Cụ thể, dùng trong trường hợp viêm nhiễm ở mắt như: Viêm kết mạc (đau mắt đỏ), viêm màng bồ đào, viêm thượng củng mạc, viêm bờ mi... Đây là loại thuốc chỉ được sử dụng khi có đơn của thầy thuốc. Không được dùng thuốc trong các trường hợp bị bệnh nấm giác mạc bởi sẽ làm nặng thêm bệnh, làm cho vết loét rộng ra, lâu lành sẹo và có thể dẫn đến thủng giác mạc, mù.
Vì vậy, khi đã bị bệnh ở mắt, người bệnh cần phải đi khám đúng chuyên khoa mắt để được điều trị đúng hướng và kịp thời, tuyệt đối không nên tự ý điều trị, tiền mất tật mang…
Nhiều người thường sử dụng thuốc nhỏ mắt hàng ngày để mắt bớt khô và đỡ mỏi mắt. Tuy nhiên, việc nhỏ mắt hàng ngày có thực sự tốt cho mắt không? Một loại thuốc nhỏ mắt được nhiều người dùng hàng ngày đó là nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) làm dịu mắt, cung cấp nước cho mắt bị khô và làm sạch mắt. Tuy nhiên cũng không nên dùng NaCl 0,9% thường xuyên hàng ngày trong thời gian dài. Khi đã mở lọ thuốc ra chỉ nên dùng trong vòng 15 ngày, sau thời gian đó thuốc có nguy cơ không còn đạt được độ vô khuẩn.
Thuốc nhỏ mắt là một trong những loại thuốc phổ biến tuy nhiên, không phải ai cũng biết dùng thuốc nhỏ mắt đúng cách. Thói quen tự chẩn bệnh và tự ý dùng thuốc nhỏ mắt có thể gây các biến chứng nghiêm trọng: suy giảm thị lực, đục thủy tinh thể, mù lòa...
Nếu mắt đang bình thường, không có gì khác thường (ngứa, đỏ mắt..) thì không nên dùng thuốc nhỏ mắt (bất cứ loại thuốc nào) để nhỏ vào mắt. Chỉ khi nào làm việc bằng mắt nhiều, cảm thấy mỏi mắt, khô mắt hoặc khi tiếp xúc với môi trường có nhiều bụi, thì có thể nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý để làm sạch mắt.
Một số người dùng thuốc nhỏ mắt có chứa thêm chất làm tăng độ nhầy, chống khô mắt. Các thuốc này thực ra không phải là thuốc nhỏ để dưỡng mắt mà còn được gọi là “nước mắt nhân tạo”. Trong “nước mắt nhân tạo” có chứa các chất tăng độ nhầy là thành phần chính để tăng độ nhầy, giúp nước mắt nhân tạo lưu giữ lâu hơn trên bề mặt nhãn cầu. Nước mắt nhân tạo được kê đơn trong những trường hợp có bệnh lý làm cho mắt bị khô, không tiết đủ nước mắt, nên mắt không có đủ độ trơn nhầy. Còn với mắt bình thường, lượng nước mắt luôn được tiết ra đủ để bảo vệ mắt thì việc dùng nước mắt nhân tạo là không cần thiết.
Khi nhỏ mắt bằng thuốc nhỏ mắt để rửa mắt, làm dịu mắt hoặc dùng “nước mắt nhân tạo” để chống khô mắt cũng cần lưu ý, nhỏ mắt một thời gian thấy cải thiện thì ngưng, chỉ khi nào triệu chứng mỏi mắt, khô mắt tái phát mới dùng các thuốc này trở lại.
Hiện nay, có khá nhiều loại thuốc bổ mắt dạng viên uống được quảng cáo với nhiều tác dụng như: giúp sáng mắt, chống khô mắt, nhìn mờ, phòng ngừa các bệnh như đục thủy tinh thể, giảm thị lực... Thực chất thành phần chính trong các thuốc bổ mắt kể trên chứa các vitamin như: vitamin A, vitamin E, vitamin C, một số vitamin nhóm B, lutein, zeaxanthin...
Đây là những chế phẩm hỗ trợ dinh dưỡng cho mắt chứ không có tác dụng chữa bệnh, phòng bệnh. Thậm chí có người còn cho trẻ dùng như một giải pháp để phòng bệnh cận thị. Thật ra, không có loại thuốc bổ mắt nào có thể ngăn ngừa được bệnh cận thị và ngay cả những người đã bị cận rồi mà uống thuốc bổ mắt cũng không thể làm mắt sáng hơn được.
Nếu làm việc với máy tính, bạn nên giảm ánh sáng và sự chiếu sáng của màn hình hoặc đeo kính bảo vệ mắt. Cho mắt nghỉ ngơi sau mỗi 30 phút làm việc. Chớp mắt thường xuyên hơn khi đang làm việc để mắt khỏi khô. Đeo kính râm khi ra nắng gay gắt. Đặc biệt cung cấp đầy đủ dưỡng chất qua thực phẩm hàng ngày để nuôi dưỡng cho mắt sáng khỏe từ bên trong.
Nên ăn nhiều rau, trái cây tươi là cách tốt nhất bổ sung vitamin và chất khoáng thiên nhiên cần thiết, đặc biệt là các dưỡng chất có tác dụng chống ôxy hóa. Cần khám mắt ở bác sĩ chuyên khoa khi phát hiện có những bất thường, không tự ý dùng thuốc nhỏ mắt ngay cả thuốc uống bổ mắt khi không hiểu rõ về tác dụng và chất lượng của thuốc.