Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cổ kính rạng ngời Bhamour

 
Ngôi đền Manimahesh từ thế kỷ 7 vẫn sừng sững rạng ngời.
 
 
Chạm khắc trên đá vẫn sắc xảo với ngần ấy thời gian và gió tuyết.
 
 
Chạm trổ tinh xảo trên thiết mộc vẫn sắc nét sau bao nhiêu thời gian.
 
Nằm trong thung lũng cao bình quân 2.200m, cao hơn đỉnh Lang Biang chót vót, Bhamour giờ nhỏ xíu (chỉ “dăm-ba-phút-đã-về-chỗ-cũ”), ngày xưa đã từng là kinh đô của triều đại Brahmpura từ năm 690 đến 920. Bhamour hiểm trở nằm chen giữa hai rặng Dhauladhar và Pir-Panjal hùng vĩ của dãy Himalaya. Nương đồi, đồng đất ở đây được dòng Bhudi uốn lượn viền quanh cung cấp nước. Nguồn nước này dường như vô tận đổ về từ những sông băng núi tuyết thượng nguồn. Còn những vách núi nghiêng cao giúp phòng vệ từ xa… Đây là các lý do Bharmour được chọn làm kinh đô những ngày còn nhiều rối ren chinh chiến giữa các tiểu quốc trong vùng. Nhưng khi hòa bình lập lại, nó lại là lý do cản trở sự phát triển mở rộng thêm phố phường nên kinh thành đã được dời đi, để lại cho rẻo cao nhiều đền xưa đài cũ. Trải qua hàng ngàn năm tuổi, đến giờ, những đền đài vẫn rất rạng rỡ,  người cố đô vẫn giữ nếp sống nhàn nhã, bặt thiệp, dù nghề chính của người dân xứ này vẫn là nông nghiệp và chăn nuôi. Bhamour còn có cả những cánh rừng xanh ngắt bên những triền đá hoa cương nhiều sắc, núi tuyết trắng già xa xa, một gương hồ xanh long lanh… Vì vậy, Bhamour được ca tụng, khi là miền Tiểu Thụy Sỹ, lúc khác là Miền đất của thần thánh...   
 
 
Những con đường đèo dốc zích zắc lưng chừng 2.000m đến với Bhamour.
 
 
Lũ kỳ nhông to đùng thong dong hóng nắng ở Bharmour.
 
Bhamour được ca tụng là “Miền đất của thần thánh” bởi vì ở đây vẫn đong đầy nhiều câu chuyện thật lẫn huyền thoại. Rằng đây là nơi cư ngụ của đấng hủy diệt Shiva theo Ấn giáo. Rằng chuyện vua Sahil Verman có đến 10 hoàng tử là có thật. Nhưng câu chuyện về 84 vị tăng sĩ Ấn giáo đăng đàn khấn nguyện chính ở Bharmour này để cầu tự giúp vua sinh ra các hoàng tử đó thì đan xen nhiều yếu tố huyền ảo. Còn câu chuyện 84 ngôi đền Chaurasia, giờ vẫn còn mấy cái, đã hơn mười thế kỷ vẫn sừng sững là có thật… Cùng với nhiều câu chuyện quanh hồ thiêng ở linh sơn Manimahesh, núi thiêng Kailash (Ngân Sơn – theo Phật giáo) của tín đồ Ấn giáo cũng được xem là có thật. Cho đến tận bây giờ,  bên phố xưa đền đài trầm mặc, bảng lảng sương mây hương khói, không khí thần thoại hư ảo có vẻ vẫn còn rất thắng thế, làm phố núi thêm lung linh, huyền ảo.
 
 
Những xóm làng treo giữa nương đồi bậc thang hun hút.
 
 
Làng quê Bharmour xanh thanh bình, khó có thể tưởng tượng một kinh đô ngày nào.
 
Nhấn nhá cho những đền đài từ thế kỷ thứ 7 như Manimahesh, Ganesha, Narsingha… là những căn nhà sàn mái lợp đá đen lóng lánh, tô thêm nét xưa của những kiến trúc đã rất cổ. Cả những ngôi đền đá lẫn những ngôi đền làm từ gỗ quý vẫn sừng sững qua chừng ấy thời gian sương gió. Những khuôn hình chạm trổ, điêu khắc, những hoa văn tinh xảo trên đá và ngay cả trên thiết mộc… vẫn rạng ngời kể những câu chuyện cổ xưa. Có thể khó nói về tuổi tác của những  đền đài, kiến trúc vì có thể đã qua vài lần trùng tu, sửa chỉnh… nhưng niên đại, tuổi tác của những gốc cổ thụ (dễ xác định bằng nhiều phương pháp, được ghi rõ ở đó) ngàn năm tỏa bóng ôm quanh các ngôi đền cổ, kiến trúc xưa đã phần nào minh chứng cho độ già nua của chúng. 
 
 
Những ngôi nhà nhiều sắc mái lợp đá đen tựa lưng đá núi là những nét nhấn nhá tô sắc thêm Bharmour.
 
 
Con đường cheo leo đến Bharmour được tặng thêm cảnh quan lung linh của dòng Ravi xanh sắc lạ.
 
Tuy nhiên, những nương đồng bậc thang cheo leo, mấy cụm rừng lúc chen với hoa cương đá núi, lúc lơ đãng viền ngọn những dãy núi cao ngất… mới là hậu cảnh khoáng đạt của Bharmour. Tôi đến Bharmour vào những ngày mùa thu trễ tràng. Nương đồng bậc thang quá mảnh mai do triền núi dốc đứng, chạy hun hút từ đỉnh cao xuống đáy sâu thung lũng đã qua mùa hái gặt phơi màu nâu đất dịu dàng. Nhấn nhá thêm bởi vài mảng rau cỏ còn sót, vườn xanh cuối mùa, Bharmour phô phang nét đẹp đơn sơ như miền núi tây bắc mình - dù cheo leo hiểm trở hơn. Và thật khó hình dung một thời kinh đô xưa tấp nập nếu không quay lại với những đền xưa đài cũ lung linh ngay sau lưng mình.
 
Điểm cộng thêm cho Bharmour là phố hiền và thân tình, không chút chát chao. Một mình tôi là du khách trên chiếc xe đò cũ kỹ lọc cọc trườn qua những con đèo dốc zích zắc, luôn được ân cần hỏi han chuyện quê chuyện nhà, đi xe có mệt, có quen ai ở đó mà đi, có chỗ nghỉ ngơi chưa... Quăng gửi balô vào quán không quen, theo chân người lạ hoắc ngược dốc, vào hàng dùng “nhất dương chỉ” gọi món ăn, thức uống giá cũng chỉ vài ngàn đồng Việt, y chang người bản xứ ngồi bàn kế bên… Điều này càng khiến tôi thích hơn, yêu hơn miền đất đẹp Bharmour. Nên tôi buồn lắm trong  buổi chia tay, vì biết rất khó có ngày băng qua những con đèo heo hút hiểm nguy để về lại. Tôi đã ngơ ngẩn mãi suốt buổi ra đi!
 
 
Một mâm thali với 4 món càri đủ vị cũng chỉ vài ngàn đồng.
 
 
Món ngũ cốc rang, trộn gia vị và lắc đều (như món xoài lắc thần thánh hiện nay ở mình) là món ăn chơi được ưa thích ở Bharmour.
 
Bhamour nằm tận cùng con đường độc đạo, mỗi ngày có 2 chuyến xe đến, đi từ phố Chamba cách đó 65km, và một chuyến khác từ Dalhouise cách 107km cũng ngang qua Chamba. Chamba thì ít ai biết, nhưng Tiểu Tây Tạng Dharamsala thì khá nhiều người biết, cách đó 145km, sẽ có nhiều chuyến xe đến đây. Nên uống thuốc chống say xe cho dù chưa từng say xe bao giờ, vì con đường đi vừa dốc, vừa khúc khuỷu, vừa ổ gà ổ voi, vừa ở độ cao làm không khí loãng, dễ mệt. Có lữ điếm cho dân đi bụi ở Bhamour, khoảng 100.000 đồng/phòng. Ăn uống mộc nhưng tươi và rẻ.
 

Trần Thái Hoãn/Tạp chí Gia đình và Trẻ em