Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Có những nỗi đau… trời không thấu!

Đã có ngàn lẻ cuộc hội thảo, nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình, mà nạn nhân phần lớn là phụ nữ, nhưng xem ra tình hình đến nay vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Bên cạnh những phụ nữ hạnh phúc với chồng, con, với đời thì còn nhiều phụ nữ cuộc sống là nước mắt. Ấy là nước mắt về tình trạng bạo hành mà người thân quen họ, thậm chí là cả những đức ông chồng ngày đêm gần gũi đã phũ phàng “dành” cho họ.

Người chồng đốn mạt và những tập thơ... chửi vợ! 

Có lẽ trong những phụ nữ bị nạn bạo hành do chính đức ông chồng gây ra mà tôi đã gặp, thì bà là người khổ hạnh nhất. Tôi không thể chia sẻ được và tôi cũng không thể hiểu sao bà có “nghị lực” để vượt qua những đầy ải mà người chồng dã tâm kia đã dành cho bà. Thậm chí trước tình trạng bạo hành của bà do “đức ông chồng” dành cho, một nhà báo nước ngoài khi biết chuyện, đã đem đau xót về trời Tây để viết thành một bài báo, gây những rung động xã hội.

Tình trạng bạo hành phụ nữ trong gia đình ngày một tăng. (Ảnh minh họa)

Năm nay hơn 60, đã lên chức bà nội, bà ngoại, nhưng bà vẫn là... nạn nhân của bạo hành gia đình. Xưa, thời con gái, bà vốn là một cô gái tóc dài da trắng. Để lại bao nhiêu cái nhìn đắm đuối cho cánh trai trẻ, đất nước lâm chiến sự, bà tòng quân lên đường. Vào bộ đội, do có duyên ăn nói, lại thêm cái sự khéo léo của đôi bàn tay, bà được lựa chọn vào học và làm nữ y tá.

“Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, lại thêm cái đức cứu người, mà như các cụ nhà ta nói: “cứu một người phúc đẳng hà sa”, với cái phúc này nên hòn tên mũi đạn nơi chiến trường đã luôn tránh bà. Cứ đi, cứ xông xáo, không mảy may thương tật, hòa bình, bà về. Chọn một công việc đơn thuần để làm, rồi bà nên duyên với một chàng trai.

Chồng bà vốn là người làm trong ngành nghệ thuật. “Ớt nào mà ớt chẳng cay...”, chồng vợ ghen tuông âu cũng là cái lẽ ở đời. Lấy chồng, bà mới phát hiện ra chồng mình có cái “bệnh” ghen tuông. Mới đầu, bà nghĩ, chắc anh ấy yêu mình quá, tình yêu chuyển hóa nên anh ấy mới có tính ghen đến như vậy. Nhưng thực ra chẳng như bà nghĩ. Cuộc sống cứ trôi, bệnh ghen của ông chồng ngày một trầm trọng hơn.

Trước sự ghen tuông quá khác người của chồng, bà suy lý và tìm hiểu. Hóa ra do làm trong ngành nghệ thuật, lại là người nổi tiếng nên ông có rất nhiều phụ nữ để ý. Rồi trong những sự để ý ấy, có nhiều người phụ nữ đã đi quá giới hạn với ông. Trong sự được mất này, ông cũng có sự suy lý ngược lại. Rằng, nhiều người phụ nữ đã dễ dãi với ông thì chắc vợ ông cũng sẽ dễ dãi với người khác. Nghi hoặc, cái “mầm ghen” cứ lớn dần trong ông.

Mới đầu là bóng gió, rồi chửi bới. Minh oan mãi không được, với lại bà nghĩ mình chẳng tội tình gì, thời gian và sự tần tảo của mình sẽ tạo cho chồng một niềm tin và sự thấu hiểu. Vì con, vì điều tiếng nên bà đã cắn răng chịu đựng. Rồi không dừng ở đó, sự chửi bới của chồng rơi vào tình trạng thoái trào, ông quay sang khủng bố về mặt tinh thần. Ngoài việc bất hợp tác, không chuyện trò, dã tâm hơn, người chồng còn làm đến mấy... tập thơ để chửi vợ. Bà vẫn mặc, vẫn cắn răng chịu đựng.

Tinh thần không khủng bố được, người chồng quay sang tàn phá cơ thể bà. Ngoài gây sự, đánh đập, thảm hại hơn người chồng còn lấy cả ớt để trát, bôi vào quần áo, nơi tiếp xúc với phần nhạy cảm nhất của phụ nữ. Có những lần gặp cảnh hành hạ này, bà đã phải ngâm mình trong bồn nước đến vài giờ đồng hồ để tránh hiện tượng bỏng rát.

Cao trào nhất là lần người chồng bôi ớt tươi vào đồ lót. Không chịu đựng được nữa, với sự hỗ trợ của bạn bè, bà đã tìm đến Câu lạc bộ “cùng chia sẻ”. Trong lá thư đẫm nước mắt bà viết: Tôi đã bị đày đọa 20 năm. Giờ đã lên ông, lên bà tôi vẫn bị chồng đối xử như vậy. Đau đớn nhất đã có lần chồng tôi viết tên tôi và người ông ấy nghi là tôi đã quan hệ bất chính lên 2 tờ giấy, lập bàn thờ rồi mua hoa quả về thắp hương, viết sớ để tế sống hai cái tên.

Những cách bạo hành thời... trung cổ

Trong “kho tư liệu” và “hiện vật” còn lưu ở Câu lạc bộ “cùng chia sẻ”, nạn bạo hành giới (chiếm số đông là phụ nữ) “sưu tầm được” người ta sẽ thấy lạnh người. Phụ nữ bị bạo hành bằng đủ phương thức, các loại vật dụng sẵn có trong gia đình. Trong nhiều công cụ và cách thức bạo hành thì có nhiều cách thức bạo hành phụ nữ được triển khai theo hình thức hết sức... trung cổ.

Chị T. năm nay 34 tuổi, làm nghề buôn bán nhỏ, còn chồng 38 tuổi, làm nghề thầu các công trình xây dựng. Do vốn có máu “Hoạn Thư” trong người nên chồng chị đã cấm không cho chị đi đâu. Vốn không muốn phụ thuộc vào chồng nên chị đã giải thích rằng nghề của chị phải đi lại. Anh chồng vẫn không đồng ý, bắt đầu mắng chửi vợ.

Chửi vợ chán, anh ta tiến tới hình thức “xung đột vũ trang” và thường xuyên “hình sự hóa quan hệ dân sự” với chị. Cũng là người nín nhịn vì chồng, vì con nên chị cắn răng chịu đựng. Thế rồi không dừng ở đó, cao trào “đánh ghen” của anh được đẩy lên, ấy là khi anh dùng “chiến lược” tra tấn vợ bằng hình thức... thời trung cổ.

Những “công cụ” dùng để bạo hành phụ nữ được “trưng bày” tại Dự án cải thiện chăm sóc y tế đối với nạn nhân của bạo lực giới. 

Chị kể, anh bắt đầu “giở trò” cách đây vài năm. Ấy là hôm mồng 8/3, vì chị hát hay nên xã đã chọn chị vào đội văn nghệ để luyện tập hát mừng chị em. Biết chị tham gia, anh đã cấm đoán và đánh chị. Để tránh đòn, chị bỏ chạy ra sân. Anh ta chạy vào thùng đồ nghề lôi ra chiếc kìm, đuổi theo chị, bắt được anh ta đã lấy kìm cặp vào cơ thể chị để lôi về.

Trong dòng tự sự chị viết: Tôi không thể hình dung khi anh ta cầm kìm kẹp vào da thịt mình lại đau buốt đến như vậy. Tôi càng kêu, anh ta càng xiết chặt hơn. Kêu được mấy câu thì tôi không thể kêu được nữa vì đau buốt và không thể chịu đựng nổi. Tôi phải quỳ xuống van lạy anh và hứa sẽ không tham gia đội văn nghệ nữa.

Thấy màn tra tấn của mình đã thể hiện “công năng”, từ đó trở đi, cứ khi nào ghen tuông là người chồng lại lôi kìm ra để hành hạ vợ. Có tháng chị bị anh hành hạ như vậy đến 2 lần. Nhưng vì chồng, con, vì sự phát đạt của anh nên chị cắn răng chịu đựng cho tới một hôm một người bạn thân của chị phát hiện ra. Chị bạn đã nhờ chính quyền, công an, tư pháp đến can thiệp. Chính quyền xã đã lập biên bản xử phạt anh và thông báo cho gia đình 2 bên phải có trách nhiệm giám sát người chồng vũ phu.

“Tôi bị chồng đánh không biết bao nhiêu lần, tôi chẳng còn nhớ rõ. Những tháng ngày bình yên, không bị chồng hành hạ của tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay...” đó là lời tâm sự của chị H. Không vừa ý là đánh, chuyện bực bội bên ngoài xã hội về cũng nhè vợ ra đánh. Đánh vợ không biết đúng sai và cả khi thấy vợ ngứa mắt cũng đánh.

Theo lời chị H., nguy hiểm nhất của chồng dành cho vợ là sau mỗi trận đánh thì thường lấy xích chó để xích vợ lại. Vì cái việc hành hạ vợ theo kiểu trung cổ này nên một lần chị đã suýt chết và phải tìm đến Câu lạc bộ “cùng chia sẻ” để nhờ giúp đỡ. Chị kể, lần ấy sau lúc nhậu nhẹt, chắc có chuyện bức xúc, anh chồng về lại nhè vợ ra đánh.

Đánh xong, như mọi lần, anh lại lấy sợi xích hay dùng để xích chó kéo chị lên tầng 2 xích vào cầu thang rồi bỏ đi. Chị đành chịu đựng như vậy sang ngày thứ 3 rồi cố nhoài người ra cửa sổ gọi hàng xóm sang giải thoát. Hàng xóm đã gọi công an và chị đã được giải thoát khi cái chết kề cận.  

Gia tăng xu hướng

Theo kết quả dự án Cải thiện chăm sóc y tế đối với nạn nhân của bạo lực giới đã được triển khai tại khu vực Bắc sông Hồng, đã phát hiện hàng nghìn phụ nữ bị bạo hành. Riêng tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, trong trên 200.000 phụ nữ đến khám, được sàng lọc, đã phát hiện hàng nghìn người là nạn nhân của bạo lực gia đình. 

Theo Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới (CSAGA), rất nhiều phụ nữ đang phải chịu đựng những hành vi bạo lực lặp đi lặp lại và thường bắt đầu ngay trong năm đầu tiên kết hôn. Tuy nhiên, các nạn nhân thường chọn cách giữ im lặng, chịu đựng, có người chịu đựng đắng cay, tủi nhục trong mấy chục năm trời. Đa số các nạn nhân, thời gian bị bạo hành trong một năm rất ít còn lại là những phụ nữ bị bạo hành trên 7 năm.

Số phụ nữ bị bạo hành đang gia tăng, thể hiện ở những số lượng báo cáo về mức độ nghiêm trọng của các thương tật tăng đột ngột so với đợt điều tra vào các năm trước. Những thương tích vào chỗ hiểm tăng gấp đôi (từ hơn 21% lên hơn 46%), các trường hợp bị gãy chân, tay tăng gần gấp rưỡi. Ngoài ra, nhân viên nhiều bệnh viện cho biết, họ từng chứng kiến những phụ nữ mang bầu bị sẩy thai do bạo hành.