Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cổ phần hóa các hãng phim Nhà nước: Cần thiết để cứu điện ảnh

Theo dự định, đến cuối năm 2015, các hãng phim Nhà nước sẽ phải cổ phần hóa để nâng cao hiệu quả hoạt động. Cổ phần hóa các hãng phim Nhà nước không phải vấn đề mới mà được phổ biến từ cách đây hàng chục năm. Ngay cả những người trong giới cũng nhận thức được việc cổ phần hóa một nền điện ảnh bao cấp, trì trệ là việc làm cần thiết. Nhưng liệu việc cổ phần hóa này có phải là một cú hích cho phim Việt, hay chỉ là “bình mới rượu cũ”.?

Khó cũng phải làm

Nói về lộ trình cổ phần hóa thì phải quay lại chủ trương của Nhà nước cũng như ngành điện ảnh đã phổ biến cách đây 5, 6 năm. Lúc đó, các hãng phim đều nhận ra ích lợi của việc cổ phần. Chúng ta không thể mãi tồn tại một nền điện ảnh bao cấp, đổ đồng. Nó kìm hãm sự phát triển về kinh tế cũng như xu thế tất yếu muốn tạo nên một nền công nghiệp điện ảnh thực sự. Chính vì vậy, tuyệt đại bộ phận những người làm trong nghề đều nhận thức được sự cần thiết. Tuy nhiên, mỗi hãng lại có những khó khăn riêng.

Cho đến nay, về cơ bản mới có Hãng Phim truyện I hoàn thành được việc cổ phần hóa. Để cổ phần hóa thành công bất kỳ đơn vị nào cũng phải thực hiện được 3 bước quan trọng sau: 1. Phương án cổ phần hóa được Nhà nước phê duyệt; 2. Định giá tài sản; 3. Tổ chức đấu giá công khai những cổ phiếu được phép bán tự do. Hãng Phim truyện I cơ bản đã hoàn thành xong ba bước đó,  bây giờ chỉ còn những thao tác kỹ thuật như thu tiền, nộp tiền cho Nhà nước, đăng ký kinh doanh, làm con dấu, công bố, tổ chức đại hội cổ đông, thông qua điều lệ hoạt động... Công ty cổ phần Hãng Phim truyện I  chính thức bước vào hoạt động theo đúng kế hoạch.

 

Ảnh minh họa.

Đạo diễn Tất Bình, nguyên Giám đốc Hãng Phim truyện I và là người trực tiếp dẫn dắt, đưa hãng này thực hiện việc cổ phần hóa, cho biết: “Hiện chúng tôi còn nhiều ngổn ngang cần giải quyết, phía trước là việc xây dựng phát triển công ty đầy khó khăn nhưng bên cạnh đó lại có cả một niềm tin cũng như khối lượng công việc lớn đang chờ đợi. Việc không có đất đai, nhà xưởng vốn là một lợi thế lớn để chúng tôi nhanh chóng cổ phần hóa thì nay lại là một khó khăn trong việc bước vào kinh doanh. Nhưng đã bắt tay vào thì quyết tâm làm bằng được, chúng tôi nhìn thấy phía trước nhiều ánh sáng, nhiều lạc quan. Tôi tin Hãng I làm được”.

Trong danh sách 5 hãng phim Nhà nước phải cổ phần hóa, chỉ duy nhất Hãng Phim truyện I  hoàn tất  nhiệm vụ của mình. Còn lại 4 hãng là Hãng Phim truyện Việt Nam, Hãng Phim Giải Phóng, Hãng Phim Hoạt hình Việt Nam và Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đang trong giai đoạn chạy nước rút của quá trình chuyển đổi này. Tuy cổ phần hóa từ năm 2010 nhưng đến giờ Hãng Phim truyện I vẫn chưa thể tự sống nếu thiếu ngân sách Nhà nước. Nguồn thu khác của hãng đến từ việc cho thuê nhân lực, thiết bị, dịch vụ làm phim, gia công cho phim truyền hình... Hãng gần như chưa tự sản xuất được bộ phim nào thu lợi nhuận từ rạp chiếu.

Sẽ có một sân chơi sòng phẳng?

Nền điện ảnh Việt Nam hiện chia làm hai khu vực rõ ràng, phim Nhà nước và tư nhân. Phim Nhà nước hoàn toàn bằng tiền tài trợ của Nhà nước nên không bị áp lực về thu hồi vốn. Phim tư nhân do tư nhân bỏ vốn và kinh doanh nên việc thu tiền là vô cùng quan trọng. Các nhà làm phim Nhà nước thường cho rằng phim tư nhân “hài nhạt nhẽo, nhảm nhí, không có tính nghệ thuật”, còn nhà làm phim tư nhân ngao ngán vì  “phim Nhà nước làm cho dân xem nhưng ra rạp lại không ai đến”.Hiện nay các hãng phim tư nhân của Việt Nam cũng đã có mô hình gần giống với thế giới. Họ có hệ thống rạp chiếu phim riêng,  xuất nhập khẩu phim, làm các chương trình truyền hình thực tế...

Nếu được cổ phần hóa, các hãng phim Nhà nước sẽ phải công khai đấu thầu phim theo đơn đặt hàng của Nhà nước. Việc đấu thầu công khai, lành mạnh một mặt buộc các hãng phim Nhà nước phải có sự đầu tư nghiêm túc, sáng tạo để kéo khán giả đến rạp, một mặt phải tránh được kiểu làm phim “mì ăn liền”, thiếu tính nghệ thuật. Đây chính là khó khăn của các nhà làm phim Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa. Việc cổ phần hóa  các hãng phim đồng nghĩa với việc các hãng phim phải làm ra sản phẩm có người thưởng thức. “Gu” thưởng thức điện ảnh của khán giả cũng trở nên phong phú hơn, vì thế nếu các bộ phim Nhà nước vẫn làm theo kiểu giáo điều, áp đặt như từ trước đến nay thì chắc chắn sẽ khó được tiếp nhận.

Làm thế nào để phim Nhà nước đặt hàng, một bộ phim làm ra với kinh phí tiêu tốn lên đến hàng chục tỉ đồng không chỉ chiếu vài ba buổi rồi cất kho? Làm sao để các phim tư nhân không cần chạy theo thị hiếu khán giả với thể loại hài nhảm, dung túng cho sự rẻ tiền và dễ dãi trong nghệ thuật, những hình ảnh sex thô tục, hay lời thoại vô duyên... là một bài toán mà các nhà làm phim hướng đến. Việc xóa đi khoảng cách giữa phim Nhà nước và tư nhân, các nhà làm phim đều có chung một nhận định: Phim nào cũng đều làm để chiếu cho công chúng thì dù là phim Nhà nước hay tư nhân cũng chung một con đường là ra rạp, vậy nên phải đảm bảo tính nghệ thuật, sự hấp dẫn cho một bộ phim. Sự hấp dẫn làm nên doanh thu phòng vé, còn tính nghệ thuật sẽ để lại dấu ấn trong phim. Với việc cổ phần hóa, liệu các nhà làm phim và khán giả yêu môn nghệ thuật thứ bảy có thể hy vọng vào điện ảnh Việt trong tương lai không xa sẽ có sự khởi sắc?