Giá vàng thế giới ngày 6/7, bắt đầu chững lại, sau chuỗi ngày đi lên mạnh bởi tác động sự kiện Brexit, nhưng trong nước thì lại tăng chóng mặt. Từ chỗ mở cửa tăng 800.000 đồng, lên 37,5 triệu, giá tiếp tục tăng tốc, lần lượt qua ngưỡng cản 38 triệu rồi lên 39 triệu đồng (bán ra), sau đó thì vượt 40 triệu đồng - lập kỷ lục về giá kể từ tháng 6/2013. Tính chung trong ngày, mỗi lượng vàng SJC tăng 3,3 triệu đồng, còn so với thời điểm cuối tháng 6 thì cao hơn khoảng 6 triệu.
Giá vàng tăng hàng giờ với mức điều chỉnh cả triệu đồng khiến các doanh nghiệp cũng mạnh tay giãn biên độ mua bán để hạn chế rủi ro. Theo đó, đầu ngày chênh lệch dao động quanh 400.000 đồng, sau đó nâng lên 700.000 đồng lúc cuối buổi trưa và chính thức chạm một triệu đồng vào giữa buổi chiều cho đến khi chốt ngày.
Chênh lệch giá vàng quá lớn, rủi ro đang đổ dồn về người mua vàng. Ảnh: PV. |
Lý giải giá trong nước tăng với tốc độ quá cao so với thế giới, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Vàng Việt Nam - VGB phân tích ba nguyên nhân chính. Thứ nhất là tác động bởi chuỗi ngày đi lên khá vững chắc từ thị trường thế giới sau sự kiện Brexit đến nay. Thứ hai là yếu tố tâm lý. Theo ông, trong lúc giá vàng sốt nóng, các bình luận đều theo hướng giá vàng còn tăng nữa. Chính điều này đã tác động lớn đến tâm lý người dân.
Cuối cùng là vấn đề nguồn cung. Ông Hải cho rằng, từ hai năm nay, Ngân hàng Nhà nước ngừng đấu thầu vàng khiến thị trường trong nước không được bổ sung thêm nguồn cung dẫn đến khan hiếm. Do đó, khi xảy ra biến động mạnh và xuất hiện nhu cầu trên thị trường thì vàng dễ dàng bị các doanh nghiệp đẩy lên, nhất là giá bán nhằm hạn chế rủi ro cho họ.
Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, cơ quan này đang theo dõi sát diễn biến của thị trường vàng để có thể đưa ra những giải pháp và kiến nghị phù hợp.
Vị này cho rằng, giá vàng trong nước ngày hôm nay tăng nóng chủ yếu là do yếu tố tâm lý. "Còn nguồn cung vàng hiện tại không thiếu. Tất cả các doanh nghiệp vàng cũng như ngân hàng được phép kinh doanh vàng ngày hôm nay đều đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, không có hiện tượng phải viết giấy hẹn hoặc khống chế số lượng giao dịch...", ông nói.
Chứng kiến giá vàng tăng mạnh, nhà đầu tư cũng như người mua vàng nhỏ lẻ xuất hiện tâm lý hoang mang. Bên cạnh sự đan xen mua bán thì từ sáng đến chiều, các doanh nghiệp ghi nhận xu hướng mua vào có phần nhỉnh hơn. Theo Tập đoàn DOJI, hôm nay lượng khách mua vàng chiếm khoảng 65% trên tổng lượng giao dịch.
Một chuyên gia nhiều năm trong lĩnh vực vàng phân tích, nếu sốt giá tiếp tục kéo dài và thu hút sự quan tâm ngày một lớn của dân cư sẽ khiến lượng vốn dùng để sản xuất kinh doanh lại có nguy cơ nằm chết trong vàng, đồng thời đe dọa tới sự ổn định tỷ giá và hệ quả cuối cùng là gây khó khăn cho điều hành kinh tế vĩ mô.
Theo vị này, do người Việt Nam hay bị ảnh hưởng, bởi yếu tố "đám đông". Do đó, bên cạnh những người mua vàng thời gian qua chủ yếu là đầu cơ lướt sóng ngắn hạn thì không loại trừ những trường hợp thấy giá tăng cao sẽ rút tiết kiệm ra mua, gây ảnh hưởng xấu tới thanh khoản của hệ thống ngân hàng vốn chưa hết khó khăn.
"Các nhà băng có thể thiếu vốn cục bộ. Hệ quả là họ có thể tiếp tục phải nâng lãi suất lên cao để giữ chân khách hàng trong khi chúng ta đang mong muốn ổn định lãi suất. Và thực tế là mấy ngày gần đây, lãi suất huy động tại một số ngân hàng tiếp tục tăng theo 0,2-0,3% một năm", ông nói và bày tỏ lo ngại rằng, khi nhu cầu mua gom vàng tăng cao, nguồn cung trong nước thiếu, ngân hàng và doanh nghiệp sẽ lại phải dùng đôla để đi nhập khẩu. Tỷ giá khi đó sẽ chịu nhiều áp lực.
Các chuyên gia và doanh nghiệp cũng kêu gọi người dân thận trọng với diễn biến giá vàng. Theo quan điểm của ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Vàng Việt Nam - VGB, giá vàng thế giới đang biến động mạnh nên rủi ro rất cao. "Sự trồi sụt mạnh của giá vàng đem theo những rủi ro rất lớn cho cá nhân, tổ chức mua bán vàng với mục đích đầu cơ.
Ông Hải phân tích, tối 4/7 (tính theo giờ Việt Nam), sàn giao dịch hàng hóa tương lai lớn của thế giới Comex (Mỹ) đã tăng tỷ lệ ký quỹ của vàng lên 22%, điều này cho thấy tổ chức tạo lập sàn đánh giá vàng đang chứa đựng rủi ro. "Và diễn biến giá vàng trong nước ngày hôm nay cũng có dấu hiệu tăng quá nóng và đầy bất ổn", ông nói.
Tổng giám đốc VGB khuyến nghị, người mua vàng thời điểm này cần thận trọng vì giá mua và giá bán đang cách nhau cả triệu đồng một lượng, nên khi mua vào thì coi như đã chấp nhận lỗ một triệu đồng và phải chờ giá tăng bằng hoặc hơn mức này mới bán được. Còn đối với những ai đang nắm giữ vàng, một chiến lược khôn ngoan là bán ra một phần ba khi giá vàng ở mức cao để chuyển sang kênh đầu tư khác.
Đại diện Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận - PNJ cũng cho rằng nhà đầu tư tốt nhất là không nên chạy theo giá vàng trong thời điểm hiện nay. Diễn biến giá vàng hiện đã hoàn toàn khác so với trước. Nếu như trước đây người ta dễ phân tích về xu hướng trung, dài hạn, và khó đoán trong ngắn hạn. Nay thì trong ngắn hạn ai cũng thấy giá tăng, còn trung hạn lại thấy rất rủi ro.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, cơ quan này đang nghiên cứu, rà soát xem có hiện tượng đầu cơ, làm giá hay lũng đoạn thị trường vàng hay không. Nếu có, cơ quan này sẽ phối hợp với công an cũng như các cơ quan quản lý khác để xử lý cũng như đề xuất giải pháp lên Ngân hàng Trung ương có biện pháp phù hợp ổn định thị trường.
Về phía người dân, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo hết sức bình tĩnh, không chạy theo đám đông vì hiện tại giá vàng thế giới cũng như trong nước đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là chênh lệch mua bán của vàng miếng SJC khá lớn nên không cẩn trọng sẽ gánh chịu rủi ro.