Trong khuôn khổ của chương trình triển lãm quốc tế cho ngành công nghiệp điện tử Nepcon Vietnam 2016, nhà tổ chức Reed Tradex phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) tổ chức hội thảo “Phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua cơ hội và lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”. Bà Trương Thị Chí Bình, Giám đốc trung tâm phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (SIDEC), Viện Nghiên cứu Chiến lược, thuộc Bộ Công Thương chia sẻ về cơ hội và thách thức cho ngành công nghiệp Việt Nam trên đấu trường quốc tế như sau: “Sự tham gia của những FTA mới sẽ tạo điều kiện thâm nhập vào những thị trường mới, rộng lớn hơn cho Việt Nam, ví dụ như RCEP với dự tính sẽ có hiệu lực vào năm 2017, 65% danh mục sản phẩm với 8,000-9,000 loại sản phẩm sẽ được miễn giảm thuế. Điều này sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn những linh kiện và bộ phận thay thế.”
Thực tế cho thấy, sự gia tăng nguồn vốn FDI tập trung vào ngành công nghiệp sản xuất, đồng nghĩa với nhiều cơ hội sẽ mở ra cho các công ty Việt Nam thâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng mặt khác, các nhà sản xuất Việt Nam cũng cần chuẩn bị để đối đầu với sự cạnh tranh cao hơn từ những thị trường tương đồng, trong khi các tiêu chuẩn chất lượng, hàm lượng xuất xứ, biện pháp phòng vệ thương mại sẽ trở nên gắt gao hơn khi rào cản thuế quan không còn. Chi phí nhân công cũng cần được xem xét khi mà lợi ích của người lao động sẽ được tập trung quản lý trong khuôn khổ của hiệp định TPP.
Bên cạnh đó, Nhà nước ta đã ban hành hàng loạt văn bản nhằm đẩy mạnh việc phát triển công nghiệp hỗ trợ như: Quyết định 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ; Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 26/8/2011, về Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; Quyết định số 1556/QĐ-TTg ngày 17/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực vực công nghiệp hỗ trợ”; Đặc biệt mới đây nhất là Nghị định số 111/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nghị định đã đặt ra hàng loạt giải pháp phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT), nhất là việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp sáng tạo
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, ngành công nghiệp điển tử Việt Nam nói chung và các nhà sản xuất nói riêng, có thể nắm bắt thời cơ để phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ khi mà thuế nhập khẩu sẽ được miễn giảm đối cho hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư; đồng thời cũng có được những thuận lợi từ việc nhập nguyên vật liệu
Ông Isara Burintramart, Giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex nhấn mạnh “Những hiệp định FTA mới có phạm vi rộng lớn hơn về nội dung cam kết thương mại, dịch vụ và đầu tư. Tham gia các FTA, Việt Nam có cơ hội để tái cơ cấu xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Với tác động nhiều hơn của các FTA, xuất khẩu của Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng, tuy nhiên, cũng sẽ có những thử thách mà Việt Nam phải đối mặt như việc chống phá giá và chống trợ cấp".