Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Có một Nhà báo như thế !

Nhà báo Ngô Văn Hiền (bên phải) cùng ông Ngô Văn Hữu (bố nhà báo Hiền) và vợ chồng con trai và cháu nội

Chủ nhật, ngày 8/11/2015, tôi cùng nhiều đồng nghiệp đến dự chương trình Giao lưu Văn hóa, Giáo dục Đào tạo và Hội nhập Quốc tế 2015, do Tạp chí Dạy và Học ngày nay – Cơ quan Đại diện phía Nam phối hợp cùng Văn phòng Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tại phía Nam tổ chức. Nhà báo Ngô Văn Hiền, Phó Tổng biên tập Tạp chí Dạy và Học ngày nay, Trưởng cơ quan Đại diện phía Nam, Trưởng ban tổ chức chương trình. Gặp PGS. TS Lương Ngọc Toản, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tại khán phòng – nơi tổ chức chương trình, ông đã nói ngay:

- Mình theo dõi chương trình này từ đầu. Sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng, công phu chắc chắn sẽ tạo dấu ấn tốt. Cần ghi công đầu  cho “Tư lệnh”-nhà báo Ngô Văn Hiền.

Nghiệm lời nhận xét của PGS.TS Lương Ngọc Toản, tôi bất ngờ về những gì mà chương trình “Giao lưu Văn hóa, Giáo dục Đào tạo và Hội nhập Quốc tế” diễn ra, đạt được. Cuộc tọa đàm với thời lượng 90 phút về chủ đề: “Cơ hội và thách thức của Việt Nam khi hội nhập vào cộng đồng kinh tế ASEAN” diễn ra khá ấn tượng. Các diễn giả  lý giải nhiều vấn đề cởi mở, sâu sắc, thẳng thắn. Ý kiến của PGS. TS Lương Ngọc Toản; TS - chuyên gia kinh tế  Nguyễn Hữu Nguyên chỉ ra cơ hội và đặc biệt là những thách thức không nhỏ của quá trình hội nhập trong năm 2016. Doanh nhân Nguyễn Thùy Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP tư vấn và đào tạo quản trị tinh thần PROSELF trình bày ngắn gọn về một lĩnh vực đào tạo  mới mà ít người quan tâm, nhưng lại quan trọng, tác động đến sự thành bại trong hoạt động sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp, đó là quản trị tinh thần. Tôi “tâm phục khẩu phục” về con mắt tinh đời của Trưởng ban tổ chức - nhà báo Ngô Văn Hiền đã đưa vào nội dung tọa đàm điều mà các doanh nhân Việt Nam còn ít quan tâm đến.

Chương trình đã tôn vinh Tóp 50 nhân tố điển hình vì sự nghiệp văn hóa, giáo dục Việt Nam; Trao tặng danh hiệu Nhà văn hóa, giáo dục xuất sắc, Ngôi trường đẹp và thân thiện, Chứng nhận thương hiệu uy tín, doanh nhân văn hóa vì cộng đồng – năm 2015; trao tặng 50 suất Học bổng cho các em học sinh nghèo, nhiều phần quà cho  học sinh nghèo vượt khó.

Sau chương trình này, nhà báo Ngô Văn Hiền còn là người khởi xướng và tổ chức cuộc hội thảo “Doanh nhân và nhà giáo với Sự nghiệp Khuyến học – Khuyến tài”, nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11; Trao học bổng và tặng quà học sinh nghèo vượt khó học tập tốt ở vùng sâu, vùng xa khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ… nhân dịp Tết Bính thân-2016. Cựu chiến binh, nhà giáo Dương Văn Đóa, Ủy viên Thường vụ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Giám đốc văn phòng phía Nam đánh giá: “Tạp chí Dạy và Học ngày nay từ tay không mà dựng nên cơ nghiệp, luôn giương cao ngọn cờ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Nhà báo Ngô Văn Hiền đam mê, sáng tạo,luôn đứng ở tuyến đầu, thực hiện nhiều chương trình hoạt động thiết thực, hiệu quả”. Một tạp chí chuyên ngành khuyến học, hoạt động bằng phương thức xã hội hóa, hiện nay mỗi kỳ phát hành gần 10.000 bản, mỗi tháng xuất bản 2 kỳ; Trang Thông tin điện tử với hàng trăm ngàn lượt bạn đọc truy cập mỗi ngày là thành tựu đáng nể trong bối cảnh cạnh tranh thông tin gay gắt hiện nay. Nhà báo Ngô Văn Hiền đã kề vai sát cánh cùng GS.TS Nguyễn Như Ý – vị thuyền trưởng Tổng biên tập đa tài  – góp phần tạo nên diện mạo mới của Tạp chí Dạy và Học ngày nay ở TP. Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam.

Trong cuộc sống riêng và trên đường theo sự nghiệp làm báo, ít ai biết được nhà báo Ngô Văn Hiền đã phải vượt qua bao thử thách. Dù khó khăn ngặt nghèo đến mấy, anh cũng không buông bút, bỏ nghề. Ngô Văn Hiền sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại một làng quê nghèo ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Cha anh tòng quân giết giặc  lúc 18 tuổi. Ông là chiến binh Ngô Văn Hữu, đau đáu tấm lòng kiên trung: “Đã ra trận là chết bỏ, sống mái với quân thù, đã đi là đến đích, đã đánh là  thắng”. Ông dũng cảm, dám chấp nhận hy sinh, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, trưởng thành trong đội hình chiến đấu của Sư đoàn 5 Quân Giải phóng Miền Nam thời đánh Mỹ. Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cựu chiến binh Ngô Văn Hữu chuyển gia đình – kéo theo đàn con nhỏ vào tỉnh Đồng Nai lập nghiệp. Gia đình đông anh em, miệng ăn núi lở, vất vả trăm bề. “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí”, cựu chiến binh Ngô Văn Hữu rèn dũa các con cuộc đời yêu lao động, tự đứng lên bằng bàn tay lao động và đôi chân của mình.  Ngô Văn Hiền, ngày cuốc rẫy, đêm thắp ngọn đèn dầu leo lét học bài. Trời phú cho trí thông minh, nhanh nhẹn, thêm vào đó là tố chất chuyên cần và ý chí đổi đời xứ Nghệ, Ngô Văn Hiền học giỏi  văn và toán. Anh thích viết văn, yêu nghề báo từ bé. Tuổi trưởng thành, Ngô Văn Hiền  trở thành phóng viên báo Sông Bé, sau khi tách tỉnh Sông Bé thành tỉnh Bình Dương và Bình Phước, Ngô Văn Hiền cùng một số nhà báo trẻ tự nguyện theo Tổng biên tập Hoàng Lâm lên Đồng Xoài gây dựng cơ nghiệp mới: Báo Bình Phước.

Tổng biên tập báo Bình Phước, nhà báo Hoàng Lâm, thường nhắc đến phóng viên Ngô Văn Hiền, cấp dưới trực tiếp,  như là một tấm gương sáng về sự chịu thương chịu khó, gan lì và trung thực, trách nhiệm đến cùng với từng con chữ. Có lần xuống cơ sở viết về một vụ tiêu cực trong ngành cao su, Ngô Văn Hiền được một vị chức sắc “ém” cho một bao thư tiền. Dù lúc đó anh và gia đình rất khó khăn, nhưng Ngô Văn Hiền từ chối. Đổi lại, anh có một phóng sự điều tra, đưa vụ tiêu cực này ra ánh sáng. Thế mới biết, chiến binh cha Ngô Văn Hữu đã đào luyện nên một chiến binh - nhà báo con Ngô Văn Hiền khí phách, không bẻ cong ngòi bút để vụ lợi.

Gia đình cư ngụ tại một vùng sâu ở tỉnh Đồng Nai, giáp tỉnh Bình Thuận, Ngô Văn Hiền phóng chiếc xe máy cà tàng về TP. Hồ Chí Minh quyết chí lập thân, lập nghiệp. Anh nói: “Đã dấn thân vào nghề cầm bút, phải lao mình, gắn với trung tâm báo chí năng động và đổi mới ở TP. Hồ Chí Minh”. Cha gắn cuộc đời với binh nghiệp, Ngô Văn Hiền theo tiếng gọi từ trái tim, anh đến thẳng 63. Lý Tự Trọng, xin đầu quân cho báo Quân đội Nhân dân. Thời điểm đó Ngô Văn Hiền chỉ làm việc với tờ báo hàng đầu của quân đội theo chế độ "phóng viên vòng ngoài". Trong tác phẩm “Nghề báo – Nợ đời – tình người”, các bậc đàn anh báo Quân đội nhân dân kể lại: Dù chỉ là "phóng viên vòng ngoài", nhưng Ngô Văn Hiền là một mẫu nhà báo yêu nghề đến lạ. Đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, sau khi hệ thống chủ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và  Đông Âu sụp đổ, những kẻ xu thời, trong đó có một số sĩ quan chế độ cũ, hý hửng: “chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam sớm muộn cũng sụp đổ theo”. Năm 1991, trước thềm Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Ngô Văn Hiền nằm trong nhóm cây bút viết loạt bài về “Thế đứng của chế độ” và “Sức mạnh của đổi mới”. Là người hiểu nghề và say nghề, Ngô Văn Hiền ngày đêm la cà khắp nẻo đường thành phố, gặp đủ mọi đối tượng để tìm “của độc”. Một đêm nọ, anh mang chai  rượu “quốc lủi” vào công viên Tao Đàn – TP. Hồ Chí Minh, la cà trò chuyện với mấy người đạp xích lô, xe thồ, trong đó có 2 sĩ quan chế độ cũ. Vì quá mệt và đã khuya, nhà báo ngủ bụi trên ghế đá, bị kẻ gian lột mất bóp tiền ít ỏi  và chiếc đồng hồ, thậm chí một tên say xỉn còn định “xin anh tí tiết”! Những bài viết của Ngô Văn Hiền và các đồng nghiệp thời kỳ này trên báo Quân đội nhân dân có tiếng vang, được bạn đọc trân trọng, ghi nhận. Lúc đó cuộc sống thiếu thốn, cơm không đủ no, áo không đủ mặc, nhưng Ngô Văn Hiền không lùi bước. Đại tá Nguyễn Vũ Linh, Trưởng cơ quan đại diện báo Quân đội nhân dân lúc đó nghỉ hưu và được phân công làm Phó Tổng biên tập phụ trách phía Nam báo Cựu Chiến Binh Việt Nam. Biết được sức viết và  khả năng “lì” trong tác nghiệp của cộng tác viên Ngô Văn Hiền, Đại tá Nguyễn Vũ Linh  kéo Ngô Văn Hiền đi theo mình. Và những năm tháng dưới trướng bậc đàn anh dầy dạn kinh nghiệm Nguyễn Vũ Linh, Ngô Văn Hiền đã vượt lên chính mình, trở thành một cây bút tin cậy của báo Cựu Chiến Binh Việt Nam.

Sau khi rời Báo Cựu Chiến Binh, Ngô Văn Hiền trở thành Phó Tổng biên tập rồi Tổng biên tập Tạp chí Tri thức và Công nghệ. Không chỉ trưởng thành về  hoạt động phóng viên, biên tập viên, anh còn tích lũy thêm kinh nghiệm quản lý một cơ quan báo chí. Bằng kinh nghiệm, lòng say nghề, tinh thần trách nhiệm của một nhà báo trước thời cuộc, nhận nhiệm vụ Phó Tổng biên tập, Trưởng Cơ quan Đại diện phía Nam Tạp chí Dạy và Học ngày nay, nhà báo Ngô Văn Hiền đã phát huy những thế  mạnh cơ bản, tạo nhiều dấu ấn cho sự phát triển của một ấn phẩm có uy tín của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam. Trong những thành công của tờ báo này, phải kể đến chiến công trong cuộc chiến cam go chống tiêu cực mà Đảng ta đã phát động. Dưới sự chỉ đạo  của Tổng biên tập GS. TS Nguyễn Như Ý, Phó tổng biên tập Ngô Văn Hiền không chỉ “dám chống” mà còn “biết cách chống” tiêu cực sao cho  hiệu quả. “Chống” nhưng  đậm tính nhân văn, lấy “xây” để “chống”, không đao to búa lớn, đủ chứng cứ, biết mười  nói một. Có thể coi đây là bài học nghiệp vụ mang tính tổng kết về những bài viết, người viết chân chính  chống tiêu cực.

Thật thiếu sót khi nói đến Ngô Văn Hiền mà không nhắc đến tâm hồn thơ lãng mạn ẩn dấu từ con tim một người cầm bút. Anh đã có nhiều bài thơ về quê hương, đất nước, cuộc đời được xuất bản thành sách. Thơ Ngô Văn Hiền bộc bạch nỗi lòng một cách dung dị, chân thành, thủy chung. Anh căn dặn các con phải giữ đạo hiếu, kính trọng ông bà: Ngày xưa bà hát ầu ơi / Ru cho bố ngủ tuổi thơ quê nhà / Lời ru ấm giọng dân ca / Đọng trong hồn bố, lan ra cuộc đời / Để nay bố được thành người / Biết đau khổ, biết vui cười thế nhân… Đời người, khi có ngôi nhà mới là cả một hạnh phúc lớn vỡ òa, người Việt dù còn nghèo khó vẫn  thường đạm bạc tổ chức bữa cơm tân gia cảm ơn bà con họ hàng, bè bạn, ra mắt xóm giềng, nhà báo Ngô Văn Hiền mừng ngôi nhà mới: Có nhà mới rồi / Ta càng phải phấn đấu nhiều nhiều nữa / Nghề nghiệp phải nâng cao / Sự nghiệp phải tiến lên / Giữ vững lòng son … Đêm dài thao thức nhớ Mẹ, Ngô Văn Hiền xúc cảm thành lời: Thương mẹ nhiều sao con nỡ ngồi yên / Dù phong ba bão tố giữa trời đêm / Con luôn có Đảng trong trái tim và Mẹ …


Một buổi chiều giữa tháng 11/2015, tôi gặp và trò chuyện với Đại tá nhà báo Phạm Đình Trọng, sếp cũ của nhà báo Ngô Văn Hiền thời kỳ anh làm việc tại Cơ quan Đại diện phía Nam báo Quân đội Nhân dân, ông nhận xét nhà báo Ngô Văn Hiền  ngắn gọn: “Trung thực, thủy chung, say nghề, dám làm dám chịu; biết chọn bạn để chơi, biết chọn thầy để học ”. Nghiệm lại nhận xét của nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lương Ngọc Toản về nhà báo Ngô Văn Hiền, lúc Tạp chí Dạy và Học ngày nay tổ chức chương trình Giao lưu Văn hóa, Giáo dục Đào tạo và Hội nhập quốc tế - 2015, quả không sai.

Ngày 13/11/2015, gặp Ngô Văn Hiền trước khi anh đi Long An giảng bài cho một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ làm báo, Ngô Văn Hiền nhỏ nhẹ nói với tôi, âu cũng là tâm niệm của anh suốt cả cuộc đời, tôi xin  ghi lại để kết thúc bài viết: “Bác ơi, cuộc đời này, nghĩa tình là mãi mãi, mọi thứ đều là thứ phù du. Em có hai ông anh đồng nghiệp  – mà số phận của họ đã không may mắn,  về cõi vĩnh hằng khi tuổi nghề đang độ chín, đó là Đại tá nhà báo  Nguyễn Vũ Linh và Tổng biên tập nhà báo  Hoàng Lâm. Em đã bước qua tuổi 56, rồi cũng có ngày đi theo họ. Lúc này đây, em sẽ càng hết mình với nghề báo và cả nghề khuyến học, khuyến tài – xây dựng xã hội học tập (cười). Và kiếp sau, nếu được chọn nghề, em sẽ vẫn chọn cái nghề báo, gian khó, hiểm nguy nhưng vui lắm”.

Có một nhà báo như thế! Nhà báo Ngô Văn Hiền, người con yêu dấu của quê hương xứ Nghệ là vậy. Con tim anh luôn rộn ràng, thao thức. Trước mắt anh, bao công việc còn ấp ủ, đợi chờ  

TP. Hồ Chí Minh, ngày 15/11/2015

Phạm Quốc Toàn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam