các đại biểu sẽ tham gia nhiều hơn nữa chất vấn, đặt vấn đề với các bộ trưởng, kỳ vọng có sự thay đổi, đi lên của từng ngành, từng lĩnh vực để có đánh giá phù hợp hơn trước những nỗ lực của họ", đại biểu đoàn Tây Ninh nhấn mạnh.