Sống khỏe mạnh bình thường, liệu có nguy cơ chết vì bệnh tim mạch khi có tiền sử gia đình mắc bệnh này?
Dailymail mới đây chia sẻ trong phần mục hỏi đáp về mối quan hệ giữa tiền sử gia đình có nhiều người lần lượt tử vong do bệnh tim mạch cực hay. Vấn đề đặt ra là, liệu một người khỏe mạnh bình thường sống trong gia đình như vậy thì có nguy cơ chết trẻ hay cái chết có liên quan đến bệnh tật này hay không?
Câu hỏi:
Bố tôi qua đời vì một cơn đau tim ở tuổi 49. Mẹ và những người anh trai của tôi cũng tử vong vì cơn đau tim ở tuổi 66, 67 và 47. Tôi 61 tuổi, hiện tại đang sống khỏe mạnh bình thường nhưng theo tiền sử gia đình, tôi có nên làm xét nghiệm sàng lọc nguy cơ mắc bệnh tim mạch hay không? (M. Kenyon, Mer Jerseyide).
Tiến sĩ Martin Scurr trả lời:
Bạn có tiền sử gia đình khá đáng lưu tâm vì những cái chết liên quan đến bệnh tim mạch. Do đó, dường như điện tâm đồ đơn ECG dùng để đo nhịp tim của bạn là thứ không thể đủ để đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim mạch đến đâu. Việc đến gặp bác sĩ tim mạch và làm các xét nghiệm cần thiết là điều bạn cần làm lúc này.
Tim ngừng đập đồng nghĩa với việc không còn bơm máu đúng cách đến các cơ quan trong cơ thể. Nó có thể xảy ra do hậu quả của một cơn đau tim - khi máu cung cấp cho một phần cơ tim bị chặn bởi một cục máu đông trong động mạch hoặc nhịp tim bất thường, như rung tâm thất.
Tiền sử gia đình có người bị bệnh tim mạch dẫn đến tử vong là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh của bạn lên gấp đôi, bất kể bạn có bị cholesterol cao, huyết áp cao, tiểu đường type 2 hoặc béo phì hay không.
Nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch cũng tăng theo tuổi tác và nam giới dễ bị ngừng tim đột ngột cao gấp 3 lần so với phái nữ. Trong trường hợp hoàn toàn khỏe mạnh và làm tất cả những biện pháp để phòng chống bệnh tim mạch nhưng tiền sử gia đình, giới tính và tuổi tác vẫn đẩy nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng như tử vong do tim mạch lên mức cao.
Tốt nhất, bạn nên có một cuộc hẹn với bác sĩ tim mạch để tìm hiểu thêm. Ít nhất, bác sĩ sẽ cho bạn làm điện tâm đồ, trong đó hoạt động điện tim được ghi lại khi bạn tập thể dục vất vả trên máy chạy bộ dưới sự giám sát. Một bác sĩ tim mạch cũng có thể muốn xem ECG được ghi lại trong một ngày hoặc lâu hơn, và có thể là chụp động mạch CT để nhìn rõ hình ảnh X quang của các động mạch vành.
Cục máu đông – Thủ phạm gây cơn đau tim, có thể cướp tính mạng trong tích tắc chẳng chừa ai, nhất là khi đi đường dài
Thống kê của CDC cho thấy, mỗi năm có tới khoảng 300 triệu người trên toàn cầu di chuyển trên các chuyến bay đường dài (thường là hơn 4h). Các cục máu đông hay còn gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) có thể gây ra nguy cơ nghiêm trọng đối với một số du khách đường dài. Hầu hết các thông tin về cục máu đông và du lịch đường dài đều được thu thập từ du lịch hàng không. Tuy nhiên, bất cứ ai đi du lịch hơn 4 tiếng đồng hồ, dù bằng phương tiện xe máy, xe hơi, xe buýt hay tàu hỏa… đều có nguy cơ bị cục máu đông.
Các cục máu đông có thể hình thành trong các tĩnh mạch sâu (tĩnh mạch dưới bề mặt không nhìn thấy qua da) ở chân khi đi du lịch bởi vì bạn đang ngồi trong không gian hạn chế với khoảng thời gian dài. Càng ít cử động, bạn càng có nguy cơ hình thành cục máu đông. Thông thường, cục máu đông sẽ tự tan. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cục máu đông vỡ ra, gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, dẫn đến tắc nghẽn phổi, được gọi là tắc mạch phổi và nhanh chóng gây tử vong.
Theo GS. NGND Nguyễn Lân Việt (Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam), sự xuất hiện của cục máu đông là nguyên nhân gây tắc mạch máu, là nguyên nhân trực tiếp gây ra một loạt các căn bệnh tim mạch nguy hiểm như bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim, thậm chí là nhồi máu não, suy tim, động mạch ngoại vi và bệnh mạch máu thận. Chứng bệnh này chẳng loại trừ ai, dù gia đình có tiền sử mắc bệnh tim mạch hay không.
GS Nguyễn Lân Việt cho biết thêm, cục máu đông là một trong những tác hại nghiêm trọng của bệnh tăng huyết áp. Tăng huyết áp tạo sức ép trong lòng mạch tăng cao làm cho bề mặt bên trong mạch máu bị rạn nứt tạo điều kiện cho phân tử mỡ lọt xuống thành mạch máu kéo theo các bạch cầu và một số các thành phần khác, thành mạch máu khi đó bị dày lên tạo thành mảng xơ vữa. Mảng xơ vữa làm mạch máu hẹp lại, các thành phần của máu bị cản trở lưu thông gắn kết vào nhau tạo thành khối liên kết hay còn gọi là cục máu đông.
Để phòng tránh, GS Nguyễn Lân Việt cho biết, bạn nên hình thành lối sống lành mạnh, khoa học, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, không ăn quá nhiều thịt, mỡ, muối, kiểm tra huyết áp, đường máu… để kịp thời thăm khám, tránh biến chứng, đẩy đến nguy cơ hình thành cục máu đông. Tập thể dục, đi bộ hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày. Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh…