Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Có phải người cao tuổi nào cũng được hưởng trợ cấp?

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri các địa phương gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV liên quan đến chính sách đối với người cao tuổi.

 

Cử tri các địa phương: TP. Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang, Tây Ninh, Đồng Tháp, Tiền Giang, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Trà Vinh, Tuyên Quang, Vĩnh Long, Hà Nội, Bến Tre, Nghệ An, Bình Thuận, Sóc Trăng, Đắc Lắk, Đồng Tháp, Quảng Ngãi, Tiền Giang, Điện Biên, Bạc Liêu đề nghị xem xét để người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp xã hội không phân biệt đang hưởng trợ cấp BHXH hay chính sách ưu đãi người có công, đồng thời, hạ tuổi hưởng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi xuống 75 tuổi và thực hiện trợ cấp theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP.

Cũng liên quan đến chính sách cho người cao tuổi, cử tri các tỉnh: Tây Ninh, Trà Vinh, Bắc Kạn đề nghị hỗ trợ chi phí mai táng đối với người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên, tăng mức trợ cấp tử tuất.

Cử tri tỉnh Phú Yên đề nghị nghiên cứu cho những người ở trong độ tuổi từ 75 tuổi đến 79 tuổi chưa được hưởng trợ cấp người cao tuổi được hưởng BHYT.

Theo phản ánh của cử tri tỉnh Đắc Nông, Luật Người cao tuổi đã ban hành và có hiệu lực nhưng có nhiều điểm mà văn bản hướng dẫn chưa đề cập cụ thể. Chẳng hạn như, “điểm e, khoản 1, Điều 3 quy định: Người cao tuổi được miễn các khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội, trừ trường hợp tự nguyện”, nhưng chưa có văn bản hướng dẫn là miễn các khoản đóng góp nào. Cử tri đề nghị làm rõ vấn đề này.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời kiến nghị của cử tri như sau:

Về kiến nghị toàn bộ người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, theo quy định tại Khoản 2, Điều 17 Luật Người cao tuổi thì đối tượng người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng.

Đây là chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên không có nguồn thu nhập như lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hàng tháng, nhằm hỗ trợ người cao tuổi bớt khó khăn trong cuộc sống, không phải là chính sách “ưu đãi” người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên nói chung.

Vì vậy, người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên đã có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng thì không được hưởng.

Sẽ tiếp tục nghiên cứu hạ độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội 

Về kiến nghị hạ độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội xuống 75 tuổi, trong thời gian qua, cử tri đã nhiều lần kiến nghị hạ tuổi hưởng trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi từ 80 tuổi xuống 75 tuổi, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã nghiên cứu, đề xuất dự thảo Nghị định quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi từ 75 đến 80 tuổi là dân tộc thiểu số, người cao tuổi ở vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Người cao tuổi, người cao tuổi từ đủ 75 đến 80 tuổi là người dân tộc thiểu số, người cao tuổi ở vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn không thuộc độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội nên chưa thể quy định nội dung này.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội về việc hạ độ tuổi khi có điều kiện.

Về chi phí mai táng và trợ cấp tử tuất, theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 thì ngoài đối tượng người cao tuổi đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất BHXH hàng tháng, trợ cấp hàng tháng khác cũng được hỗ trợ chi phí mai táng khi chết.

Nghị định cũng quy định chi tiết hồ sơ, thủ tục hỗ trợ chi phí mai táng. Đồng thời, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 4967/BHXH-CSXH ngày 12/12/2016 hướng dẫn ra quyết định thôi hưởng trợ cấp tuất hàng tháng để thực hiện hỗ trợ chi phí mai táng đối với người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên.

Liên quan đến văn bản hướng dẫn Luật Người cao tuổi, Điểm e, Khoản 1, Điều 3 Luật Người cao tuổi đã quy định cụ thể người cao tuổi “được miễn các khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội, trừ trường hợp tự nguyện đóng góp” nên không cần hướng dẫn thêm.