Đó là chia sẻ của Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam tại hội thảo “Tiềm Năng & Cơ Hội Đầu Tư Cổ Phiếu Bất Động Sản” do báo Thương Gia tổ chức mới đây tại Tp.HCM.
Nhìn vào cơ sở nào để cân nhắc đầu tư cổ phiếu BĐS?
Ông Phương nêu rõ, trước bối cảnh thị trường BĐS trầm lắng thì để tìm kiếm lợi nhuận khi đầu tư vào ngành hoặc vào doanh nghiệp nào đó cần có cơ sở để cân nhắc. Với BĐS, lợi thế của ngành NĐT có thể cân nhắc những yếu tố tiềm năng trong tương lai.
Yếu tố đầu tiên là thấy rõ là nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển, tốc độ tăng GDP cao hơn các năm trước. Thu nhập của người dân ngày càng tăng trưởng. Đây là nguồn thu để người ta có thể bỏ tiền vào BĐS. Đây cũng là động lực cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS.
Theo các chuyên gia, trước khi giải ngân mua trái phiếu NĐT xem xét kĩ bề dày lịch sử hoạt động của doanh nghiệp, kết quả kinh doanh năm liền kề của doanh nghiệp đó. Tốt nhất nên cân nhắc từ 2-3 năm, cho đến thời điểm doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Bên cạnh đó, khả năng kết nối các đô thị ngày càng cao. Hà Nội và Tp.HCM đều có dự án đường cao tốc để kết nối các địa phương với nhau. Vì thế, doanh nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng về các địa phương, vùng lân cận để đa dạng hóa sản phẩm của mình. Các NĐT chuyên về BĐS vì thế sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn. Doanh nghiệp cũng có thu nhập từ các NĐT mua này.
Ngoài ra, doanh nghiệp BĐS hiện nay đang gia tăng tiềm lực tài chính của chính họ. Tăng vốn là lý do để các doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới. Điều đó có nghĩa là NĐT có cơ hội tiếp cận nhiều dự án. Đây cũng là lý do BĐS có thể tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.
Một yếu tố khác nữa là, hầu hết các doanh nghiệp lớn niêm yết đều có thiên hướng phát triển BĐS về đất nền và nghỉ dưỡng ở các khu du lịch nổi tiếng. Mà 2 phân khúc này từ năm 2018 đếnn nay vẫn thu hút được dòng tiền từ các NĐT.
“Đa phần doanh nghiệp lớn vẫn đi tìm dự án, quỹ đất để phát triển liên tục chứ không dừng. Đây là yếu tố cân nhắc để bỏ vào cổ phiếu của họ”, ông Phương nhấn mạnh.
Lúc thị trường BĐS đang khó khăn nên cân nhắc mua vào
Theo ông Phương, doanh nghiệp BĐS đang gặp khó khăn do thị trường khó khăn chung nhưng doanh nghiệp vẫn bán được sản phẩm. Khó khăn chỉ là hiện tại nhưng nhìn vào tương lai thì cần cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau để quyết định đầu tư vào cổ phiếu doanh nghiệp đó.
“Đối với những doanh nghiệp đã có thương hiệu trên thị trường, làm ăn uy tín, lúc thị trường khó khăn, NĐT nên cân nhắc mua vào vì giá còn mềm. Còn khi thị trường đã được hóa giải khó khăn thì giá cổ phiếu chắc chắn sẽ cao”, ông Phương nhấn mạnh.
Đối với một doanh nghiệp, sự sống còn đa phần dựa vào nguồn vốn của doanh nghiệp đó. Nếu doanh nghiệp cố gắng tăng vốn thông qua huy động vốn trên thị trường cổ phiếu, đây sẽ là yếu tố giúp doanh nghiệp BĐS bớt phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng và phát triển vững mạnh hơn. Khi bản thân doanh nghiệp BĐS đi tìm hướng mở cho mình thì xét trên yếu tố sử dụng nguồn vốn, doanh nghiệp ngày càng tốt lên.
Theo ông Phương, lúc thị trường khó khăn, NĐT nên cân nhắc mua vào vì giá còn mềm. Còn khi thị trường đã được hóa giải khó khăn thì giá cổ phiếu chắc chắn sẽ cao
“Khi đầu tư cổ phiếu, NĐT cần quan tâm đến 2 chỉ số là PE (thị giá trên thu nhập doanh nghiệp) và PB (trị giá trên giá trị sổ sách của doanh nghiệp). Nếu các chỉ số này của doanh nghiệp càng cao thì phải cân nhắc nhiều khi đầu tư. Trong khi đa phần chỉ số này của các doanh nghiệp niêm yết còn thấp, cho nên NĐT sẽ không bị mua mắc và giá sẽ còn tăng”, Giám đốc cấp cao Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Minh Khang, TGĐ Công ty CP Đầu tư LDG cho rằng, thị trường BĐS sẽ còn phát triển ổn định trong vòng 5 năm tới nữa. Cho nên việc đầu tư vào cổ phiếu hay các phân khúc nhà ở vẫn sẽ mang lại giá trị cho các NĐT.